Ngành du lịch đứng trước sức ép phải nhanh chóng chuyển đổi số
Nếu DN nhỏ và vừa không được hưởng lợi từ EVFTA thì coi như hiệp định thất bại / Bất chấp Covid-19, chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số tăng 12% trong năm 2020
Năm 2020 đã đi qua nhưng sự ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch của Covid-19 tới ngành du lịch không biết tới bao giờ mới có thể bù đắp được. Việt Nam từng đứng thứ 6 trong top 10 những quốc gia phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Những con số đáng buồn của ngành du lịch Việt tổn thất trong năm 2020: giảm 79,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tổng doanh thu giảm 58,7%, tương đương tổn thất 19 tỷ USD, 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động
Bước qua năm 2021, với mục đích đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) kinh doanh ngành du lịch tại Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội lữ hành Việt Nam (VISTA) tổ chức hội thảo trực tuyến với các chủ đề: Tìm hiểu vì sao Du lịch thông minh & an toàn là giải pháp cốt lõi cho ngành công nghiệp không khói năm 2021; Phân tích những xu hướng du lịch mới và mô hình du lịch địa phương ngắn ngày.
Trong buổi hội thảo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã có chia sẻ về tình hình ngành du lịch trong thời gian qua cũng như vì sao ngành du lịch phải thay đổi để phù hợp với trạng thái bình thường mới. “Covid-19 buộc chúng ta phải thay đổi, từ mô hình kinh doanh, phương thức kinh doanh, đó là chuyển đổi số. Đây cũng không phải điều gì mới lạ đã được áp dụng. Chuyển đổi số làm cho hoạt động của doanh nghiệp thay đổi, khi các thông tin đã sẵn sàng, hoạt động cũng trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt sau đại dịch thì nguồn lao động không còn nhiều như trước nữa thì điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lao động. Hòa nhịp chung với các hoạt động của chính phủ, chuyển đổi số là bắt buộc đối với các doanh nghiệp du lịch. Điều này được thực hiện dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, bên cạnh dữ liệu các tài liệu của nhà nước bao gồm các quy định của pháp luật, văn bản, quy định thì mỗi doanh nghiệp có cơ sở dữ liệu riêng để tạo ra các sản phẩm du lịch. Đối với nhà nước cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho địa phương, và quản lý quốc gia. Kết hợp giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, địa phương sẽ tạo ra mạng lưới cho toàn ngành. Mỗi một cơ sở kinh doanh du lịch có một hệ thống riêng, và sản phẩm riêng tùy vào loại hình kinh doanh và đối tượng khách hàng. Việc này tuy có khối lượng lớn, nhưng nếu thực hiện được chỉ trong vòng 2 – 3 năm thì ngành du lịch sẽ là ngành đầu tiên thực hiện hoàn toàn chuyển đổi số.”
Anh Nguyễn Bảo Xia, Công ty Du lịch Lửa Việt đã chia sẻ những hoạt động trong doanh nghiệp và xu hướng du lịch. Theo anh, những thách thức của giai đoạn này đó là sự biến động liên tục khi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào đưa khách vào thế bị động. Nhiều cơ sở dịch vụ xuống cấp và dừng đột ngột khiến du khách có thể không có được trải nghiệm tốt nhất. Tuy nhiên, không hẳn là không có những cơ hội đó là khi du lịch quốc tế bị chặn đứng, nhu cầu du lịch nội địa còn rất nhiều và đa dạng nên còn rất nhiều sản phẩm hấp dẫn khác có thể khai thác. Đối với hình thức du lịch ngắn ngày trở nên phổ biến, bởi khách hàng ko biết tình hình Covid sẽ diễn ra như thế nào nên sẽ đặt dịch vụ càng gần với ngày khởi hành. Vì vậy công ty cũng hỗ trợ khách hàng như tạo điều kiện thanh toán sau, dành quyền chủ động cho khách hàng, quản trị rủi ro cho khách trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Cũng theo một khảo sát của Booking.com đối với nhu cầu du lịch của người Việt Nam thì 76% du khách Việt Nam quan tâm giá cả; 60% thích săn lùng các chương trình khuyến mãi, tiết kiệm; 71% khách hàng muốn các nền tảng đặt chỗ tăng cường tính minh bạch về chính sách như điều kiện hoàn hủy, phụ thu hay hỗ trợ khách hàng. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng mô hình kinh doanh du lịch truyền thống không còn phù hợp nữa.
Ông Nguyễn Quyết Tâm, Giám đốc công ty VietIso cho rằng, thay đổi là cần thiết và công nghệ là giải pháp hàng đầu để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nhân sự và hoạt động hiệu quả hơn nữa. Việc tiếp cận được người dùng nhanh chóng là rất quan trọng, từ việc đặt mua dịch vụ tới việc chăm sóc khách hàng. Xu hướng du lịch cũng thay đổi nhiều để phù hợp với trạng thái bình thường mới. Các xu hướng du lịch nghỉ dưỡng theo nhóm nhỏ, gia đình, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch tâm linh, du lịch có trách nhiệm… sẽ là những xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Chung tay cho ngành du lịch, mỗi du khách cũng có thể tăng cường đóng góp bằng việc lan tỏa thông tin, giá trị của từng điểm đến, và góp phần nâng cao chất lượng điểm đến cũng như dịch vụ tại mỗi nơi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo