Ông Vũ Bá Phú: Xuất khẩu trực tuyến và lợi nhuận thực tế sinh động
DNVN - Năm 2020, xuất khẩu (XK) trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận mọi thị trường trong bối cảnh Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Các DN cần nhận thức rõ XK trực tuyến không còn là xu thế mà đã trở thành thực tế. Thực tiễn cho thấy XK trực tuyến đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn: Kích hoạt cơ chế hỗ trợ / Xuất nhập khẩu Quý I/2021 tăng trưởng cao bất chấp Covid-19 và thiếu container rỗng
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam để làm rõ hơn những nội dung trên.
Năm 2020, XK trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận tới mọi thị trường trong bối cảnh Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về loại hình XK này?
Ông Vũ Bá Phú: Trước tiên, có thể nói rằng, XK trực tuyến không còn là xu thế mà ta cần hiểu đây là thực tế. Do đó, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ để triển khai hoạt động hiệu quả. Với XK trực tuyến, hiệu quả có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ.
Đối với DN, hoạt động XK trực tuyến mang lại hiệu quả về chí phí, thời gian và nhân lực trong khi vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác ở các vị trí địa lý khác nhau một cách hiệu quả chỉ cần với công cụ đơn giản là máy tính có kết nối Internet và nhắp chuột. Đơn cử, việc mở các cửa hàng bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử sẽ hiệu quả về chi phí hơn rất nhiều việc mở văn phòng đại diện hay cửa hàng trực tiếp. Tất nhiên, mỗi loại hình kinh doanh có những đặc thù riêng và việc so sánh chỉ là tương đối vì còn tuỳ thuộc vào mục tiêu kinh doanh và loại sản phẩm. Việc giao dịch và tiếp xúc với khách hàng nhanh chóng và thuận tiện giúp tiết kiệm thời gian, giảm bớt các thủ tục.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)
Nhìn nhận đúng và hiểu rõ cách thức XK trực tuyến là một bước tiến trong nhận thức. Từ việc hiểu đúng đắn, doanh nghiệp sẽ xác định được hướng đi, có những quyết sách hợp lý về nguồn lực, lựa chọn sản phẩm phù hợp và đánh giá được những khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai.
XK trực tuyến thành công giúp DN nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại để bán hàng và xuất khẩu hiệu quả. Các kết nối thành công là kết quả của cả một chuỗi những nỗ lực về xây dựng thông tin sản phẩm, marketing bán hàng, giao tiếp, nghiên cứu thị trường. Tất cả các hoạt động này đều được làm trên môi trường trực tuyến có nghĩa là người trực tiếp triển khai đã từng bước nắm vững kỹ năng và làm chủ công nghệ và thông tin.
Như ông nói ở trên, XK không còn là xu thế mà đã là thực tế. Vậy sự đóng góp của XK trực tuyến đối với XK nói chung trong năm 2020 như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2020, xúc tiến XK trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả cho DN tiếp cận khách hàng và thị trường, là kênh hiệu quả để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia, hành vi tiêu dùng và mua sắm của khách hàng đang thay đổi theo hình thức trực tuyến. Tư duy của các DN cũng thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tế để xúc tiến bán hàng và xuất khẩu hiệu quả. Khả năng giao dịch và bán hàng toàn cầu ngày một tăng cao.
Có thể thấy, XK trực tuyến thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường hiệu quả. Trong điều kiện thị trường biến động, nhưng với sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2020, Cục XTTM tổ chức và phối hợp thực hiện thành công trên 500 hội nghị quốc tế trực tuyến với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu Việt Nam. Các phiên giao thương này được tổ chức với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục, trong đó có cả các thị trường lớn, truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU... đến các thị trường tiềm năng ở xa như Chille, Mexico, Trung Đông, Nam Á, châu Phi...
Hoạt động giao thương trực tuyến cũng đã kịp thời hỗ trợ các địa phương có nông sản, rau quả phụ thuộc mùa vụ cao như Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Cà Mau, Đắc Lắc... vừa tiêu thụ hết vừa được giá. Đáng mừng là, cho đến nay, hình thức giao thương trực tuyến đã được Bộ Công thương phối hợp với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp nhân rộng, phổ biến trên phạm vi cả nước và trở thành 1 hình thực kết nối, xúc tiến xuất khẩu hiệu quả.
Không chỉ có nông sản, rau, quả, theo thống kê sơ bộ, hàng triệu lượt doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã được hỗ trợ kết nối giao thương trực tuyến qua các hội nghị chuyên đề trong các lĩnh vực dệt may, da giày, rau quả, sản phẩm gỗ và thủ công mỹ nghệ. Các mặt hàng tham gia giao thương đa dạng phục vụ xuất khẩu (như sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, trang trí nội ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao...) cũng như nhu cầu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước.
XK trực tuyến đã trở thành kênh xuất khẩu quan trọng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Cục XTTM có các trình hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào trong năm 2020 và năm 2021, thưa ông?
Cục XTTM đã tiên phong thí điểm hoạt động XTTM trên nền tảng số như tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến; Tổ chức và tham gia các Hội chợ ảo, triển lãm, gian hàng trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ DN xuất khẩu qua các sàn TMĐT lớn trên thế giới (Amazon, Alibaba, Global source…); Tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt Nam; Đào tạo, tập huấn online…
Để thích ứng với các kịch bản và giải pháp phục hồi nền kinh tế đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và có thể đón các cơ hội mới sau đại dịch, tận dụng cơ hội từ các FTA đặt ra sự cần thiết phải điều chỉnh nói chung cho cả nền kinh tế cũng như riêng cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Đối với công tác xúc tiến thương mại, trên cơ sở đánh giá kết quả bước đầu triển khai XTTM trực tuyến thời gian vừa qua, chúng tôi nhận định cần các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM.
XK trực tuyến đã trở thành kênh xuất khẩu quan trọng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Về mặt cơ chế, chính sách, Cục XTTM - Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất Bộ Công Thương ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định mới, ứng phó hiệu quả trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.
Về phương thức triển khai cụ thể, trong thời gian tới, Cục XTTM sẽ trực tiếp triển khai và hướng dẫn, phối hợp các địa phương, tổ chức XTTM trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào XTTM như: Hội nghị, kết nối giao thương, đào tạo, tập huấn trực tuyến; Tham gia gian hàng trực tuyến của các Hội chợ - triển lãm lớn, uy tín trên thế giới hoặc Tổ chức Hội chợ, triển lãm trực tuyến cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc Xúc tiến thương mại và hệ thống dữ liệu dùng chung về XNK như mặt hàng, thị trường...
Đặc biệt, Cục XTTM đang xây dựng và thiết lập hoàn chỉnh ứng dụng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (App trên web và điện thoại thông minh - VECOBIZ): là một nền tảng tích hợp các dịch vụ XTTM như quản lý hội chợ, triển lãm, sự kiện XTTM, kết nối B2B, tư vấn, đào tạo, truy xuất xúc tiến thương mại…, đặt mục tiêu giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế khai thác từ giữa Quý 2/2021.
Để huy động và chuẩn bị tốt các nguồn lực triển khai cho hệ thống XTTM của Việt Nam, Cục XTTM sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, cán bộ phụ trách XTTM của các địa phương, hiệp hội nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hình thức XTTM trực tuyến mới; đồng thời thông qua các lớp đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, nhu cầu xuất – nhập khẩu đến các doanh nghiệp.
Nếu DN chuẩn hóa, số hóa tất cả các kênh thì khả năng tiếp cận của người nhập khẩu rất lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam chưa chuyên nghiệp nên gặp khó khăn trong XK trực tuyến. Vậy ông có lời khuyên nào cho các DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Thực tế, trong thời kỳ dịch bệnh, có thể thấy DN Việt Nam ta có nhiều những thay đổi tích cực trong tư duy và nhận thức để kịp thời điều chỉnh và vươn lên trong khó khăn. Việc chưa chuyên nghiệp có thể nhìn nhận ở góc độ như năng lực còn hạn chế, nhận thức chưa thực sự toàn diện hay hạn chế về nguồn lực của chính doanh nghiệp. Thời gian qua, hoạt động ứng dụng nền tảng công nghệ trong XK của VN đã có những bước phát triển vượt trội. Trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung chỉ dành cho các DN có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế, tài chính cao. Nhưng hoạt động XK trực tuyến đã thay đổi chiều hướng này, trên môi trường mạng, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận khách hàng, đàm phán và thỏa thuận các điều khoản trong kinh doanh.
Như đã nêu ở trên, hoạt động thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến không còn là xu thế mà đã trở thành thực tế. Do đó, tất cả các doanh nghiệp cần nhận thức rõ thực tế này để điều chỉnh hoạt động hiệu quả. Thông qua thực tế hoạt động, chúng tôi nhận thấy rằng DN muốn XK trực tuyến hiệu quả, cần cân nhắc một số điều kiện cần và đủ để phát triển xuất khẩu trực tuyến, cụ thể:
Điều kiện đầu tiên đó là ngoại ngữ. Muốn xuất khẩu cả trực tiếp và trực tuyến thành công, DN cần có nhân sự biết ngoại ngữ và giỏi về ngoại ngữ chuyên ngành để có thể chuyển tải thông tin và xử lý thông tin hiệu quả. Đây có thể coi là một điều kiện căn bản đầu tiên trong hoạt động XK.
Thứ hai, chủ doanh nghiệp phải là người nhận thức rõ về hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lúng túng khi chưa biết bắt đầu từ đâu, hay còn “ngại thay đổi” vì còn chưa thực sự hiểu rõ về bản chất của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu thành công. Trên thực tế, mỗi DN có xuất phát điểm khác nhau, tiềm lực về nguồn lực và định hướng khác nhau, do đó, việc ứng dụng CNTT sẽ không thể có một bài toán chung cho tất cả, DN hoàn toàn có thể tiến hành chuyển đổi số từ những gì thực tế doanh nghiệp đang có, và điều tiên quyết là cần có những đơn vị tư vấn chuyên môn thật sự chuyên nghiệp đồng hành để hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Thứ ba, hoạt động xuất khẩu trực tiếp hay trực tuyến cần phải dựa trên chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Có thể nói, đây là một điểm hạn chế của các DN nhỏ và vừa của chúng ta trong sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu. Theo khảo sát nhanh của chúng tôi thông qua các sự kiện trực tiếp của Cục XTTM, hầu như các DN nhỏ và vừa vẫn thiếu chiến lược hoạt động bài bản, xác định thị trường mục tiêu còn cảm tính và chưa hiểu rõ về xu hướng sản phẩm. Từ thực tế này, việc quyết định sản xuất và bán hàng còn dựa nhiều vào việc “chạy theo” thị trường chứ chưa thực sự hiểu rõ, nắm bắt được xu hướng để từ đó có thể chủ động và hướng đến dẫn dắt thị trường.
Thứ tư, DN cần nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin, phân tích thông tin và nghiên cứu thị trường trên môi trường mạng, từ đó, nâng cao năng lực nhận biết và quản trị rủi ro trong thương mại quốc tế. XK trực tuyến ngoài việc mang lại nhiều lợi thế về thời gian, chi phí và tương tác thì cũng tiềm ẩn khá nhiều những rủi ro về xác thực thông tin mà những DN ít kinh nghiệm có thể chưa nhận biết được.
DN của chúng ta cũng nên rèn luyện thói quen nghiên cứu và nắm bắt môi trường kinh doanh, tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về các hiệp định thương mại tự do và các xu hướng, chính sách của các quốc gia về quy định ưu đãi thuế quan hay hàng rào phi thuế quan. Đây là một nội dung rất quan trọng nhưng đa phần DN còn chưa thực sự hiểu hoặc chưa biết cách tìm hiểu và nắm bắt thông tin, phục vụ hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với tổ chức XTTM xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động XTTM đảm bảo hoạt động XTTM sát thực, khả thi, hiệu quả; quyết tâm, mạnh dạn đầu tư kinh phí cho XTTM trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác XTTM nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, dù XK trực tuyến đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho DN nhưng đây không phải là “một phép màu” duy nhất. Ngoài việc làm chủ các kỹ năng kinh doanh trực tuyến, DN cũng cần linh hoạt vận dụng và phối kết hợp các hình thức trực tiếp và trực tuyến để luôn có được góc nhìn đa chiều về khách hàng, thị trường và tăng năng lực chủ động ứng phó với các tình huống trong kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!
Nguyệt Minh (thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo