Chuyển đổi số

Doanh nghiệp Việt chuyển mình bằng việc áp dụng công nghệ số và thương mại điện tử

DNVN - Năm 2020 là một năm bản lề cho việc chuyển mình của các doanh nghiệp Việt khi ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử (TMĐT) để phát triển kênh phân phối mới trong giai đoạn 2021 – 2025. TMĐT đã dần trở nên phổ biến, vừa là giải pháp cho doanh nghiệp Việt, vừa tạo nên xu hướng mới, thuận tiện cho người tiêu dùng.

Thừa Thiên Huế: Thí điểm chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt / Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi: Cần lan tỏa rộng rãi ứng dụng KH&CN tới người nông dân

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 xuất hiện và đã có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, đối với nền kinh tế Việt Nam, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Các hoạt động sản xuất, cung ứng, thông thương,… đều bị đình trệ, gián đoạn; không ít doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Giai đoạn này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới; tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, song với những cơ hội có thể nhìn thấy, thời kỳ hậu Covid-19 sẽ là thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt chuyển mình, tiếp cận với những phương thức kinh doanh, mở ra cơ hội gia nhập các thị trường ngoài thị trường truyền thống cho doanh nghiệp Việt.
Trước bối cảnh của dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng chuyển hướng đi mới và triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường TMĐT, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.
Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020.

Một thực tế rằng, khi xảy ra đại dịch, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng, từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, logistics thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ giao hàng đến tận nhà, cải thiện chất lượng dịch vụ và nắm bắt cơ hội để lĩnh vực TMĐT ngày càng phát triển.
Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã phối hợp, đưa ra những nghị định, chú trọng tìm ra những giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, các chính sách hội nhập quốc tế được Bộ Công Thương ký kết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành chuỗi giá trị mới, đặc biệt cần là những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Có thể được ghi nhận rằng năm 2020 là một năm bản lề cho việc chuyển mình của các doanh nghiệp Việt khi ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử để phát triển kênh phân phối mới trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, kinh doanh trực tuyến tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đa dạng, TMĐT trở nên phổ biến và trở thành kênh mua sắm thường xuyên của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng”. Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) của TMĐT trong giai đoạn 2016-2019 là 30%. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác tốt các nền tảng trực tuyến. Kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động của COVID-19 hồi tháng 9/2020 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy đẩy mạnh TMĐT là một trong các giải pháp được 14,6% doanh nghiệp lựa chọn để đối phó với đại dịch. Có thể thấy rằng, TMĐT đã dần trở nên phổ biến, vừa là giải pháp cho doanh nghiệp Việt, vừa tạo nên xu hướng mới, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Với chức năng quản lý và phát triển TMĐT, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt, chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương để triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, từng bước đặt nền móng cho các hạ tầng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam như Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay, Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn, v.v…
Theo đại diện của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2020, trong khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, TMĐT vẫn chứng kiến những sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới được thông thương thuận lợi trở lại. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 – chương trình được Bộ Công Thương giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS) triển khai đã ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa TMĐT vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới.

Thương mại điện tử chuyển mình trở thành chiến lược chủ chốt để các doanh nghiệp đối phó với đại dịch và phát triển kênh phân phối mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN, cũng đã chính thức đề xuất và tổ chức thành công sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020, và được đưa vào lịch trình tổ chức thường niên vào ngày 8/8 hàng năm. Với xu hướng chuyển đổi số và phát triển thị trường mua bán trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã triển khai chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên 3 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam là Tiki, Sendo và Voso, tạo một sân chơi mới cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số, kết nối thị trường trong nước.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, song song với việc phát triển các kênh phân phối mới, TMĐT cần xây dựng được những tiêu chuẩn tín nhiệm để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường TMĐT. Mô hình về hoàn thiện nền tảng tín nhiệm (Circle of Trust) trong giai đoạn 2015 - 2025 bao gồm: xây dựng hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROW; giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustON; ứng dụng Chứng từ điện tử trong thương mại; ứng dụng dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn trong TMĐT,….
Từ năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ triển khai Chương trình GoOnline – với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất đất nước hiện nay, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT, đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần “giải cứu”, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ.
Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể như: triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn TMĐT; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia lên các sàn TMĐT; xây dựng Nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông chương trình GoOnline.
Có thể nói, TMĐT trong năm 2021 sẽ là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội, tạo ra những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, uy tín; giúp doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch và tạo ra những cơ hội trong phát triển và mở rộng thị trường. Cùng với sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, đảm bảo an toàn trong giao dịch, mua bán; từ đó, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và bức tranh toàn cảnh cho TMĐT Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ có nhiều bứt phá.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm