Kinh tế số

Giao dịch giá trị lớn lĩnh vực công: Cần bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt

DNVN - Chia sẻ giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Liên, Trường Đại học Thương mại cho rằng: Cần bổ sung quy định các giao dịch có giá trị lớn bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong lĩnh vực công, hành chính công.

Thanh toán không dùng tiền mặt sắp... bùng nổ? / Thanh toán không dùng tiền mặt phải bảo đảm “an toàn, minh bạch, tiện lợi”

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Liên, phát triển TTKDTM là xu hướng tất yếu tại các quốc gia, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ, trong khi, thực trạng TTKDTM tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.

Để thực hiện được mục tiêu này cần áp dụng đồng bộ các giải pháp cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Trong đó, hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản hướng dẫn quy định chi tiết về TTKDTM, có cơ chế khuyến khích TTKDTM đối với thu thuế, phí và các dịch vụ công qua ngân hàng.

Riêng đối với lĩnh vực công, hành chính công, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy mạnh TTKDTM đóng một vai trò quan trọng giúp chống tham nhũng, rửa tiền.

Giao dịch giá trị lớn trong khu vực công cần có quy chế bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt.

Chuyên gia Trường Đại học Thương mại khuyến nghị, trong lĩnh vực vực công, hành chính công, các cơ quan chức năng cần sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết về phương thức định danh số (ID digital), thủ tục nhận biết người dùng bằng phương thức điện tử (e-KYC), quản lý hoạt động ngân hàng điện tử an toàn, hiệu quả và phòng chống rủi ro khi thực hiện TTKDTM.

Cần phân định rõ quyền hạn trách nhiệm của các chủ thể tham gia thanh toán, trên cơ sở đó, kiểm soát rủi ro pháp lý một cách thích hợp, phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế được các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế khuyến nghị, hoặc được áp dụng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Có những biện pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện và xử lý gian lận; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử.

Đồng thời, ban hành cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống giao tiếp ứng dụng lập trình mở (Open IPI) liên thông, hoàn thiện hệ thống kết nối hạ tầng thanh toán điện tử của các ngân hàng thương mại (NHTM) với hạ tầng của cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và thanh toán quốc gia đồng bộ, thống nhất giữa các tổ chức tài chính và trung gian thanh toán.

“Cần bổ sung quy định các giao dịch có giá trị lớn (chẳng hạn 100 triệu đồng trở lên) bắt buộc phải TTKDTM. Các cơ sở kinh doanh bán lẻ quy mô lớn phải đảm bảo tỉ lệ % doanh thu tối thiểu thanh toán bằng chuyển khoản theo quy định. Tỉ lệ này có thể quy định khác nhau theo quy mô doanh nghiệp, theo địa bàn kinh doanh và tăng dần theo một lộ trình nhất định”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Liên nhấn mạnh.

Bà Liên cũng cho rằng, cần thúc đẩy giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn và có cơ chế khuyến khích TTKDTM đối với thu thuế, phí và các dịch vụ công qua ngân hàng. Khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp... thanh toán các hóa đơn định kì (điện, nước, viễn thông, học phí...) bằng các hình thức TTKDTM, đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.

Đối với các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cần tiếp tục đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng theo hướng phát triển ngân hàng số.

Hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch của ngân hàng theo hướng số hóa, tự động hóa, an toàn và thuận tiện. Thường xuyên cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán.

Các ngân hàng cần đẩy mạnh xây dựng chính sách bảo mật nội bộ, cơ chế thiết lập mật khẩu, xây dựng quy trình khắc phục sự cố sau thảm họa; chú trọng đầu tư các công cụ, chương trình phần mềm hỗ trợ đảm bảo an toàn hệ thống thông tin để hạn chế tối đa các trường hợp xâm nhập hệ thống, thất thoát dữ liệu, mã độc tấn công.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm