Lãi suất sẽ diễn biến ra sao trong quý II/2021?
Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn: Kích hoạt cơ chế hỗ trợ / Hà Nội quyết tâm thực hiện 6 giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 0,3-0,5% trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định. Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI.
Lãi suất liên tục ở mức thấp
Theo thống kê của SSI, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng từ 2-2,5% trong năm 2020; trong đó, mạnh nhất là trong quý III/2020. Sang đến quý I/2021, đã có một số điều chỉnh tăng, giảm nhẹ từ 0,1-0,4% lãi suất tại một số ngân hàng thương mại, tập trung vào các kỳ hạn ngắn và nhóm khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, mặt bằng chung, lãi suất tiền gửi vẫn giữ nguyên ở mức từ 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn từ 6-12 tháng và từ 4,6-6%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Cụ thể, tại nhóm 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất huy động không biến động so với tháng trước. Trong đó, lãi suất cao nhất tại Vietcombank chỉ ở mức 5,5%/năm, 3 ngân hàng còn lại ở mức 5,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại 4 ngân hàng này niêm yết dao động từ 3,2-3,4%/năm; 6-9 tháng từ 3,7-4%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại tư nhân, mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 3 tháng gửi tại quầy là từ 3-4%/năm; 6 tháng từ 3,8-6,25%/năm; 9 tháng từ 3,8-6,35%/năm. Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất tiền gửi tại quầy của các ngân hàng dao động từ 4,7-6,8%/năm. Còn nếu khách hàng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến, lãi suất huy động cho các kỳ hạn thông thường sẽ có chênh lệch từ 0,1-0,3%/năm so với biểu lãi suất tiền gửi tại quầy.
Trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1-1,5%, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2-2,5%). Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%. Bởi vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%.
Trong quý I/2021, Vietcombank đã áp dụng giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 3 tháng, trong khi BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo dài đến 30/9/2021. Còn tại một số ít ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất cho vay cũng được giảm từ 0,1-0,4% nhưng chỉ với thời gian ưu đãi trong 6-12 tháng đầu, biên lãi suất cộng thêm để tính lãi các kỳ sau đó không thay đổi. Lãi suất cho vay ở hầu hết các ngân hàng thương mại đến nay vẫn ổn định so với thời điểm cuối năm 2020.
Dòng tiền chảy về đâu?
Lãi suất liên tục giữ ở mức thấp trong thời gian vừa qua khiến nhiều chuyên gia lo ngại dòng vốn từ ngân hàng sẽ "chảy" sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số...
Trước xu hướng này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV khuyến nghị, các nhà đầu tư tránh theo phong trào, đầu tư vào các mô hình không có cơ sở pháp lý, đặc biệt người dân cần nâng cao hiểu biết về đầu tư tài chính để tránh bị lừa gạt hay đầu cơ.
SSI nhận định dù lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng huy động của các ngân hàng thương mại vẫn rất khả quan. Cùng với đó là sự sụt giảm của cầu tín dụng khiến cho chênh lệch tiền gửi và tín dụng từ đầu năm 2020 đến này giãn khá rộng.
Thực tế theo Tổng cục Thống kê, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay ước đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng 19,6%. Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%. Đáng chú ý tính đến ngày 19/3/2021, tăng trưởng tín dụng là 1,47% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 0,54% của tiền gửi.
"Bên cạnh sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi, các ngân hàng thương mại có thể đã chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời của ngân hàng", SSI đánh giá.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước là từ 6,5-7,5% (ngoại trừ Vietcombank là 10,5%), các ngân hàng thương mại tư nhân từ 8-12%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 bình quân của các ngân hàng thương mại trong phạm vi nghiên cứu của SSI là 9%, thấp hơn mức bình quân 10% trong đợt giao hạn mức đợt đầu của năm 2020. Thông thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm. Với mức giao hiện tại, SSI cho là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra hồi đầu năm 2020 là 14%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo