Vi phạm bản quyền nội dung số gia tăng, doanh nghiệp phải làm gì?
DNVN - Đối mặt với tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nội dung số gia tăng, các doanh nghiệp (DN) sáng tạo nội dung trên môi trường số cần chú trọng vấn đề bản quyền và buộc phải có chiến lược thích ứng để ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Chuyển đổi số không chỉ là chuyện ứng dụng công nghệ / Ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số
Thách thức lớn
Hoạt động sản xuất và xuất bản nội dung số tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng cũng đối mặt tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nội dung số. Các cuộc tranh chấp trong nội dung số ngày càng phức tạp.
Trong dòng chảy phát triển này, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này đối mặt với không ít vướng mắc, bất cập chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đặc biệt là việc bảo vệ bản quyền nội dung số.
Ông Nguyễn Lê Tân - Giám đốc Trung tâm nội dung số, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết, trong lĩnh vực truyền hình, trước đây các đài truyền hình phát sóng một số chương trình có thể chưa rõ ràng về mặt bản quyền trên môi trường số và đôi khi phát sóng xong cũng không có một cơ chế, công cụ nào để kiểm soát vấn đề bản quyền.
Tuy nhiên, trên môi trường số lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Các nền tảng xuyên biên giới, kể cả các thiết chế ở trong nước, rõ ràng có rất nhiều hậu quả, nhiều vấn đề đặt ra nếu chúng ta không thực sự tôn trọng bản quyền.
Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp nội dung số đối mặt với nhiều thách thức về bảo vệ bản quyền.
Khi lên môi trường số, như YouTube, công cụ của họ để kiểm soát bản quyền ngày càng chặt. Các nền tảng khác, kể cả các nền tảng trong nước cũng vậy. Câu chuyện bản quyền sẽ là thách thức lớn với các DN nội dung số.
Do đó, với câu chuyện bản quyền, không chỉ đối với các đài truyền hình mà tất cả các đơn vị sáng tạo nội dung khi bước chân vào đều phải xem xét một cách hết sức cẩn thận, có tâm lý chuẩn bị một cách kỹ càng.
"Tôi nghĩ bước đầu tiên để chuẩn bị cho câu chuyện này không phải là những gì "đao to búa lớn". DN cần tư duy, xác định bản quyền là vấn đề cần được chú trọng hàng đầu và luôn phải tuân thủ", ông Tân khuyến nghị.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Minh Dũng - Phó phòng Nội dung số - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) cho rằng, điều đầu tiên các DN nội dung số cần lưu tâm là sự hiểu biết, học để hiểu bản quyền là gì, thành tố để tạo ra một sản phẩm nội dung là gì, và những yếu tố bản quyền liên quan tới nó là gì?
"Trước đây, chúng tôi sử dụng nhạc hay hình ảnh chỉ quan tâm đến ti vi. Giờ tất cả mọi người đều phải hiểu chất liệu này thuộc bản quyền của ai, trước đấy thuộc bản quyền của ai và sau khi ra thành sản phẩm, chúng tôi phải xem xét những vấn đề gì liên quan, những nền tảng nào liên quan. Tóm lại, tất cả đều phải học để hiểu, hiểu rồi mới áp dụng, thực hiện những vấn đề liên quan đến bản quyền", ông Dũng chia sẻ.
Chiến lược thích nghi
Trong khi đó, theo ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, trên môi trường số, người vi phạm bản quyền đã dùng công nghệ để xâm phạm bản quyền. Theo đó, người chủ sở hữu bản quyền nội dung trên môi trường số phải gắn với yếu tố công nghệ thì mới đủ biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền.
Một trong những khó khăn, thách thức lớn là DN không đủ tiềm lực để theo đuổi vụ kiện khi tranh chấp bản quyền xảy ra. Khi đối mặt với những đối thủ rất hiểu biết về pháp luật quốc tế, có tiềm lực về kinh tế, nếu như các nhà sáng tạo nội dung chỉ là những đơn vị nhỏ lẻ thì rất khó theo đuổi vụ kiện. Khi không theo đuổi được vụ kiện hoặc thua kiện thì mức tín nhiệm của DN giảm đi. Vì vậy, trong sân chơi toàn cầu này, DN rất cần sự hỗ trợ, đồng hành từ Bộ Thông tin & Truyền thông.
Ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đánh giá, dù sáng tạo nội dung số là mảnh đất mới nhiều tiềm năng nhưng các DN trong lĩnh vực này không phải là người làm chủ cuộc chơi. Người làm chủ cuộc chơi là những nền tảng xuyên biên giới. Do đó, DN sáng tạo nội dung số hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách bản quyền, chính sách về phân chia doanh thu.
"Có thể nói, những DN nội dung số, đặc biệt là những DN nhỏ hoàn toàn bị động trong cuộc chơi này, thế cạnh tranh không cân bằng. Do đó, mỗi DN nên có chiến lược để thích nghi. Phải vừa hợp tác, vừa cạnh tranh", ông Kiêm Văn nói.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT truyền thông, đối với công nghệ số hiện nay, những nền tảng như YouTube, TikTok, Facebook sẽ có cách xử lý vấn đề bản quyền nhanh hơn. Đây là cơ hội cho DN. Nếu có lỡ vi phạm thì sẽ xử lý được ngay hoặc DN khiếu nại về bản quyền bị vi phạm thì cũng sẽ được xử lý nhanh hơn. Do đó, DN trong lĩnh vực này cần vững tin để giải quyết tranh chấp.
Với các DN startup chưa có tiềm lực và kinh nghiệm, cần tham gia chuỗi giá trị, chẳng hạn các khu công nghệ thông tin tập trung. Đây là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành công nghệ thông tin và trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ có bộ phận pháp lý hỗ trợ DN.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo