Kinh tế số

CEO Fado: Chuyển đổi số không cần phải chọn những giải pháp quá lớn hay phức tạp

DNVN - Theo CEO Fado, các DN cũng cần lưu ý không cần phải chọn những giải pháp quá lớn hay phức tạp mà cần chọn những giải pháp phù hợp với mô hình cũng như thực trạng của DN mình.

Cơ hội chuyển đổi số tại Việt Nam hậu COVID-19 / Chủ tịch VCCI: Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất khi chuyển đổi số

Theo Báo cáo Kinh tế số 2019 của UNCTAD, kinh tế số chiếm khoảng 4,5% -15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in 3D, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platformd), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.

Với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, họ có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp…

Tuy nhiên, làm thế nào để các DN xuất nhập khẩu nói riêng và DN nói chung có thể ứng dụng chuyển đổi số thành công là vấn đề lớn cần được đề cập một cách hết sức nghiêm túc đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp ở thời điểm hiện tại . Tại diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa – Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA” (VOIEF-2020), vấn đề này đã nhận được nhiều sự quan tâm và được nhiều diễn giả đưa ra những nhận định cũng như lời khuyên cụ thể.

Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa - Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA"

Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa - Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA".

Về vấn đề này, ông Vũ Tú Thành – Giám đốc Quốc gia USABC cho rằng, chuyển đổi số không thể thực hiện đơn lẻ mà nó là một quá trình hữu cơ đồng bộ và phải đi cùng nhau. Tất cả các yếu tố như Nhà nước, các cơ quan quản lý, DN, nền tảng công nghệ số, mô hình kinh doanh đi cùng với có thể phát huy thế mạnh của nền tảng số. Nếu như các bánh xe này không khớp với nhau thì chắc chắn sẽ bị vỡ. Vì vậy có những người khi tham gia chuyển đổi số đã bị thất bại đau đớn.

Cũng tại diễn đàn, bà Bùi Thị Thanh An – Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cũng chia sẻ: các DN muốn bán hàng thành công trên Amazon hay bất cứ một trang TMĐT quốc tế nào cũng không dễ dàng. Muốn thành công trước tiên các DN cần nâng cao năng lực của mình từ bao bì, mẫu mã đến chất lượng sản phẩm. Và cũng thông qua những buổi đào tạo của các nền tảngTMĐT quốc tế mà chúng ta cần biết cách sử dụng các nền tảng này để biết cách bán hàng như thế nào, thu thập thông tin khách hàng ra sao… vấn đề này các DN cần phải suy nghĩ, đầu tư bài bản ngay từ đầu.

Thực tế cho thấy các DN thành công trên các sàn TMĐT lớn trên thế giới chịu đầu tư bài bản là những DN thương mại dịch vụ, còn những DN sản xuất vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Theo ông Phạm Tấn Đạt – CEO Fado, dựa trên thực tế tư vấn cho các DN cho rằng lợi ích của TMĐT là dữ liệu người dùng nhưng hiện nay các DN kể cả các DN có tiềm lực cũng chưa quan tâm đúng đến dữ liệu người dùng trên các nền tảng TMĐT.

Theo CEO Fado, “các DN muốn chuyển đổi số hoặc chọn bất kỳ một giải pháp công nghệ nào để ứng dụng cho DN của mình thì quan trọng nhất là cần có những con người có tư duy chuyển đổi số”.

"Tiếp theo mới đến các giải pháp công nghệ và phần mềm. Tuy nhiên, các DN cũng cần lưu ý không cần phải chọn những giải pháp quá lớn hay phức tạp mà cần chọn những giải pháp phù hợp với mô hình cũng như thực trạng của DN. Nhân sự tham gia vào quá trình chuyển đổi số DN cần phải đủ năng lực học hỏi, ứng dụng được công nghệ nếu không sẽ là bất khả thi”, ông Đạt nhấn mạnh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo