Ericsson giúp các nhà mạng Việt Nam chuyển đổi liền mạch từ 4G sang 5G
Thái Lan ra mắt ‘Bệnh viện Thông minh 5G’ đầu tiên tại ASEAN / 5G đang giúp Việt Nam chuyển đổi số nhanh chóng
Trả lời báo chí về mức độ sẵn sàng của hạ tầng số tại Việt Nam trong thương mại hóa 5G cho đến thời điểm này, bà Rita Mokbel - Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng số hiện đại để hỗ trợ 5G với dấu ấn quan trọng là việc đấu giá các băng tần 5G gần đây. Các băng tần 2600 MHz và 3700 MHz đã được cấp phép, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong hành trình này.
Để khai thác tối đa tiềm năng của 5G, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà mạng và các nhà cung cấp công nghệ như Ericsson là vô cùng quan trọng. Ericsson đã và đang là đối tác tin cậy của Việt Nam trong hành trình số hóa suốt nhiều năm qua. Từ năm 2019, Ericsson đã tham gia vào các dự án thử nghiệm 5G với các nhà mạng viễn thông trong nước, qua đó hiểu rõ tiềm năng và nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Với kinh nghiệm toàn cầu và vị thế dẫn đầu trong việc triển khai mạng 5G, Ericsson luôn sẵn sàng để hỗ trợ việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam. Tập đoàn được công nhận là đơn vị dẫn đầu toàn cầu về 5G, với việc triển khai 166 mạng 5G đang hoạt động trong tổng số 320 mạng 5G được triển khai trên toàn thế giới.
“Mục tiêu của chúng tôi là giúp các nhà mạng chuyển đổi liền mạch từ 4G sang 5G, tối ưu hóa hiệu suất mạng và hỗ trợ họ khai thác giá trị từ các hạ tầng mạng. Từ private 5G networks (mạng 5G riêng) đến thành phố thông minh và truy cập không dây cố định (fixed wireless access), chúng tôi tập trung hỗ trợ các nhà mạng tạo ra giá trị từ 5G, góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia”, bà Rita Mokbel chia sẻ.
Trước câu hỏi về cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là 5G, sẽ mở ra những cơ hội phát triển nào cho các doanh nghiệp và nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai, Chủ tịch Ericsson Việt Nam khẳng định, 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên.
Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đối với Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Private 5G network sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông. Nhìn chung, 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025.
Ericsson đang hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng và doanh nghiệp trong nước để phát triển các trường hợp ứng dụng phù hợp với nhu cầu đặc thù của Việt Nam. Các lĩnh vực chính bao gồm private network cho các ngành như sản xuất và logistics, cũng như hỗ trợ các sáng kiến thành phố thông minh của Chính phủ.
“Chúng tôi cũng đang xem xét triển khai hệ thống truy cập không dây cố định, để cung cấp internet tốc độ cao và đáng tin cậy ở những khu vực khó triển khai mạng cáp quang truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi cam kết thúc đẩy sáng tạo thông qua hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu như RMIT để phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai số của Việt Nam”, Chủ tịch Ericsson Việt Nam khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo