Chuyên gia Fintech: Ban hành sandbox không dễ dàng nhưng cần tăng tốc
DNVN - Dù thừa nhận việc ban hành sandbox không hề dễ dàng nhưng ông Nguyễn Minh Hoàng - chuyên gia Fintech cho rằng, Nhà nước cần cố gắng tăng tốc ban hành sandbox đúng nghĩa để giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm kiếm được cơ hội đầu tư từ những bạn hàng, đối tác nước ngoài.
Doanh nghiệp phải quyết tâm và "máu lửa" khi tham gia sàn thương mại điện tử / Sửa Luật Sở hữu trí tuệ cần theo hướng "đón đầu" hợp tác quốc tế về kinh tế số
Doanh nghiệp gặp khó khi chưa có sandbox đúng nghĩa
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có yêu cầu “sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới (sandbox) hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Thời gian qua, một số cơ chế thí điểm cũng đã được xây dựng như cơ chế thí điểm cho dịch vụ xe hợp đồng qua ứng dụng điện tử, cơ chế thí điểm cho tiền di động (Mobile Money). Và hiện tại, các cơ quan quản lý cũng đang xây dựng hoặc đề xuất xây dựng một số cơ chế thử nghiệm như dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng hay cơ chế thử nghiệm cho sản phẩm, dịch vụ trí tuệ nhân tạo trong Đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.
Trong bối cảnh đó, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã đề cập đến nội dung không gian pháp lý thử nghiệm sandbox. Báo cáo đã chỉ ra một số thách thức, quan ngại trong việc xây dựng một cơ chế thử nghiệm cũng như mong muốn, kỳ vọng từ cộng đồng DN với cơ chế này.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một sandbox theo đúng nghĩa. Điều này gây ra không ít khó khăn cho DN, đồng thời đang chậm hơn so với thế giới và cả Đông Nam Á trong nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Cơ chế thí điểm vẫn có những điểm hạn chế lớn bởi khó có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, không có cơ chế ban hành rõ ràng, không thực sự “miễn trừ” quy định của pháp luật. Các hạn chế này đã cản trở cơ chế thí điểm trở thành một sandbox. Do đó khó có khả năng nhân rộng đáp ứng mục tiêu hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế sandbox theo đúng nghĩa là rất cần thiết.
Nhiều hệ lụy
Ấn tượng trước nội dung không gian pháp lý thử nghiệm sandbox của VCCI, ông Nguyễn Minh Hoàng - chuyên gia Fintech cho rằng, báo cáo này đã "gãi đúng chỗ ngứa của DN đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech".
Theo chia sẻ của ông Hoàng, cách đây khoảng 3 tháng, một số DN Nhật Bản nói với ông rằng, thị trường Fintech của Việt Nam hiện nay vô cùng bùng nổ, trong đó có lĩnh vực ví điện tử. Các DN Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường màu mỡ này tại Việt Nam. Nhưng khi họ khảo nghiệm và kiểm tra những vấn đề liên quan đến pháp lý ở Việt Nam, họ không đầu tư được bởi có quá nhiều vấn đề gây trở ngại.
Chuyên gia Fintech Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, Nhà nước cần giúp các DN Việt Nam phát huy năng lực nội sinh, thay vì bỏ ngỏ sân nhà cho những DN ngoại bước vào.
Trong khi đó, cách đây 2 năm, DN của ông cố gắng tạo ra app trong lĩnh vực kết nối giữa người cho vay và người cho vay nhằm giải quyết bài toán về nguồn vốn cho cá nhân và DN đang muốn đầu tư.
"Thế nhưng, vào một ngày đẹp trời, kho tải trên ứng dụng của Apple (Apple store) chặn hoàn toàn một số ứng dụng của Việt Nam. Lý do là tại Việt Nam vấn đề liên quan đến pháp lý cho Fintech trong lĩnh vực P2P chưa rõ ràng nên rất nhiều DN của Việt Nam trong lĩnh vực Fintech này không được xuất hiện trên kho tải của Apple.
Điều đó có nghĩa là những người dùng tại Việt Nam lại không được dùng sản phẩm của Việt Nam, bắt buộc phải đi dùng sản phẩm của nước ngoài. Tức là nếu như chậm ban hành sandbox thì Việt Nam, các DN Việt Nam lại thua trên chính sân nhà", ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, cuối năm 2021, trên các báo đài nói rất nhiều về vấn nạn liên quan đến app của Trung Quốc, những app "đen" gây hệ lụy vô cùng lớn, thậm chí có người đã phải tự tử.
"Câu hỏi đặt ra là tại sao lại không dùng app của Việt Nam mà lại dùng app nước ngoài? App của Việt Nam không được quảng bá, không được hỗ trợ. Chúng ta thua ngay trên sân nhà. Nó khiến cho người dân không phân biệt được đâu là ứng dụng tốt của người Việt Nam, thay vào đó lại đi sử dụng công cụ, ứng dụng của nước ngoài. Theo đó có thể gây nên những hệ lụy vô cùng đau lòng", ông Hoàng trăn trở.
Các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, đang rất quan tâm và nhìn vào thị trường tài chính vi mô của Việt Nam. Thậm chí một số DN Nhật Bản cho biết đang coi Việt Nam là điểm đến, là bàn đạp tiếp cận thị trường Lào, Campuchia - những nước có nền kinh tế tương tự Việt Nam. Xa hơn nữa Việt Nam sẽ là trọng điểm trước khi họ tiến vào thị trường Đông Nam Á.
"Đây là điểm sáng rất tốt khi họ coi trọng Việt Nam nhưng trở ngại chính là sandbox, những gì liên quan đến pháp lý. Nếu chúng ta chậm chân thì rất dễ thua trên sân nhà và bỏ rơi thị trường sân nhà, tạo ưu thế cho chính đối thủ của chúng ta", ông Hoàng nhìn nhận.
Trước thực trạng này, chuyên gia bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý, bộ, ban, ngành phối hợp để giúp các DN Việt Nam phát huy năng lực nội sinh, thay vì bỏ ngỏ sân nhà cho những DN ngoại bước vào.
Ông Hoàng cho biết, một điều nguy hiểm hơn nữa là an ninh quốc gia. Một điều đáng ngạc nhiên và đáng buồn là khá nhiều ứng dụng của nước ngoài lại nắm được hành vi, dữ liệu của người Việt Nam. Ở tầm vĩ mô điều này gây ra hệ lụy, tổn hại khi.
"Phải thừa nhận làm sandbox, đặc biệt trong lĩnh vực Fintech là cực kỳ vất vả. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với cơ quan quản lý Nhà nước vì làm việc này không hề dễ. Vấn đề này liên quan đến quốc gia, đặc biệt liên quan đến tài chính thì đây là vấn đề cực kỳ phải thận trọng, đảm bảo tối đa an toàn. Do đó, Nhà nước cần cố gắng tăng tốc để giúp DN Việt Nam tìm kiếm được cơ hội đầu tư từ những bạn hàng, đối tác nước ngoài", chuyên gia kiến nghị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo