Kinh tế số

Doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 20% thị phần điện toán đám mây, thua đau trên sân nhà

DNVN - Dự báo, đến năm 2025 thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 30 – 40%. Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của thị trường đã đạt tới 40%. Nhưng hiện doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm được 20% thị phần.

Nền kinh tế số giúp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp / Lễ trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2020 diễn ra vào ngày 24/11

Doanh nghiệp Việt chỉ chiếm lĩnh 20% thị phần dịch vụ đám mây

Ngày 24/11/2020, Báo VietNamNet đã phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam”. Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Internet, các doanh nghiệp Viettel, VNPT IT, CMC.

Chia sẻ về chủ đề “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam”, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng biên tập báo VietNamNet cho biết, theo thống kê, thị trường điện toán đám mây trong nước hiện nay đạt khoảng 133 triệu USD, tương đương 3.200 tỷ đồng. Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước.

Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm được khoảng 20% thị phần, 80% vẫn là dùng dịch vụ đám mây đặt tại nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp điện toán đám mây tại Việt Nam phải liên minh lại với nhau để không bị thua trên “sân nhà”.

Ông Võ Đăng Thiên - Phó Tổng biên tập Báo VietNamNet phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Võ Đăng Thiên - Phó Tổng biên tập Báo VietNamNet phát biểu tại Tọa đàm.

Lãnh đạo Bộ TT&TT đã khẳng định Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực. Đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam. Thị trường Việt Nam đủ lớn với 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới.

Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số với sự ra đời của các nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về điện toán đám mây…

Do đó, không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam.

“Chúng tôi hy vọng rằng qua buổi tọa đàm này chúng ta sẽ chia sẻ, thảo luận các giải pháp để thúc đẩy điện toán đám mây Make In Vietnam từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số của Việt Nam”, ông Võ Đăng Thiên nói.

Thị trường điện toán đám mây có thể đạt 500 triệu USD sau 5 năm

Cũng tại buổi Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin Nguyễn Khắc Lịch cho biết, hạ tầng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam hiện nay đang được Bộ TT&TT định hướng phát triển.

Theo đó, Bộ TT&TT đã xác định, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 - 10 năm tới. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng xác định nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng số cho phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. “Đây là một trong những định hướng chủ lực của quốc gia cần tập trung phát triển trong thời gian tới”, ông Lịch nhấn mạnh.

Theo dự báo, đến năm 2025 thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 30 – 40%. Đặc biệt, trong năm 2020 này, dịch Covid-19 đã tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của thị trường đã đạt tới 40%. Về mặt thị trường thì điện toán đám mây là một miếng bánh tương đối lớn cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Còn ở góc độ quốc gia, với tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số, chính phủ số trong vài năm tới. Đồng thời thực hiện chủ trương Make in Vietnam, các doanh nghiệp trong nước cần phải phát triển, làm chủ nền tảng hạ tầng này.

Ông Lịch cũng nhấn mạnh, quốc gia muốn làm chủ thì cần phát triển các nền tảng điện toán đám mây Việt Nam theo đúng định hướng và bài bản, Việt Nam cũng là một trong số ít các doanh nghiệp đã ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây này gồm tổng cộng 153 tiêu chí. Trong đó có 84 tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật về tính năng mà nền tảng điện toán đám mây cần đáp ứng; 69 chỉ tiêu, tiêu chí về an toàn, an ninh thông tin. “Một nền tảng điện toán đám mây đạt 153 tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật này thì đó thực sự là một nền tảng cung cấp dịch vụ hiện đại và an toàn”.

Sau khi Bộ TT&TT ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật về giải pháp nền tảng điện toán đám mây, thực hiện nhiệm vụ được giao, hiện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đang triển khai đánh giá và sắp tới sẽ có một số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Khắc Lịch cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực, tích cực hơn nữa để cùng Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển các nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam.

“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ nền tảng điện toán đám mây. Việc làm chủ nền tảng điện toán đám mây tại Việt Nam là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế”, ông Lịch nhấn mạnh.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm