Giật mình với lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử
Kinh doanh nội dung trên mạng xã hội ngày càng 'lên ngôi' / Người Việt chi hàng chục tỷ đồng mua áo dài trên mạng đón Tết
Gia tăng rác thải nhựa từ thương mại điện tử
Tại hội thảo “Rác thải nhựa từ Thương mại điện tử: Thực trạng và Giải pháp” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội, các diễn giả có chung nhân định, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và dân số, lượng chất thải nhựa có xu thế gia tăng.
Dẫn “Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022” của Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng - Đại diện Nhóm tư vấn Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết, khối lượng chất thải nhựa sinh hoạt năm 2021 ước tính là 2,93 triệu tấn/năm, tăng đáng kể so với năm 2016 là khoảng 2 triệu tấn, và năm 2018 là khoảng 2,7 triệu tấn... Túi nilon chiếm tỷ trọng từ 45 - 63%, tiếp đến là các loại nhựa dùng một lần dao động từ 12 - 26% trong chất thải nhựa ở các địa phương.
Theo nghiên cứu này, quy mô thị trường bán lẻ hàng hoá trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD với tổng số gói, kiện hàng hoá là 1,84 tỷ USD. Đồng thời, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD.
Ước tính năm 2023, TMĐT ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 ngàn tấn. Như vậy, quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao. Nguyên nhân chính là việc đóng gói bằng hộp carton vừa tăng chi phí bao bì, vừa tăng chi phí vận chuyện. Trong khi đó, các loại vật liệu nhựa sử dụng trong đóng gói rất rẻ và nhẹ nên tiết kiệm chi phí chuyển phát.
Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô TMĐT Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới 800 ngàn tấn.
Thách thức trong xử lý rác thải nhựa
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử (TMĐT), bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua gây thêm những khó khăn trong việc quản lý chất thải bao bì, vật liệu nhựa, gây tác động tiêu cực tới môi trường. TMĐT sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa song tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng nhìn chung còn rất thấp.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT (Bộ Công Thương) cho biết, bao bì phổ biến cho các gói, kiện hàng hoá trong bán lẻ trực tuyến là hộp carton, túi giấy hoặc túi nilon.
Việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Người bán hàng thường muốn bảo đảm rằng hàng hoá đến tay khách hàng trong tình trạng hoàn hảo nhất. Hàng hoá thường được bọc bằng hai hoặc ba lớp giấy và bao nilon, thậm chí được chèn thêm màng xốp hơi trước khi đặt vào hộp.
Thói quen mua từng sản phẩm riêng lẻ cũng gây ra lãng phí bao bì và các vật liệu đóng gói. Mỗi sản phẩm đều được vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các dịch vụ TMĐT, và các nhà sản xuất phải tạo ra các hộp đựng riêng biệt cho từng sản phẩm này, thường là nhỏ hơn với kích thước hộp đựng nhiều sản phẩm chung cho một đơn hàng.
Tại Việt Nam, quan sát trực quan cho thấy bán lẻ trực tuyến sử dụng nhiều bao bì, đặc biệt là các vật liệu, dụng cụ nhựa. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào ở Việt Nam đưa ra đánh giá định lượng quy mô bao bì, bao gồm vật liệu, dụng cụ nhựa phát sinh từ kinh doanh trực tuyến.
Theo ông Vũ Chí Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT), thách thức lớn nhất của xử lý rác thải nhựa là sự tiện lợi và rẻ của nhựa mang lại. Thiếu nhận thức về các chương tình tái chế, ưu tiên giá rẻ hơn là bền vững.
Ngoài ra, các loại nhựa khác nhau, tính hiệu quả kinh tế của việc tái chế một số loại nhựa vẫn còn là một thách thức. Theo đó, dẫn đến một tỷ lệ đáng kể rác thải nhựa bị đốt cháy hoặc chôn lấp.
Có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải
Từ thực trạng sử dụng bao bì, vật liệu nhựa trong TMĐT, các chuyên gia và cán bộ quản lý các lĩnh vực liên quan đã thảo luận về các giải pháp cần triển khai nhằm triển khai kinh tế tuần hoàn trong TMĐT, giảm mức độ sử dụng, tăng tỷ lệ thu gom, tái sử dụng, tái chế bao bì, vật liệu nhựa.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) Vũ Chí Kiên, cần sử dụng bao bì thân thiện môi trường như bao bì phân huỷ sinh học, bao bì nhựa tái chế, lựa chọn giao hàng thu hồi bao bì nếu khả thi.
Cùng với đó, cần đầu tư vào vật liệu thay thế như nấm, phim dưa trên rong biển và thậm chí là giấy tái chế có tính năng bảo vệ đang được khám phá như các lựa chọn thay thế khả thi.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, để phát triển TMĐT bền vững cần 6 nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào giảm rác thải nhựa: khối cơ quan quản lý Nhà nước; người tiêu dùng; doanh nghiệp TMĐT, logistics, hoàn tất đơn hàng; cơ quan truyền thông, báo chí; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng các đơn vị liên quan khác.
Về chính sách, theo ông Tuấn, cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong TMĐT.
Xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp TMĐT xanh, mô hình TMĐT bền vững. Xây dựng và khuyến khích áp dụng bộ tiêu chuẩn đóng gói hàng hoá cho TMĐT theo hướng ưu tiên sử dụng vật liệu có thể tái chế, giảm rác thải nhựa.
Khuyến khích doanh nghiệp TMĐT, người bán hàng trong TMĐT áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường; ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc các sản phẩm đóng gói có thể phân huỷ sinh học, giảm thiểu lượng rác thải.
Cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp vận chuyển sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường, khuyến khích các sáng kiến bảo vệ môi trường trong TMĐT, cần tổ chức trao giải cho các DN có sáng kiến tiêu biểu hàng năm...
End of content
Không có tin nào tiếp theo