Chuyển đổi số

Chủ tịch VCCI: Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất khi chuyển đổi số

DNVN - Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất của các DN trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều DN vẫn coi đây là khoản chi phí chứ không phải là khoản đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chuyển đổi số: Nỗi đau là động lực để thúc đẩy chúng ta đi tìm và tìm ra lời giải / Cơ hội chuyển đổi số tại Việt Nam hậu COVID-19

Phát biểu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa – Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA” (VOIEF-2020), Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những cứu cánh của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Ông cho rằng, TMĐT ở cấp độ cao hơn là số hóa các hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay là một cuộc cách mạng vĩ đại trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Nó giúp cho Việt Nam có được nền thương mại minh bạch và hiệu quả lại vừa giải quyết được vấn đề không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động xuyên biên giới.

Chủ tịch VCCI cho biết, TMĐT là việc hiện thực hóa nền thương mại không biên giới cả về không gian và thời gian. Ông nhấn mạnh “thị trường toàn cầu là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) để cả các DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa”.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra nhận định của mình về sự tương tác giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong thời gian tới. Ông cho rằng “sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng và người tiêu dùng có thể đặt hàng các nhà sản xuất, định hướng, dẫn dắt nhà sản xuất theo hình thức C2B chứ không phải là B2C sẽ là xu hướng toàn cầu của nền sản xuất thương mại trong thế kỷ tới”.

Từ đó, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng chúng ta đang dần biến thị trường toàn cầu trở về với trạng thái nguyên thủy của chợ quê. Điều này có nghĩa là người bán và người mua ra chợ không chỉ mua hàng mà còn để giao tiếp xã hội với nhau.

Theo ông Lộc: “Việc may đo sẽ dần thay thế cho việc may sẵn. Các dịch vụ bán sự khác biệt và tinh tế sẽ lên ngôi. DN nhỏ sẽ dần thay thế các DN lớn, đặc biệt là trong tương lai khi tầng lớp trung lưu bùng nổ, mọi người trở nên giàu có hơn, khó tính hơn, thích sự khác biệt thì sẽ không ai thích dùng đồ mau sẵn nữa mà sẽ thích những cái gì đó mang dầu ấn riêng của mình. Đây cũng chính là những hình dung tương lai của nền thương mại của nên sản xuất toàn cầu”.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch VCCI, việc chuyển đổi số thành công hay thất bại không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và thể chế quốc gia. Muốn thực hiện thành công TMĐT và chuyển đổi số thì trách nhiệm của Chính phủ là phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại, đồng bộ cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho TMĐT, cho nền kinh tế số.

Trách nhiệm của DN để chuyển đổi số thành công cần đổi mới mô hình kinh doanh, thiết lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số cần hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm. “Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất của các DN trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều DN vẫn còn thờ ơ coi chuyển đổi số chỉ là một phương tiện để “diễn”, một chi phí phải gánh chịu chứ không coi là khoản đầu tư hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số”, ông Lộc cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, những người thành công và đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng, thay đổi quy trình gia quyết định, đổi mới trên nền tảng văn hóa, sáng tạo, nhân văn sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số ở cấp DN. “Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu việc tích hợp công nghệ số trong quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu là bắt buộc”, ông Lộc khẳng định.

“Chuyển đổi số là một hành trình gian nan, cần quyết tâm rất cao và cần có lòng dũng cảm. Kinh tế số sẽ là cơ hội để Việt Nam định vị lại mình, thay đổi mình trong bản đồ kinh tế thê giới”, chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm