Kinh tế số

Những lý do khiến Shopee giữ vị trí Top đầu thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam

DNVN - Theo báo cáo của Iprice Group, Shopee là sàn thương mại điện tử số 1 trong bảng xếp hạng các sàn Việt Nam. Với số lượng người dùng truy cập website và giữ vững thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng, Shopee là sàn bán hàng tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp.

Xây dựng Nghị định về hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội / Những “mỏ vàng” thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam tăng tốc trong năm 2021

Shopee từ đâu đến?

Theo Bảng xếp hạng của YouGov 2019 Buzz Rankings, Shopee đứng thứ 3 tại Việt Nam trong các thương hiệu được biết đến một cách tích cực, đứng sau Samsung và Vietnam Airlines. Đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 9 lần lượt là Tiki và Lazada. Như vậy, Shopee đứng đầu trong các trang thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam theo tiêu chí của YouGov. Ở phạm vi toàn cầu, đứng đầu danh sách lần lượt là các thương hiệu: Netflix, Whatsapp, YouTube, Samsung, Google. Shopee đứng thứ 7 trong danh sách này. Lazada đứng thứ 15.

Shopee là sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở đặt tại Singapore, thuộc sở hữu của tập đoàn SEA Ltd (trước đây là Garena), được thành lập vào năm 2009 bởi doanh nhân trẻ Forrest Li (Li Xiaodong). Tencent - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc của tỷ phú Ma Huateng hiện là cổ đông lớn nhất của SEA Ltd - chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee - với 39,7% cổ phần.

Shopee hiện là ứng dụng mua bán hàng đầu tại 7 quốc gia:

Shopee hiện là ứng dụng mua bán hàng đầu tại nhiều quốc gia. (Ảnh: Internet)

Khởi đầu với phiên bản thử nghiệm vào tháng 6/2015, Shopee cho phép người dùng mua và bán chỉ trong vòng 30 giây. Với thiết kế phù hợp với văn hóa khu vực Đông Nam Á, Shopee kết hợp sự thân thiện đặc thù của một sàn thương mại điện tử giữa các cá nhân (C2C) với các giải pháp thanh toán và vận chuyển để giúp việc mua bán trực tuyến trở nên dễ dàng, an toàn, thuận tiện hơn. Shopee hiện là ứng dụng mua bán hàng đầu tại 7 quốc gia: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Đài Loan với hơn 16 triệu lượt tải và 46 triệu sản phẩm được bày bán.

Shopee chính thức ra mắt thị trường Việt vào ngày 8/8/2016 với mục tiêu cạnh tranh trên đấu trường thương mại điện tử Đông Nam Á như Lazada (công ty được sở hữu bởi gã khổng lồ Alibaba). Năm 2017, Shopee cho ra mắt Shopee Mall. Shopee Mall là nơi mà các thương hiệu và nhà bán hàng lớn bán hàng chính hãng tại Shopee. Thông thường, truy cập vào website Shopee, người dùng sẽ tìm được rất nhiều mặt hàng ở nhiều phân khúc giá khác nhau từ mặt hàng giá rẻ đến hàng cũ, bán bởi nhiều người. Do đó, Shopee Mall ra đời mục đích tạo ra khu vực riêng cho hàng chính hãng. Điều này đồng nghĩa với việc, bạn mua những thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Sony … có gắn Shopee Mall thì hoàn toàn yên tâm là hàng chính hãng.

Shopee hoạt động trên các nền tảng máy tính để bàn, laptop hay tablet. Tuy nhiên nếu sử dụng điện thoại di động thì người dùng nên cài ứng dụng Shopee, hoàn toàn tương thích với iOS và Android.

Vì sao Shopee được ưa chuộng tại Việt Nam?

 

Về chất lượng sản phẩm, nếu đặt trên Shopee Mall thì người dùng có thể an tâm tuyệt đối. Về giá thành, Shopee đang làm rất tốt khi thường xuyên có chương trình khuyến mãi với các mã giảm giá Shopee giá trị, giúp khách hàng tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Thay vì lựa chọn các kênh mua sắm online cũ như Tiki, Lazada… thì nhiều người đã chuyển sang Shopee bởi chương trình khuyến mãi cực hot, mã giảm giá siêu khủng và những ưu đãi cực kỳ hấp dẫn.

Theo báo cáo của Iprice Group, Shopee là sàn thương mại điện tử số 1 trong bảng xếp hạng các sàn thương mại điện tử Việt Nam. Với số lượng người dùng truy cập website và giữ vững thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng, Shopee là sàn bán hàng tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp hiện nay. Bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee đang là xu hướng kinh doanh của cá nhân và các doanh nghiệp toàn quốc. Quy trình đăng ký gian hàng và kiểm duyệt của Shopee cũng dễ dàng, vì vậy bất kể cá nhân nào cũng có thể tạo tài khoản và bán hàng trên ứng dụng.

Shopee là sàn thương mại có lượng truy cập người dùng lớn, vì vậy sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới. Bên cạnh đó, sàn này còn rất nhiều ưu điểm khác như bán hàng hoàn toàn miễn phí, các chiến dịch quảng cáo và marketing để hỗ trợ kênh cho người bán, ứng dụng tối ưu trên thiết bị di động người dùng.

Hầu hết các trang thương mại điện tử đều tung ra nhiều chương trình, mã giảm giá để thu hút khách hàng. Shopee đặc biệt hơn khi các chương trình, mã giảm giá này được tung ra mỗi ngày mỗi khác, thời gian sử dụng đa dạng, số lượng ít nhiều. Điều này hình thành thói quen cho khách hàng vì người dùng muốn mua hàng với mã giảm giá thì chờ mỗi ngày để xem mã ngày hôm nay áp dụng cho sản phẩm gì. Từ đó kích thích người dùng thường xuyên truy cập vào trang Shopee và mua hàng của doanh nghiệp.

Shopee hỗ trợ người bán tối đa chi phí vận chuyển hàng hóa qua kênh giao hàng tiết kiệm. Shopee sẽ gửi tặng khách hàng số lượng mã miễn phí vận chuyển nhất định trong tháng, kích thích hành vi mua sắm, điều này đánh trúng vào tâm lý của khách hàng khi mua hàng online. Những dịch vụ giao hàng của Shopee cũng góp vai trò quan trọng khẳng định vị thế của sàn TMĐT này. Shopee Express là dịch vụ giao hàng trong 24h kể từ khi lấy hàng thành công, chỉ áp dụng cho các đơn hàng được đặt và giao tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Shopee 4H là dịch vụ giao hàng hỏa tốc của Shopee, siêu nhanh chỉ trong 4 tiếng là khách hàng có thể nhận được, cũng áp dụng cho các đơn hàng được đặt và giao tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

 

Ngoài ra, khách hàng ngày nay thường truy cập Internet trên thiết bị di động, vì vậy các website bán hàng cần được tối ưu nhất cả về giao diện lẫn tốc độ tải trang. Là trang TMĐT hàng đầu, số lượng người truy cập mua hàng vô cùng lớn nên Shopee đã tối ưu tối đa trên mobile. Khách hàng hài lòng với các điều hướng thông minh và dễ dàng cũng như gợi ý sản phẩm tìm kiếm.

Xu hướng phát triển của thương mại điện tử trong năm 2021

Theo số liệu Bản đồ TMĐT do iPrice Group công bố, Shopee đạt lượng truy cập từ website cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 52.200 lượt trong quý II/2020, vượt qua “đỉnh”Lazada lập được tháng 4/2017.

Không chỉ thống trị về lượng truy cập web, Shopee còn tiếp tục đứng đầu cả về lượng truy cập trên smartphone. Theo thống kê về lượng truy cập trên các thiết bị smartphone, Shopee và Lazada đang giữ 2 vị trí cao nhất trên cả hệ điều hành iOS lẫn Android. 2 vị trí sau đó là Tiki và Sendo. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn ra dai dẳng, nhu cầu mua sắm online của người dân ngày càng cao. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2020, nhóm hàng hóa, dịch vụ được mua nhiều nhất trên website, ứng dụng TMĐT bán hàng là: Thiết bị điện tử, sản phẩm khác… Tỷ lệ khách hàng thanh toán trực tuyến ngày càng tăng lên.

Trong năm 2020, các nền tảng mua bán online lớn tại Việt Nam từ một sàn mua bán thuần tuý đã thêm vào các trò chơi giải trí, livestream, tương tự như mạng xã hội. Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành tại Shopee Việt Nam, do trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà, người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí. Do đó, các ứng dụng TMĐT phải tích hợp nhiều yếu tố tương tác như trò chơi và livestream để gia tăng kết nối với người dùng.

 

Trung bình, tổng thời gian mua sắm trên Shopee trong 1 tuần của người dùng Việt tăng hơn 25%. Điều này cho thấy TMĐT ngày càng chiếm vai trò hữu ích trong đời sống hàng ngày, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với các nhu yếu phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Nhóm sản phẩm được ưa chuộng phải kể đến như nước tẩy trang, điện thoại thông minh, sữa, tã giấy, nồi và chảo.

Việc áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt đang dần phổ biến hơn vì người dùng ưu tiên cho sự nhanh chóng và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp. Shopee nhận thấy người dùng ngày càng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn, điển hình như sử dụng Ví AirPay để chi trả cho các hoạt động mua hàng trên Shopee. Trong bối cảnh Chính phủ đang hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt, tình hình dịch bệnh trở thành nhân tố thúc đẩy nhanh quá trình này ở một số khu vực, nơi phần lớn các giao dịch tiêu dùng được thực hiện bằng tiền mặt. Ngoài việc gia tăng sử dụng ví trên thương mại điện tử, các cửa hàng truyền thống cũng chấp nhận thanh toán ví nhiều hơn. Số lượng cửa hàng là đối tác tại Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán qua ví AirPay cũng đã tăng gấp 2 lần trong năm 2020.

Ưu tiên hàng đầu của các sàn TMĐT trong thời điểm này là kết nối người dùng đến gần nhau. Shopee nhận thấy người tiêu dùng Việt sử dụng nhiều hơn các tính năng tương tác trong ứng dụng Shopee. Trung bình có đến 2,5 triệu tin nhắn được gửi đi mỗi ngày khi các thương hiệu, nhà bán hàng và người tiêu dùng tương tác với nhau trong suốt quá trình mua sắm trên ứng dụng Shopee. Shopee ghi nhận hơn 500 triệu lượt chơi các trò chơi trên ứng dụng Shopee trong 3 tháng qua. Kết quả này được ghi nhận từ việc người dùng đăng nhập ứng dụng Shopee hàng ngày nhằm trải nghiệm và tìm kiếm các phần thưởng giá trị từ các trò chơi mới như: Nông trại Shopee, Máy gắp thú Shopee, Bay cùng Shopee.

Sang năm 2021, Shopee dự đoán TMĐT có 3 xu hướng phát triển chính: tăng cường áp dụng thanh toán kỹ thuật số, đẩy mạnh dịch vụ hậu cần, thay đổi trong cách bán hàng của nhà bán.

Đại diện Shopee nhận định người dùng có mong đợi nhiều hơn về việc giao hàng hiệu quả. Vì vậy, các doanh nghiệp và nhà bán hàng cần sử dụng hiệu quả công nghệ để đảm bảo hàng hóa được giao nhanh chóng với chi phí tiết kiệm. Để làm được điều này, cần theo dõi toàn bộ quá trình từ kiểm duyệt đến giao hàng, bao gồm cả việc liên tục củng cố mạng lưới hậu cần và năng lực kho hàng.

 

Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp, từ những thương hiệu cao cấp cho đến các doanh nghiệp nhỏ, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Điều này dẫn đến xu hướng thứ ba, các doanh nghiệp và nhà bán phải thực hiện các chiến lược kỹ thuật số sáng tạo để tiếp tục tiếp cận người dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội. Chẳng hạn, năm ngoái Shopee đã kết hợp với nhãn hàng Pond’s để tích hợp AI vào tư vấn mua sắm, tư vấn chăm sóc da cho khách hàng.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 18% - mức cao nhất trong khu vực. Quy mô thị trường đạt 11,8 tỉ USD, chiếm khoảng 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số. Mặc dù tăng trưởng về số lượng giao dịch so với cùng kỳ nhưng dịch bệnh khiến người dân mua sắm chủ yếu hàng hoá giá trị thấp, dẫn đến doanh thu giảm.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm