Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam mới chỉ chiếm 21%
Những điều cần biết về loại hình thanh toán Mobile Money / Thí điểm cung cấp Mobile Money: Mở đường để áp dụng cơ chế Sandbox cho các dịch vụ mới
Mobile Money là sự kết hợp của tiền điện tử (như thẻ trả trước, ví điện tử) và sử dụng nền tảng kỹ thuật di động để thực hiện các giao dịch tài chính, sử dụng cơ sở dữ liệu thuê bao di động để định danh khách hàng.
Người sử dụng dịch vụ Mobile Money có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước…), chuyển/nhận tiền (nhận/trả tiền tài chính vi mô, nhận tiền kiều hối hoặc tiền của những người đi làm xa gửi tiền về quê), quản lý và lưu trữ tiền (người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu hay để tiền trong người).
Đây là dịch vụ dành cho những người nghèo không có tài khoản ngân hàng để giúp họ có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Về cơ bản, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản Mobile Money gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hoá hợp pháp.
Theo đó, dịch vụ Mobile Money được cung cấp nhằm mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Đánh giá tiềm năng phát triển của dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam, TS Đặng Thị Minh Nguyệt cho rằng, qua quá trình khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại 6 nước ASEAN (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Việt Nam) do IDG ASEAN thực hiện cho thấy, tỷ lệ thanh toán qua thẻ (thẻ tín dụng / thẻ ghi nợ) chiếm 38%. tổng số giao dịch, qua Mobile banking chiếm 30% và qua ví điện tử (E-wallet) chiếm 28,4%.
Tính trung bình, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ở 6 nước ASEAN là 36% và 64% là tiền mặt. Việt Nam có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt là 79% và thanh toán không dùng tiền mặt là 21%, đứng thứ 5/6 trong khu vực.
Trích dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS Đặng Thị Minh Nguyệt cho rằng, đến nay, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế.
Tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt / tổng phương tiện thanh toán thấp, chỉ chiếm 11,49%. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu; trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng (khoảng 4 Đô la Mỹ).
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số người có tài khoản ngân hàng vãng lai là 45,8 triệu/92,6 triệu người, tương đương một nửa dân số.
Chuyên gia Trường Đại học Thương mại đưa ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến Việt Nam chưa thể đạt được mục tiêu hướng tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Đó là, hệ thống tài chính, hạ tầng kỹ thuật chủ yếu tập trung ở các trung tâm, thành phố lớn và chưa đến được vùng khó khăn, lạc hậu.
Chỉ có 50% dân số có tài khoản ngân hàng trong dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang có tại Việt Nam như ngân hàng điện tử hay ví điện tử đều yêu cầu bắt buộc người sử dụng phải có tài khoản ngân hàng.
Từ những ưu điểm của Mobile Money, TS Đặng Thị Minh Nguyệt khẳng định Mobile Money hoàn toàn có thể giải quyết được những bất cập trên. Mobile Money tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có của các nhà mạng viễn thông nên có phạm vi tiếp cận rộng hơn nhiều lần máy ATM hay các chi nhánh ngân hàng. Đồng thời, Mobile Money không yêu cầu người dùng mở tài khoản ngân hàng mà có thể dùng luôn số thuê bao di động của mình.
Ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Về cơ bản chỉ có 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone được thực hiện thí điểm Mobile Money trong vòng 2 năm. Các trung gian thanh toán, các ví điện tử hay các nhà mạng khác sẽ phải chờ đến khi đánh giá được kết quả của việc thí điểm này.
“Việc phát triển dịch vụ Mobile Money như một xu thế tất yếu của nền kinh tế phát triển. Trong 2 năm thí điểm, các doanh nghiệp được lựa chọn cung cấp cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đem đến cho người dân dịch vụ tốt nhất, hướng tới phát triển dịch vụ tài chính toàn diện, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam”, TS Đặng Thị Minh Nguyệt khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo