Doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt cơ hội qua xuất khẩu trực tuyến?
Kỳ vọng nhiều doanh nghiệp Việt thâm nhập thành công thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á / Thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững
Xuất khẩu trực tuyến (online) đang trở thành hướng đi của nhiều doanh nghiệp để đưa hàng hoá, sản phẩm của mình đi xa hơn, tới được nhiều thị trường. Việc nhập cuộc nhanh hơn không chỉ giúp gia tăng doanh số bán hàng và mở rộng quy mô sản xuất mà còn có thể nhập khẩu các nguyên liệu và sản phẩm chất lượng từ các thị trường quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường.
Amazon dự kiến quy mô của thị trường bán lẻ online trong năm 2024 là hơn 31,3 tỷ USD, chiếm khoảng gần 13% bán lẻ toàn cầu. Trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng lên tới hơn 40,5 tỷ USD, tương đương với mức 15% tiêu dùng toàn cầu.
Theo đánh giá của Amazon Global Selling, hàng Việt có cơ hội tăng xuất khẩu online khi thực tế tiêu dùng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển sang online. Báo cáo e-Conomy SEA của Google cũng nhận định, Việt Nam là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Dự báo, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt 650 ngàn tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Nghiên cứu từ Access Partnership chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đã cao hơn gấp 2,3 lần tốc độ tăng của thương mại điện tử nói chung và có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Các chuyên gia thương mại điện tử cũng đánh giá, với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở "giai đoạn vàng" để xuất khẩu online bật tăng.
Để tận dụng lợi thế của thương mại số, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử uy tín với hàng trăm triệu nhà mua hàng trên phạm vi toàn cầu như Amazon, Alibaba... nhằm thúc đẩy xuất khẩu online.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đang cùng Amazon Global Selling Việt Nam triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” nhằm nhanh chóng chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thu hẹp khoảng cách về năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 5 năm (2022-2026).
Hai bên sẽ phối hợp đào tạo cho khoảng 10.000 doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi hoạt động trong ngành kinh tế số. Từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Amazon cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn lực toàn cầu của sàn để kinh doanh thành công. Thay vì doanh nghiệp phải trực tiếp mở cửa hàng tại các nước sở tại, Amazon mang đến giải pháp bán hàng toàn cầu trên sàn thương mại điện tử.
Các chuyên gia nhận định, việc chuyển sang bán hàng trên các kênh online sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam điều hướng và nhanh nhạy thích ứng. Đồng thời, nắm bắt các cơ hội kinh doanh chưa được khai thác và phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, để bắt nhịp dòng chảy thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp cần hiểu hành vi tiêu dùng của người mua hàng thông qua thương hiệu lựa chọn, mức độ tin cậy, sự tiện lợi và dịch vụ phù hợp. Cùng với đó, phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến.
Đo lường của Alibaba.com cho thấy, hơn 80% người dùng muốn mua sản phẩm mới, 62% muốn tìm nhà cung ứng mới để tránh rủi ro phụ thuộc vào số ít nhà cung ứng. Phía doanh nghiệp cũng muốn giao dịch tiện lợi, muốn tìm cơ hội mới.
Doanh nghiệp không chỉ quan tâm tới những con số người mua mà quan tâm tới mối quan hệ lâu dài, ổn định để vận hành, kinh doanh với người mua có đơn hàng giá trị cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo