Doanh nghiệp không thể dựa mãi vào sàn thương mại điện tử, phải có “chất” riêng
Thiếu ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp khó phát hiện rủi ro tiềm ẩn tại các 'mắt xích' trọng yếu / Đổi mới sáng tạo với công nghệ AI tạo sinh
Tạo niềm tin qua website
Với những giá trị tin cậy, tên miền “.vn” đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Theo Báo cáo Internet, tài nguyên Internet Việt Nam 2021 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), có đến 9/10 doanh nghiệp thuộc Top thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2021 đều sử dụng tên miền “.vn”.
Theo giới chuyên gia, để kinh doanh thành công, việc DN nhanh chóng lựa chọn cho mình một tên miền “.vn” là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ thương hiệu và hiện diện trực tuyến. Website gắn với tên miền “.vn” là nền móng vững giúp các chủ shop khởi động hay mở rộng kinh doanh thành công.
Tại diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2023, ngày 30/11 tại Hà Nội, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ TT&TT) cho biết, hiện việc sử dụng tên miền quốc gia là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ.
Dẫn kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), bà Hiền cho biết, tỷ lệ DN sử dụng website với tên miền quốc gia đạt gần 45%.
“Khoảng gần 85% DN được khảo sát cho biết cần thiết phải có website có tên miền quốc gia để tạo dựng thương hiệu cho DN. Nhưng không hiểu vì lý do nào mà đến nay 40% DN trong số này chưa tạo dựng được website. Trong khi đó, 86% người dùng đánh giá những website có sử dụng tên miền quốc gia tin cậy và an toàn hơn”, bà Hiền nói.
Ông Lê Ngọc Hùng - Trưởng phòng Giải pháp Haravan chia sẻ, quan sát từ tệp khách hàng của Haravan, ông nhận thấy, khi mới tham gia bán hàng online, ban dầu DN thường chọn các kênh bán hàng miễn phí như Facebook, Shopee, Lazada, các sàn… Việc mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử rất dễ dàng.
Để có thương hiệu, DN không thể phụ thuộc mãi vào sàn, nhất là trong bối cảnh hiện nay các sàn thương mại điện tử cũng đã bắt đầu ẩn thông tin khách hàng. DN bán hàng online chịu áp lực cạnh tranh rất lớn về giá cả hàng hoá, dịch vụ.
Khi định hướng xây dựng thương hiệu, DN cần nghĩ đến việc xây dựng website. Thực tế, trong tệp khách hàng của Harnavan, khoảng 80% khách hàng triển khai xây dựng website.
“Trong bối cảnh bị cạnh tranh mạnh mẽ hoặc khi làm ăn đã ổn, DN cần phải lấy lại tệp khách hàng để họ quay trở lại nhiều lần. Để quay lại nhiều lần sử dụng sản phẩm, dịch vụ, khách hàng phải vào website. Khách hàng trên website sẽ là khách hàng lâu bền nhất. Có thể nói, về lâu dài website vẫn có giá trị”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng góc nhìn, bà Đặng Thuý Hà - Giám đốc miền Bắc NielsenIQ Việt Nam cho rằng, với DN, website là kênh không thể không đầu tư. Các DN cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho website.
“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, người tiêu dùng sẽ bị động để lấy được thông tin, còn khi họ chủ động tìm hiểu thông tin nào đó thì họ sẽ vào website của DN để cập nhật. Việc DN tư duy trong thiết kế website, seo, hay câu chuyện trình bày gì trên website là rất quan trọng”, bà Hà gợi ý.
Tạo “chất” riêng của người bán hàng
Nhấn mạnh vai trò của thương hiệu, ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cạnh tranh gay gắt, chỉ có thương hiệu mới có thể giúp DN bán hàng được giá cao hơn.
“Để bán được nhiều hơn thì có thể dùng công cụ quảng bá, xúc tiến thương mại, nhưng để bán được giá cao thì chắc chắn phải có thương hiệu. Không bao giờ người tiêu dùng trả giá cao cho sản phẩm không có thương hiệu”, ông Hưng nêu.
Ông Nguyễn Tiến Huy - Tổng Giám đốc Tổ hợp truyền thông và công nghệ sáng tạo Pencil Group cho biết, trong việc tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ online, hiện nay mỗi nhà bán hàng có nhiều cách bán hàng khác nhau và tìm thấy cơ hội riêng cho mình. Nhưng tư tưởng xây dựng thương hiệu dài hạn tại DN lại chưa có.
Với các DN nhỏ vừa vừa, câu chuyện xây dựng thương hiệu cần phải đến từ “chất” riêng của người bán hàng. Đó chính là văn hoá doanh chủ, ở phạm vi lớn hơn là văn hoá doanh nghiệp. Cách bán hàng, tư duy của người đứng đầu DN thể hiện văn hoá doanh chủ, văn hoá doanh nghiệp.
“Sản phẩm DN bán ra có thể thay đổi theo thời gian nhưng chất riêng, nội lực riêng của DN phải được duy trì. Cứ theo “trend” (xu hướng) mà không để ý chất riêng, không đặt câu hỏi tại sao DN lại bán sản phẩm này sẽ tốt hơn người khác thì sẽ rất khó cạnh tranh và thành công. Cần gìn giữ nội lực DN như hạt giống.
Giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay chính là lúc chúng ta có thể nhìn lại nền móng kinh doanh của DN để bắt đầu ươm trồng thương hiệu cho thật tốt”, ông Huy khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo