Chỉ số thương mại điện tử 2025: Chênh lệch lớn giữa các địa phương
Robot cộng tác và sự chuyển đổi của ngành sản xuất / Đề xuất lùi thời điểm sàn online kê khai, nộp thuế thay người bán
Hà Nội dẫn đầu bảng xếp hạng
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2025, phản ánh bức tranh toàn cảnh về sự phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại các địa phương trên cả nước.
Báo cáo được xây dựng dựa trên khảo sát hơn 5.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, với ba nhóm tiêu chí chính: hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Việc nâng cao thứ hạng của từng địa phương phụ thuộc vào mức độ cải thiện ở ba nhóm tiêu chí này cùng các tiêu chí thành phần.
Theo báo cáo, điểm trung bình của chỉ số EBI năm nay chỉ đạt 9,3 điểm. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu bảng xếp hạng với 74,7 điểm, tiếp theo là TP Hồ Chí Minh với 73,5 điểm. Hai trung tâm kinh tế lớn này bỏ xa vị trí thứ ba là Đà Nẵng (28,1 điểm), trong khi Lai Châu và Điện Biên lần lượt đứng cuối bảng với 2,1 và 1,6 điểm.

Đặc biệt, sự phân hóa thể hiện rõ rệt ở từng tiêu chí thành phần. Với giao dịch B2C, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt từ 62,9 điểm trở lên, trong khi địa phương đứng đầu còn lại là Bắc Ninh cũng chỉ đạt 4,5 điểm. Ở nhóm tiêu chí hạ tầng và nguồn nhân lực, ba địa phương dẫn đầu có điểm thấp nhất là 76,9, trong khi Hải Phòng – địa phương cao nhất trong nhóm còn lại – chỉ đạt 36 điểm. Về giao dịch B2B, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng có số điểm từ 62,6 trở lên, trong khi Bình Dương, đứng đầu nhóm địa phương còn lại, đạt 42,2 điểm.
VECOM nhấn mạnh, để rút ngắn khoảng cách này, các địa phương cần tập trung vào những giải pháp có thể nhanh chóng cải thiện điểm số, như tăng cường nhận thức về tên miền, khuyến khích hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn TMĐT, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh... Trong đó, Sở Công Thương được xác định là cơ quan nòng cốt thực hiện các giải pháp này.
Tuy nhiên, đối với những tiêu chí như số lượng doanh nghiệp hay thu nhập người dân, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ và kiên trì nhiều năm từ các cấp chính quyền, với sự tham gia của các cơ quan liên quan đến thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, bưu chính và giao thông vận tải.
Thương mại điện tử hướng tới phát triển xanh và bền vững
Báo cáo của VECOM cũng cho biết, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2024 ước đạt 32 tỷ USD, tăng trưởng 27% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 22,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023.
Tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 12%, cao hơn mức 10% của năm 2023. Riêng tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến chiếm khoảng 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa, tăng mạnh so với mức 8,8% của năm trước đó.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT tiếp tục cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa TMĐT với sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực phân phối, công nghệ thông tin, truyền thông, logistics và xuất nhập khẩu.
Cùng với công bố chỉ số EBI 2025, VECOM cũng giới thiệu các mục tiêu của Dự thảo Kế hoạch Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 – 2030. Theo đó, TMĐT Việt Nam sẽ phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững.
Cụ thể, tỷ lệ sản phẩm TMĐT sử dụng bao bì nhựa sẽ giảm xuống tối đa còn 45%, tỷ lệ sử dụng bao bì tái chế đạt 50%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch trong logistics cho TMĐT đạt ít nhất 40%, và ít nhất 50% doanh nghiệp sẽ áp dụng tiêu chuẩn đóng gói xanh.
Những định hướng này cho thấy TMĐT Việt Nam không chỉ tập trung vào tăng trưởng về quy mô, mà còn hướng tới những giá trị phát triển bền vững hơn, phù hợp với xu thế toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo