Kinh tế số

Giải pháp nào để đạt 1 triệu tên miền quốc gia vào năm 2025?

DNVN - Trung tâm Internet Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu một triệu tên miền quốc gia “.vn”. Theo tính toán của VECOM mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu tốc độ tăng trưởng trung bình tên miền cho ba năm còn lại trên 20% mỗi năm.

Ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số / Siết chặt kiểm soát, kịp thời phát hiện gian lận về hóa đơn điện tử

Tài nguyên tên miền quốc gia “.vn” ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, tỷ lệ DN có website thay đổi rất nhỏ trong những năm qua phản ảnh tỷ lệ tăng trưởng của tên miền quốc gia “.vn”.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng như Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đều có chung nhận định, DN muốn chuyển đổi số thành công cần xây dựng website nhằm hiện diện trên môi trường trực tuyến, tạo niềm tin cho khách hàng, chủ động quản lý nội dung, trực tiếp nhận phản hồi từ khách hàng, tạo hệ sinh thái kinh doanh với các đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, logistics, tiếp thị số…
Tuy nhiên, theo báo cáo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam do VECOM vừa mới công bố, trong vài năm gần đây tỷ lệ DN có website hầu như không thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ này của năm 2022 là 42%, xấp xỉ tỷ lệ của ba năm trước đó. Tỷ lệ tăng trưởng thấp của các DN có website phần nào phản ảnh tốc độ tăng trưởng thấp tương ứng của tên miền “.vn” duy trì. Tốc độ này của các năm 2019 đến 2022 tương ứng là 6,4%; 2,8%; 5,8% và 3,1%. Số lượng tên miền “.vn” của các năm này là 0,50; 0,52; 0,55 và 0,56 triệu.
Theo VECOM, tên miền quốc gia ".vn" tăng trưởng chậm.

Khảo sát gần 50.000 website thương mại điện tử của VECOM trong quý I/2023 cho thấy, tỷ lệ website sử dụng tên miền quốc gia “.vn” và quốc tế ‘.com” tương ứng là 56% và 38%. Tỷ lệ website sử dụng tên miền khác là 6%. Những tỷ lệ này ổn định từ năm 2016 tới nay và phản ảnh tên miền quốc gia “.vn” có sự hấp dẫn khá cao đối với thương nhân.
Xét theo địa phương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương thống trị về tên miền “.vn” duy trì với số lượng năm 2021 là 0,39 triệu và 2022 là 0,40 triệu, chiếm 73,8% và 72,1% tên miền cả nước. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tên miền của hai địa phương dẫn đầu này năm 2022 chỉ là 2,5%, thấp hơn tốc độ chung của cả nước là 3,1%.
Hầu hết các địa phương còn lại có tốc độ tăng trưởng tên miền “.vn” duy trì khá cao do xuất phát điểm quá nhỏ, chẳng hạn Bạc Liêu (37%), Hà Giang (37%), Bến Tre (48%), Thừa Thiên Huế (74%). Đặc biệt, tỉnh Lào Cai tăng từ 716 tên miền năm 2021 lên 1503 năm 2022, tăng 110%. Một số tỉnh đi ngược xu hướng tăng trưởng chung và chứng kiến tốc độ tăng trưởng âm như Ninh Thuận (-78%), Bắc Kạn (-12%).
VECOM cho rằng, cần phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn chính sách thu hẹp khoảng cách số nói chung và thương mại điện tử nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử của 61 địa phương ngang với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và chiếm 50% cả nước. Việc hỗ trợ các địa phương nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của website và tên miền là một giải pháp thiết thực để thu hẹp khoảng cách đó, đồng thời cũng góp phần phát triển tên miền “.vn” nói riêng và thương mại điện tử nói chung.
VNNIC đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có tối thiểu một triệu tên miền “.vn”. Theo tính toán của VECOM mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu tốc độ tăng trưởng trung bình tên miền cho ba năm còn lại trên 20% mỗi năm.
Có thể thấy tốc độ tăng trưởng tên miền quốc gia tuy chậm lại nhưng nếu so sánh một cách tương đối với tỷ lệ tăng trưởng của tên miền toàn cầu nói chung và tên miền quốc gia nói riêng của các nước thì tên miền quốc gia ".vn" vẫn có tốc độ tăng trưởng khá trong giai đoạn vừa qua.
Nếu xét tới xu hướng tăng trưởng tên miền quốc gia “.vn” và các tên miền quốc gia khác trên thế giới trong vài năm gần đây có thể thấy cần có sự nỗ lực rất lớn của VNNIC cũng như nhiều tổ chức khác để đạt được mục tiêu này.
Mục tiêu tăng trưởng tên miền “.vn” có sự tương đồng với mục tiêu tăng trưởng số lượng DN. Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đề ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, đến 31/12/2020 số DN đang hoạt động là 0,68 triệu, chiếm từ 68% mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016 –2020.
Có nhiều nguyên nhân khi số lượng DN đạt được rất thấp so với mục tiêu đề ra. Đây cũng là lý do khiến mục tiêu phấn đấu đạt 1,5 triệu DN vào năm 2025 là một thách thức rất lớn. Hơn nữa, chất lượng của các DN có thể còn quan trọng hơn số lượng doanh nghiệp.
Bài học từ việc đặt ra mục tiêu số lượng DN tới thực tiễn đạt được có ý nghĩa lớn đối với việc triển khai các giải pháp để đạt được một triệu tên miền “.vn” vào năm 2025. VNNIC sẽ triển khai một số giải pháp đột phá như mở rộng không gian tên miền “.vn”, giảm chi phí đăng ký, duy trì tên miền, ưu đãi đăng ký tên miền hướng đến các DN vừa và nhỏ mới thành lập, hộ kinh doanh và giới trẻ.
Bên cạnh các giải pháp trên, VNNIC cần phối hợp hoạt động với nhiều tổ chức khác. Đồng thời, tỷ lệ tên miền gắn với website hoạt động hiệu quả sẽ có ý nghĩa không kém phần quan trọng so với số lượng đề ra. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn không chỉ của VNNIC mà còn của nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương lẫn các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo cũng như DN, hộ kinh doanh và đông đảo công dân.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm