Kinh tế số

Năm 2020, kinh tế số Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng trưởng 16%

DNVN - Nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm 2019 và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 41%.

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới, nhưng yêu cầu tuân thủ pháp luật / Top thương hiệu Việt được mua sắm trực tuyến nhiều nhất ở Trung Quốc


Theo thông tin tại Hội thảo "Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) chuyển đổi số thành công trên nền tảng thương mại điện tử", được tổ chức trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST VIETNAM 2020), Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố thì nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm 2019 và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 41%.

Đặc biệt, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019. Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam (B2C) tăng trưởng trung bình hàng năm 20-30%/năm, doanh thu thương mại điện tử B2C của Việt Nam 2019 đạt 10,08 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến đặt 225USD/người/năm (cao nhất trong khu vực).

Theo ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây. Và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của chúng ta.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho rằng: Đại dịch Covid-19 là một cơ hội tốt để thay đổi tư duy của người sản xuất, tiêu dùng và những người đang làm các nền tảng cho thương mại điện tử. Các dự án startup trong lĩnh vực này đã tăng lên rất nhiều trong thời qua nhưng cũng gặp phải thách thức rất lớn, cạnh tranh với các “đại gia” đi trước trong sân chơi toàn cầu. Do đó, cần huyến khích tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ông Phạm Hồng Quất cũng cho biết: Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… là 3 hành lang pháp lý thể hiện rất rõ nhận thức về vai trò quan trọng của thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ góc độ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số thành công trên nền tảng thương mại điện tử, đồng thời cũng nêu lên những khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Các doanh nghiệp đều khẳng định, trong bối cảnh hiện nay thì việc chuyển đổi số là cần thiết và là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, để quá trình này thành công, các doanh nghiệp cũng đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trên nền tảng thương mại điện tử.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo