Kinh tế số

Những lý do khiến Vinsmart từ bỏ giấc mơ sản xuất điện thoại, tivi Việt

DNVN - Vingroup vừa gửi thông báo chính thức dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và tính năng mới cho ô tô VinFast.

VinSmart bắt tay với “ông lớn” của Ý thiết kế Smartphone thế hệ mới / VinSmart công bố mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G

Điện thoại Vinsmart chỉ còn là kỷ niệm đẹp

Vinsmart đã chính thức ra thông báo dừng mảng di động và ti vi vào chiều ngày 9/5, một thông tin khiến cho nhiều người hết sức bất ngờ nhưng thật ra lại hợp xu thế. Rất khó để Vsmart chinh phục được thị trường di động vào thời điểm này khi thị trường bão hoà và thiếu linh kiện nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vinsmart đã đầu tư rất nhiều tiền để thực hiện giấc mơ điện thoại Việt

Vinsmart đã đầu tư rất nhiều tiền để thực hiện giấc mơ điện thoại Việt. (Ảnh: Internet)

Vinsmart ra đời vào tháng 6/2018, khởi điểm là sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Trong gần 3 năm qua Vinsmart đã có bước phát triển “thần tốc” khi trình làng 19 mẫu điện thoại ra thị trường và khoảng 3 triệu sản phẩm đã đến tay người dùng.

Vinsmart đã đầu tư rất nhiều tiền để thực hiện giấc mơ điện thoại Việt. Đầu tiên, công ty của Vingroup mua 51% cổ phần của công ty BQ (Tây Ban Nha) để sở hữu công nghệ, sau đó nhập dây chuyền lắp ráp điện thoại vào nhà máy tại Việt Nam, thuê chuyên gia nước ngoài và ra mắt smartphone; tất cả chỉ trong vòng chưa tới 6 tháng. Tới tháng 3/2020, Vsmart lần đầu đạt mốc 16,7% thị phần, đứng số 3 tại Việt Nam, cách hãng số 2 khoảng 4 - 5%. Tới quý 1/2021, thị phần Vsmart ở mức trên dưới 9%, chênh lệch rất ít với Apple, Xiaomi, Vivo.

Hãng cũng tung ra những smartphone tiên phong như camera ẩn dưới màn hình, smartphone 5G, smartphone có camera pop-up. Mặc dù vẫn còn hạn chế nhất định, tuy nhiên giải pháp của Vinsmart được cho là hoàn thiện hơn nhiều so với sản phẩm của ZTE, là một trong 2 smartphone dùng camera ẩn đầu tiên trên thế giới. Trên Aris Pro, VinSmart trang bị công nghệ bảo mật lượng tử, giúp bảo vệ an toàn hơn cho dữ liệu của người dùng. Sau Aris Pro, người dùng kỳ vọng Vinsmart sẽ cho ra mắt một smartphone cao cấp thực sự mang tên Lux được đồn đoán khá lâu. Tuy nhiên, khi VinSmart công bố dừng sản xuất điện thoại, TV, smartphone này sẽ không có cơ hội chào sân thị trường.

Vsmart đã đặt chân vào thị trường Mỹ, sau khi vượt qua nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo của nhà mạng AT&T trong 6 tháng. Ba mẫu máy của VinSmart sản xuất cho AT&T được bán tại cửa hàng các nhà mạng này và một số siêu thị Walmart, giá bán từ 39 USD đến 89 USD. Trước khi chính thức đặt chân đến thị trường Mỹ đầu năm 2021, Vsmart đã có mặt tại Tây Ban Nha, Nga, Myanmar, trở thành smartphone Việt vươn ra nhiều thị trường nước ngoài nhất tới thời điểm hiện tại.

 

Hiện nay, Samsung, Apple và các hãng điện thoại Trung Quốc gần như đã chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, thị trường di động sắp bước vào giai đoạn thoái trào khi các hãng liên tục ra sản phẩm mới nhưng không có gì đột phá, nhiều hãng không tập trung cho di động nữa mà chuyển sang các lĩnh vực mới như xe ô tô, nhà thông minh. Một trở ngại nữa khiến Vinsmart phải dừng lại ở mảng di động đó chính là thiếu linh kiện sản xuất, vấn nạn này xảy ra với hầu hết các hãng công nghệ trên thế giới.

Khi Vingroup bước vào lĩnh vực di động, nhiều người hi vọng rằng smartphone Việt sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Thực tế, Vinsmart đã làm được điều đó, họ đầu tư bài bản từ hoạt động nghiên cứu (R&D), xây dựng nhà máy và nhập khẩu các dây chuyền sản xuất hiện đại trên thế giới về vận hành, họ cũng có một kênh phân phối rất mạnh trên thị trường.

Vinsmart đã sản xuất ra một chiếc điện thoại Việt với đầy đủ quy trình không khác gì các hãng lớn trên thế giới và lọt top thị trường Việt Nam, quyết định dừng cuộc chơi quá sớm để lại sự tiếc nuối cho giới công nghệ trong nước. Thị trường điện thoại Việt giờ chỉ còn Bkav, trên thực tế Bphone của Bkav mặc dù đã ra mắt thị trường nhiều năm nhưng vẫn chưa tạo được ấn tượng mạnh mẽ.

Trong bài đăng mới đây trên mạng xã hội, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng “lấy làm tiếc” về sự rút lui của Vinsmart, đồng thời khẳng định tham vọng đưa Bphone chiếm số 2 thị phần smartphone Việt Nam năm 2023. Theo ông Quảng, sự thành công của Vsmart khiến ông tin rằng người Việt Nam luôn khát khao và ủng hộ các sản phẩm Make in Việt Nam. Điều này khiến ông tự tin vào tương lai của Bphone.

Chia tay smartphone, Vingroup tập trung vào ô tô và thiết bị IoT

 

Theo quyết định mới, Vinsmart sẽ dừng việc phát triển tivi và điện thoại di động, chuyển sang phát triển những tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. Trọng điểm là phát triển các tính năng thông tin - giải trí - dịch vụ (Infotainment) cho ô tô VinFast. Với gần 150 tính năng Infotainment sắp được trang bị, ô tô VinFast sẽ mang đến những tiện ích khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường ô tô toàn cầu.

Vinsmart sẽ dừng việc phát triển tivi và điện thoại di động, chuyển sang phát triển những tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. Trọng điểm là phát triển các tính năng thông tin - giải trí - dịch vụ (Infotainment) cho ô tô VinFast.

Vinsmart sẽ dừng việc phát triển tivi và điện thoại di động, chuyển sang phát triển những tính năng thông minh trên xe ô tô VinFast. (Ảnh: Internet)

Nhiệm vụ thứ hai là tập trung nghiên cứu, thiết kế và sản xuất linh kiện điện tử, các tế bào pin điện, hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast. Chuyển hướng vào ô tô là quyết định thông minh tại thời điểm này của Vingroup. Trên thế giới các hãng lớn như Samsung và Apple cũng bắt đầu nhảy vào lĩnh vực ô tô, tại Trung Quốc cả Huawei, Oppo… đều có động thái tương tự. Ô tô điện được dự đoán là thị trường nghìn tỷ USD tiếp theo. Khác với thị trường di động khi miếng bánh đã chia xong, đây là thị trường mới, cơ hội rộng mở cho tất cả mọi người – từ các Big Tech cho đến những start-up.

 

VinSmart không đề cập đến công nghệ tự lái nhưng gần như chắc chắn, đây sẽ là một trong những lĩnh vực mà họ không thể bỏ qua.

Song song đó, Vinsmart cũng đẩy mạnh các mảng nghiên cứu hiện nay về thành phố thông minh - nhà thông minh và thiết bị IoT liên quan để mang đến trải nghiệm sống vượt trội hơn cho người dùng. Có vẻ như hãng sẽ tập trung vào nhóm giải pháp cho doanh nghiệp và đô thị. Đây được xem là bước đi hợp lý bởi Vingroup đang sở hữu một hệ sinh thái nhà ở rộng khắp tại Việt Nam, số lượng đối tác khổng lồ. Phát triển các giải pháp nhà thông minh, thành phố thông minh ở quy mô lớn mới là giải pháp mang đến doanh thu ổn định, tính hệ thống cao và quản lý dễ dàng, thay tập trung cho sản xuất, bán lẻ thiết bị.

Để dồn toàn lực cho hướng đi mới, các nhà máy của Vinsmart sẽ tiếp tục sản xuất điện thoại và tivi hiện có cho đến hết vòng đời của sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Sau đó, một phần của nhà máy được sử dụng gia công cho các đối tác, phần còn lại mở rộng điều chỉnh để sản xuất một số sản phẩm mới.

Về các sản phẩm đã bán ra thị trường, VinSmart cho biết, cam kết giữ nguyên chế độ bảo hành, sửa chữa, chăm sóc như đã cam kết cho đến ngày khách hàng không còn sử dụng sản phẩm nữa. Đặc biệt, một phần bộ phận thiết kế phần mềm điện thoại vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp, cập nhật cho các điện thoại Vsmart đã bán ra thị trường.

 

Ngày 6/5/2021, Vingroup công bố sẽ tập hợp lực lượng phát triển xe từ các viện nghiên cứu VinFast ở nước ngoài về trụ sở chính ở Việt Nam để đảm bảo tiến độ nghiên cứu phát triển và đẳng cấp cho các dòng xe mới. Trước đó, Tập đoàn cũng đã lần lượt rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để tập trung cho ưu tiên cốt lõi là ôtô.

Những pha “bẻ lái” ngoạn mục của Vingroup

Thông tin Vingroup chính thức dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để dồn lực cho VinFast khiến công chúng vô cùng bất ngờ, tuy nhiên trước đó “ông lớn” này cũng có nhiều pha “bẻ lái” gây chấn động dư luận.

Tháng 11/2018, Vingroup mua lại Viễn thông A với tuyên bố đây là mắt xích giúp Tập đoàn tăng cường khả năng phân phối các sản phẩm điện tử, công nghệ tự sản xuất, nhất là điện thoại. Ngày 6/11/2019, website VienthongA.vn và VinPro.vn chính thức kết hợp dưới tên VinPro.vn. Cùng với sáp nhập chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A, tổng số hệ thống siêu thị điện máy của Vingroup nâng lên 242 cửa hàng.

Hệ thống bán lẻ công nghệ - điện máy VinPro gồm 2 mô hình kinh doanh VinPro và VinPro+. Trong đó, VinPro là các trung tâm công nghệ - điện máy, tọa lạc tại tất cả các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom. VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn. Nhưng đến cuối tháng 12/2019, Vingroup bất ngờ giải thể toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro, sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi và VinID để tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp, công nghệ. Thông báo của Vingroup cho biết lĩnh vực bán lẻ không còn là ưu tiên cốt lõi của Tập đoàn. Như vậy chỉ sau 4 năm hoạt động, cái tên VinPro chính thức bị xóa sổ.

 

Ngày 14/1/2020, Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải, công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không nhằm tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là Công nghệ và Công nghiệp. Thông tin này gây sốc vì trước đó, Vinpearl Air được quảng cáo rầm rộ với lộ trình rất chuyên nghiệp để thực hiện ước mơ chinh phục bầu trời. Trước đó, giữa tháng 7/2019, Vingroup khẳng định sự hiện diện trong lĩnh vực hàng không với việc thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp. Mạng đường bay của Vinpearl Air bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Hãng đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng từ khai thác tới việc "xuất khẩu" phi công.

Việc Vingroup "từ bỏ" Vinpearl Air được coi là thông tin “địa chấn” trong giới kinh doanh hàng không. Ngay từ khi được thành lập, giới chức ngành hàng không cũng như các chuyên gia đã có những bình luận rất tích cực về việc Vinpearl Air gia nhập thị trường.

Năm 2007, ông Phạm Nhật Vượng từng có kế hoạch xây dựng một tập đoàn tài chính, gồm các mảng: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Kế hoạch này đã được thực thi, theo đó Tập đoàn Tài chính Vincom gồm có các đơn vị thành viên: Công ty quản lý quỹ Vincom, Công ty chứng khoán Vincom (Vincom Securities), Công ty bảo hiểm Vincom, Ngân hàng Vincom. Thế nhưng, vào thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Ban điều hành Vingroup đã nhanh chóng đưa ra quyết định dừng kế hoạch thành lập Tập đoàn Tài chính Vincom.

Trong năm 2009 , Vingroup cũng mở ra và đóng lại nhiều dự án như: VinDS (hệ thống cửa hàng quần áo, giày dép trong trung tâm thương mại Vincom), Vinlink, VinExpress (lĩnh vực logistics), Emigo (công ty thời trang VinFashion)...

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm