Kinh tế số

Huawei chặng đường thăng hoa và những biến cố trong thương chiến Mỹ - Trung

DNVN - Bất chấp những khó khăn do thương chiến, Huawei cam kết tiếp tục đồng hành cùng các khách hàng, đối tác, người tiêu dùng ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Giải pháp 5G MEC của Huawei giành Giải thưởng Điện toán biên tốt nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới 5G / Nokia, Huawei dẫn đầu thị phần thiết bị viễn thông

Chặng đường phát triển thăng hoa và những biến cố

Huawei đã nỗ lực không ngừng, vượt lên khó khăn trong suốt hơn 30 năm thành lập. Năm 1987, CEO Nhậm Chính Phi xây dựng nên Huawei từ hai bàn tay trắng với số vốn vỏn vẹn 3.300 USD. Thời gian đầu, Huawei tập trung sản xuất các thiết bị chuyển mạch điện thoại, từ đó mở rộng kinh doanh bao gồm xây dựng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ và thiết bị tư vấn và vận hành cho các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc và sản xuất thiết bị truyền thông cho thị trường tiêu dùng. Cuối năm 2018, Huawei có khoảng 188.000 nhân viên với khoảng 80.000 người tham gia vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện tại, Huawei có 21 trung tâm R&D trên toàn thế giới.

iii

Huawei đã nỗ lực không ngừng, vượt lên khó khăn trong suốt hơn 30 năm thành lập. (Ảnh: Internet)

Các sản phẩm của Huawei đang có mặt tại hơn 170 quốc gia. Hơn 1.500 đối tác cũng giúp công ty cung ứng sản phẩm và dịch vụ tới 1/3 dân số thế giới. Năm 2012, tập đoàn đã vượt qua Ericsson để trở thành công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và tới năm 2018 chính thức vượt qua Apple trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc là Samsung Electronics Huawei được coi là nhà cung cấp công nghệ 5G số 1 thế giới.

Thế giới đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn và thách thức, khi Covid-19 vẫn hoành hành trên toàn cầu. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Huawei và các đối tác đã nhanh chóng tung ra nhiều ứng dụng y tế với sự hỗ trợ của 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Huawei sử dụng chuyên môn của mình giúp chống lại đại dịch và cứu nhiều người dân hơn. Giải pháp chẩn đoán Covid-19 với sự hỗ trợ của AI giúp giảm thời gian xem xét, đánh giá các tấm phim chụp cắt lớp (CT scan) từ 12 phút xuống còn 2 phút, giúp các bác sĩ cải thiện khâu chẩn đoán. Giải pháp tư vấn video từ xa với sự hỗ trợ của 5G giúp giảm thiểu sự thiếu hụt các chuyên gia y tế tuyến đầu và tăng hiệu quả chẩn đoán, điều trị cho những bệnh nhân nguy kịch. Các thiết bị chụp ảnh nhiệt với sự hỗ trợ của AI có thể bắt được nhiệt độ, tăng hiệu quả phòng chống dịch và kiểm soát những ca bệnh ở nơi công cộng.

Dù có nhiều thành công về thương mại, tuy nhiên Huawei thường xuyên bị chỉ trích về những vấn đề an ninh mạng, đặc biệt từ chính quyền Mỹ khi cho rằng công ty này là backdoor cho hệ thống gián điệp từ Chính phủ Trung Quốc. Đặc biệt, Washington đã có những động thái cấm các hoạt động của Huawei cùng nhà mạng ZTE và các đối tác khác tại lãnh thổ nước này. Cuối năm 2018, Huawei bị cấm mọi hoạt động thương mại trên lãnh thổ Hoa Kỳ và tới ngày 19/5/2019, Google, nhà cung cấp hệ điều hành Android cho các sản phẩm Huawei cũng tuyên bố ngừng cung cấp cập nhật và phần mềm cho hãng. Một số lượng lớn các nhà cung cấp và hiệp hội đã cắt đứt quan hệ hoặc hạn chế kinh doanh với Huawei.

Ước tính, thị phần của Huawei trên thị trường smartphone toàn cầu có thể giảm về mức chỉ 4% trong năm 2021 - một cú sụt "kinh hoàng" đối với nhà sản xuất đã đạt tới "ngôi vương" trong lĩnh vực này. Chiến dịch trừng phạt của Mỹ nhằm vào Huawei đã khiến "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc mất khả năng tiếp cận với các phần mềm, thiết kế con chip và đối tác sản xuất chủ chốt. Không còn được trang bị những ứng dụng quan trọng có nguồn gốc từ Mỹ như Google, Maps, hay gian ứng dụng Play… điện thoại Huawei trở nên mất đi sức hấp dẫn với người tiêu dùng tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Thiếu nguồn cung linh kiện, sản lượng smartphone của Huawei cũng có thể phải cắt giảm.

 

Mới đây, Huawei đã bán lại thương hiệu điện thoại giá rẻ Honor cho một liên minh nhà đầu tư ở Thẩm Quyến. TrendForce dự báo Honor sẽ chiếm thị phần 2% trên thị trường smartphone toàn cầu trong năm tới. Những thương hiệu điện thoại Trung Quốc khác như Xiaomi và Oppo sẽ nhảy vào lấp chỗ trống mà Huawei để lại. Ngoài ra, những "ông lớn" như Apple và Samsung cũng hưởng lợi.

Khủng hoảng tại Việt Nam

Từ vị trí top 5 thị trường smartphone, Huawei rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay của hãng tại Việt Nam.

Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GfK cho thấy vào tháng 1/2020, thị phần smartphone của Huawei xuống rất thấp, chiếm chưa tới 1% tổng lượng smartphone bán ra tại Việt Nam. Trong khi chỉ một năm trước đó, tháng 1/2019, hãng có tới 5,6% thị phần, đứng thứ 4 trong các hãng smartphone bán tốt nhất. Kể từ tháng 10/2019 đến nay, thị phần Huawei bắt đầu giảm xuống dưới 1% và duy trì từ đó đến nay.

Huawei cho đến giữa năm ngoái vẫn là một hãng smartphone tiềm năng chiếm ngôi vị số 3 của Apple tại Việt Nam, xếp trên Xiaomi, Vivo, Realme. Tuy nhiên, hãng đã bị các “đàn em” đồng hương vượt mặt. Nguyên nhân chính khiến Huawei giảm thị phần bắt nguồn từ việc Google tuyên bố không cấp quyền sử dụng các nền tảng của hãng cho Huawei vào tháng 5/2019. Tiếp đó, một số hãng công nghệ Mỹ và các nước đồng minh tuyên bố quay lưng với Huawei.

 

Tại Việt Nam, Huawei có giai đoạn khởi sắc từ cuối 2018, đầu 2019 - thị phần tiến gần sát tới Apple

Tại Việt Nam, Huawei có giai đoạn khởi sắc từ cuối 2018, đầu 2019 - thị phần tiến gần sát tới Apple. (Ảnh: Internet)

Tại Việt Nam, Huawei có giai đoạn khởi sắc từ cuối 2018, đầu 2019 - thị phần tiến gần sát tới Apple. Với sản phẩm chất lượng và nhanh nhạy đưa ra các công nghệ mới, Huawei được dự báo sẽ có những bước tiến tốt hơn sau đó. Thậm chí, vào cuối năm 2018 khi nhậm chức CEO mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei tại Việt Nam, ông Henry Liu đã đặt mục tiêu đứng thứ hai thị trường smartphone Việt Nam vào năm 2020. Tuyên bố được xem là quá tham vọng song một loạt hành động sau đó về sản phẩm và tiếp thị chứng tỏ hãng này có khả năng leo lên top các hãng mạnh tại thị trường.

Thế nhưng, cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia khiến Huawei bị ảnh hưởng và sẽ rất khó lấy lại thị phần.

 

Huawei vẫn có 8 smartphone đang bán tại thị trường Việt Nam, trải đều nhiều phân khúc từ trên 3 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, các smartphone ra mắt từ cuối năm 2019, bao gồm cả chiếc P30 Pro cao cấp nhất của hãng, không được dùng các nền tảng Google như Play Store, Gmail, Google Maps và các dịch vụ liên quan khác, do đó yếu thế hơn hẳn so với đối thủ dùng hệ điều hành Android.

Muốn ghi tên trên thị trường quốc tế, có lẽ Huawei cần thời gian xây dựng hệ điều hành và chợ ứng dụng riêng của họ, hoặc chờ lệnh cấm của Mỹ dỡ bỏ để có thể quay lại với nền tảng Android.

Huawei coi Việt Nam là thị trường quan trọng

Công ty Huawei đã có hơn 22 năm đóng góp tích cực vào sự phát triển bùng nổ của ngành viễn thông Việt Nam, góp phần tạo ra thị trường viễn thông cạnh tranh và cởi mở, giúp các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tiếp cận gần hơn và chi phí phải chăng hơn với mọi người dân. Việt Nam được xem là một thị trường quan trọng và Huawei cam kết trở thành một nhà đầu tư tin cậy, lâu dài, đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp Việt.

Huawei đã tạo ra hơn 15.000 cơ hội việc làm thông qua triển khai các dự án, chuyển giao tri thức sáng tạo và phát triển đội ngũ nhân tài địa phương; tuân thủ nghiêm túc hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam và đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Năm 2017 và 2020, Huawei Việt Nam vinh dự được nhận bằng khen của UBND TP. Hà Nội vì thành tích trong phong trào thi đua nộp ngân sách nhà nước và tuân thủ chính sách pháp luật về thuế.

 

Năm 2019, Huawei được Hội Truyền thông số Việt Nam và Bộ TT&TT trao tặng giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số bởi những cống hiến cho việc xây dựng cây cầu kỹ thuật số tại Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2016 đến 2019, Công ty Huawei Việt Nam đã đồng hành cùng Bộ TT&TT, Hội Truyền thông số Việt Nam tài trợ, trao tặng 310 bộ máy tính, máy tính bảng cho 15 địa chỉ ở những trường học và các địa phương vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn.

Huawei tin rằng, những tiếp thu về giáo dục là yếu tố then chốt để tạo ra cơ hội, giáo dục có thể thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia. Do đó, các hoạt động trách nhiệm xã hội công dân (CSR) toàn cầu của Huawei đều lấy giáo dục là trọng tâm. Huawei hợp tác cùng với các trường đại học hàng đầu của Việt Nam triển khai Chương trình Học viện Đào tạo ICT Huawei, cung cấp kiến thức công nghệ mới nhất để giúp các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể bắt nhịp ngay với hoạt động thực tiễn.

Bên cạnh đó, Hạt giống Viễn thông tương lai (Telecom Seeds for the Future) cũng là chương trình CSR hàng đầu của Huawei trên toàn cầu, được triển khai từ năm 2008. Tại Việt Nam, Huawei đã tổ chức từ năm 2015, năm 2020 đang được tổ chức mùa thứ năm. Huawei tuyển chọn các sinh viên đại học ưu tú chuyên ngành ICT tham gia một khóa học tập trong vòng 2 tuần tại Bắc Kinh và trụ sở chính của Huawei tại Thâm Quyến.

Ông Sun Bohan cho biết, hệ sinh thái đối tác của Huawei tại Việt Nam đang mở rộng rất nhanh chóng. (Ảnh: Internet)

Ông Sun Bohan cho biết, hệ sinh thái đối tác của Huawei tại Việt Nam đang mở rộng rất nhanh chóng. (Ảnh: Viettimes)

 

Tại Hội nghị Hệ sinh thái các đối tác của Huawei Việt Nam năm 2021 vừa diễn ra tại TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam Sun Bohan khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các bên để hỗ trợ ngành ICT Việt Nam.

Ông Sun Bohan cho biết, hệ sinh thái đối tác của Huawei tại Việt Nam đang mở rộng rất nhanh chóng với hơn 90 đối tác đã đăng ký, 7 đối tác dịch vụ được Huawei chứng nhận. Trong năm 2020, để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, 150 kỹ sư thuộc các công ty đối tác đã vượt qua các kỳ thi và đạt chứng chỉ của Huawei.

Sang năm 2021, cam kết của Huawei Việt Nam với khách hàng và đối tác không thay đổi. Huawei tiếp tục tăng cường hợp tác hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi số quốc gia thành công.

 

Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam chia sẻ: “Trong bối cảnh chuyển đổi số đang tăng tốc, thị trường có nhu cầu cao về các giải pháp kỹ thuật số sáng tạo và đòi hỏi các nhà cung cấp tốt. Huawei có một năm 2020 rất khó khăn với tác động lớn từ áp lực bên ngoài. Ngay cả khi bị tác động lớn đến như vậy, chúng tôi đã đạt được mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận”.

Theo ông Sun Bohan, trong xã hội thông tin sôi động này, Huawei sẽ tiếp tục làm việc với các công ty trên thế giới và Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ, cùng chia sẻ lợi ích. Ông khẳng định, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, điểm sáng nổi bật và đáng tự hào khi trở thành một trong số ít quốc gia đã đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống Covid-19 hiệu quả, vừa đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế.

Trước đó, trao đổi với truyền thông, người đứng đầu Huawei Việt Nam cho hay, Huawei Việt Nam sẽ cung cấp giải pháp tiên tiến, dịch vụ tốt nhất để hỗ trợ khách hàng, đối tác, chính phủ và các ngành nghề chuyển đổi số; cung cấp giải pháp từ đầu đến cuối cho nhà mạng, như IP, 5G, IT…. Đồng thời, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số như giao thông, tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, giúp Việt Nam giải quyết vấn đề thiếu hụt tài nguyên.

Bản địa hóa của Huawei được thể hiện từ việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác, xây dựng mạng lưới đại lý bản địa cùng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, lâu dài với hơn 60 công ty đối tác như HTE, CT-IN, COMAS, ITC, KASATI, Comatel, CEMC, VNTower, DHL, TNT, CDC…, tăng cường đầu tư mua sắm tại Việt Nam, đến việc xây dựng đội ngũ nhân viên bản địa giàu năng lực. Tỷ lệ bản địa hóa nhân sự của Huawei Việt Nam đạt 85%. Huawei đã thực sự là một công ty toàn cầu hòa nhập vào xã hội Việt Nam, tham gia đóng góp xây dựng và phát triển Việt Nam.

Đánh giá về chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Bohan cho rằng quá trình này đang lan tỏa nhanh chóng và hiệu quả vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, tài chính… Trong Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo GII năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.

 

“Tôi tin là Việt Nam sẽ hoàn thành, thậm chí là hoàn thành sớm các mục tiêu trong Đề án chuyển đổi số quốc gia. Bởi tôi đã nhìn thấy khát vọng, quyết tâm từ chủ trương đến hành động của Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, sự đoàn kết, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết, gần 60.000 doanh nghiệp số Việt Nam có năng lực và sẵn sàng tham gia các chương trình chuyển đổi số. Đó là yếu tố rất quan trọng đảm bảo sự thành công”, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam nhấn mạnh.

Xu thế chuyển đổi số nhanh chóng và mạnh mẽ tại Việt Nam sẽ tạo ra một thị trường ứng dụng và phát triển công nghệ ICT rất lớn và phong phú. Huawei có nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến có thể đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số của Việt Nam. Còn cơ hội của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam là đứng trên vai “những người khổng lồ công nghệ” để nhanh chóng nắm bắt, tiếp thu và phát triển các công nghệ mới.

Khi được hỏi khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam đối với xây dựng chiến lược, kế hoạch của quốc gia số, ông Bohan cho biết, nhiều nước đang đưa chuyển đổi số thành chiến lược quốc gia. Vì thế, Việt Nam rất nên coi trọng việc chuyển đổi số. Theo thống kê, cứ mỗi 1 USD đầu tư thêm cho kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng thêm 20 USD vào GDP của quốc gia. Với Chính phủ Việt Nam, khi xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch quốc gia số trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế thì điều quan trọng là cần xác định mục tiêu trọng điểm nhất để tập trung đầu tư, từ đó tạo sự lan tỏa cho các lĩnh vực khác. Đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho chuyển đổi số cần được chú trọng, cần lưu tâm đến việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn. Chính phủ cũng cần xây dựng môi trường kinh doanh công khai, công bằng để ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đóng góp nhiều hơn cho thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu, đầu bài trong chuyển đổi số, từ đó lựa chọn cho mình những nền tảng, giải pháp phù hợp nhất. Chuyển đổi số cần được gắn chặt với việc tối ưu hóa quy trình quản lý, quy trình nội bộ để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc; tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành…

Huawei là một trong những tập đoàn tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Hãng viễn thông lớn nhất thế giới đang triển khai công nghệ 5G tại nhiều quốc gia, giải quyết các bài toán khó về mạng dữ liệu, mở ra những "đường cao tốc về dữ liệu" để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số. Bên cạnh 5G, Huawei cung cấp những giải pháp khác, tập trung vào 5 lĩnh vực công nghệ là kết nối, đám mây, AI, điện toán và các ứng dụng chuyên ngành.

Trong buổi báo cáo tài chính ngày 31/3, Huawei cho biết lợi nhuận 2020 của hãng đạt 64,6 tỷ nhân dân tệ (9,9 tỷ USD), tăng 3,2% so với năm trước đó. Doanh thu của hãng đạt 891,4 tỷ nhân dân tệ (136,7 tỷ USD), tăng 3,8%. "Trong năm qua, chúng tôi đã vững vàng đối mặt với nghịch cảnh", Ken Hu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, nhấn mạnh.

 

Nhóm Kinh doanh Doanh nghiệp của Huawei được thành lập vào năm 2011, với doanh thu năm 2020 đạt 100,3 tỉ CNY (15,4 tỉ USD), tăng trưởng 23% so với năm 2019. Hiện tại, hơn 700 thành phố trên thế giới và 253 công ty trong danh sách Fortune Global 500 đang hợp tác cùng Huawei để triển khai quá trình chuyển đổi số.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm