Nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam dành cho doanh nghiệp gỗ và nội thất
Xây dựng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử / Vietcombank ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank
Không cần trực tiếp đến các hội chợ, triển lãm, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, nội thất vẫn có thể giới thiệu chi tiết từng sản phẩm và cả không gian showroom trưng bày, nhà xưởng sản xuất đến các khách hàng trên thế giới nhờ nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam mang tên HAWA Online Platform for Exhibition (HOPE). Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm giới thiệu HOPE do HAWA vừa tổ chức.
Đây là nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên phục vụ cho tiếp thị số trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh gỗ, nội thất của Việt Nam.
Đây là nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên phục vụ cho tiếp thị số trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh gỗ, nội thất của Việt Nam. Nền tảng được phát triển bởi HAWA với sự hợp tác và tư vấn của cộng đồng CIO Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Ý tưởng xây dựng HOPE được các thành viên HAWA đề xuất trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và lây lan mạnh khiến hàng loạt hội chợ, triển lãm quốc tế trong ngành gỗ, nội thất bị hoãn hoặc hủy bỏ. Ngay cả triển lãm thường niên lớn VIFA EXPO năm 2020 cũng không thể diễn ra theo kế hoạch. Hậu quả là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng.
Ông Trần Viết Huân, Phó Chủ tịch cộng đồng CIO Việt Nam, cố vấn cho dự án này đánh giá, đây không chỉ là giải pháp tạm thời do tác động của COVID-19 mà HOPE hướng đến đáp ứng được nhu cầu thay đổi trong tiếp thị, kinh doanh theo xu hướng chuyển đổi số, tận dụng công nghệ trong kinh doanh.
Từ nguồn cơ sở dữ liệu của HAWA qua các kỳ hội chợ triển lãm quốc tế hơn 10 năm qua, HOPE có thể sử dụng các công cụ digital marketing để tiếp cận và đem lại nguồn khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp thống kê, phân tích và quản lý hành vi người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm, nâng cao hiệu quả quảng bá và bán hàng. HOPE được tích hợp các ứng dụng Social App (ứng dụng xã hội), thuận tiện cho khách tham quan có thể tương tác và trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp 24/7 mà không bị giới hạn về địa lý, thời gian.
Với khả năng quy tụ và trưng bày hàng nghìn sản phẩm từ hàng trăm nhà sản xuất, xuất khẩu được xác thực bởi HAWA, khách hàng quốc tế có thể yên tâm trải nghiệm, tìm kiếm sản phẩm, lựa chọn nhà cung cấp tiềm năng.
Nhờ ứng dụng công nghệ scan hình ảnh 3D, thực tế ảo, khách tham quan có thể quan sát và di chuyển từ tổng thể mặt bằng cho đến chi tiết sản phẩm mọi lúc, mọi nơi bằng các thao tác đơn giản trên thiết bị kết nối Internet như di động, laptop, máy tính bảng…
Đại diện HAWA chia sẻ trước đây các doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất chủ yếu tìm kiếm đơn hàng thông qua hội chợ, triển lãm. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tìm kiếm khách hàng, đơn hàng trực tiếp rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất đã đẩy mạnh đa dạng khóa kênh tiếp thị, bán hàng để duy trì hoạt động. Sự ra đời của HOPE góp phần hoàn chỉnh các kênh xúc tiến thương mại, đem lại cho doanh nghiệp hội viên và người mua hàng nền tảng kết nối xuyên suốt, nhanh chóng.
Hiện tại, HOPE đã quy tụ 50 showroom trực tuyến bao gồm nhà sản xuất và xuất khẩu nội thất Việt Nam tại địa chỉ: http://hopefairs.com. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ giới thiệu khoảng 100 showroom với hàng nghìn sản phẩm tiêu biểu và từng bước kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn cầu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, xuất khẩu đồ gỗ, nội thất cho doanh nghiệp Việt. Tại hội chợ VIFA thường niên những năm tới, Ban tổ chức sẽ quét 3D toàn bộ để đưa lên nền tảng HOPE nhằm mở rộng thêm kênh tiếp thị, giúp các nhà mua quốc tế xác nhận thông tin từ nhà sản xuất Việt Nam.
Đại diện HAWA cho biết, trước mắt, HAWA sẽ miễn phí trưng bày trên HOPE cho các doanh nghiệp hội viên trong năm 2020 để đẩy mạnh tiếp thị và giao thương quốc tế.
Với mức tăng trưởng 18% của năm ngoái, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về hơn 12 tỉ USD, đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trong năm. Nửa đầu năm 2020, doanh số xuất khẩu tăng 3,6% so với cùng kỳ, đạt hơn 5 tỉ USD. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo