Số hóa giúp doanh nghiệp địa ốc vượt khó trong đại dịch Covid-19
Bà Rịa - Vũng Tàu: Mạnh tay xử lý nạn phân lô bán nền trái phép / Quảng Nam: Chủ đầu tư, doanh nghiệp BĐS chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm
Căng mình ứng phó
Từ sau Tết Nguyên đán 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Thị trường còn nhiều khó khăn, khiến không ít khách hàng và nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong các quyết định mua bán và đầu tư.
Ông Đặng Hòa - Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đúng thời điểm các doanh nghiệp bất động sản đang tập trung giới thiệu sản phẩm ra thị trường sau quý I mang tính khởi động. Tuy không quá bất ngờ, nhưng thực tế này cũng khiến doanh nghiệp phải thay đổi “kịch bản” nếu không muốn sản phẩm bất động sản bị ngưng trệ.
“Một thực tế có thể thấy, nếu dịch bệnh kéo dài, có thể một số nhân viên môi giới phải chuyển nghề khác để mưu sinh. Hiện, chúng tôi đã nghĩ tới việc cắt giảm nhân sự, do các buổi ra mắt, mở bán sản phẩm bất động sản phải tạm dừng. Dịch bệnh gần 2 năm qua đã khiến dòng tiền luân chuyển trên thị trường tài chính giảm mạnh, người mua “cố thủ” và có tâm lý ngại khi xuống tiền mua bất động sản", ông Hoà nói.
Dịch bệnh quay trở lại khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc phải dời lại kế hoạch bán hàng.
Tương tự, nếu đúng như dự kiến thì đầu tháng 5 này, Thắng Lợi Group sẽ giới thiệu giai đoạn 2 dự án The Sol City tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, Long An. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại buộc doanh nghiệp này phải lùi kế hoạch sang cuối tháng hoặc phải đợi đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tổng giám đốc Thắng Lợi Group - Nguyễn Thanh Quyền cho biết, Công ty phải cân nhắc lại việc tung ra thị trường sản phẩm mới bởi sức mua giảm. Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng, khiến họ dè dặt xuống tiền.
Ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Đầu tư Nam Đô Land cho biết, ban lãnh đạo công ty đang cân nhắc việc dừng tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm khu dân cư thuộc tỉnh Bình Thuận ở TP.HCM, sự kiện này dự kiến sẽ tổ chức vào giữa tháng 8, tuy nhiên vì dịch bệnh bùng phát, nên doanh nghiệp quyết định theo dõi tình hình dịch bệnh những ngày tới để đưa ra quyết định có nên dừng tổ chức sự kiện hay không.
“Chúng tôi đã thuê trung tâm hội nghị, thư mời khách hàng cũng đã phát đi, chi phí quảng cáo hàng tỷ đồng cho sự kiện này. Song, dịch bệnh bùng phát thì mọi chi phí xem như đổ sông đổ bể, thiệt hại tài chính là không nhỏ. Sau khi hết dịch mà mở bán trở lại, chúng tôi vẫn phải bỏ kinh phí chạy truyền thông từ đầu, tức là chi phí sẽ bị đội lên gấp đôi, nhưng không thể làm gì khác hơn bởi vì sự an toàn của khách hàng và tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ nên dù thiệt hại về kinh tế nên phải dừng sự kiện”, ông Hải Nam cho hay.
Trước việc dịch Covid-19 lại bùng phát, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, bất động sản lâu nay luôn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, nhất là trong bối cảnh như hiện nay. Năm 2020, kinh tế bị dịch Covid-19 “tàn phá” nặng nề, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến việc lựa chọn các kênh đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn. Song, HoREA luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp bất động sản để có giải pháp tồn tại, duy trì sự phát triển.
Tăng tốc sử dụng công nghệ để bán hàng
Có thể thấy, dịch Covid-19 không chỉ tạo ra cú sốc mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao vì lượng giao dịch giảm mạnh. Nhiều công ty địa ốc nhỏ mới thành lập và nhiều sàn môi giới nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa hoặc tạm thời kích hoạt chế độ “ngủ đông” như đã từng làm trước đó.
Đối với các doanh nghiệp lớn, để trụ lại thị trường họ buộc phải thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng. Sự nhanh nhạy của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện qua khả năng ứng biến trước thời cuộc, bắt tay đưa các ứng dụng công nghệ vào để vận hành trên cả hệ thống.
Các chuyên gia bất động sản đều nhận định rằng chưa có khi nào ngành bất động sản lại phải làm việc online nhiều như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ chưa bao giờ gấp gáp đến thế. Bất động sản là sản phẩm có giá trị lớn, khách hàng thường có thói quen phải được xem trực tiếp, sờ tận tay và tìm hiểu kỹ lưỡng. Từ bước tìm hiểu đến bước quyết định mua hàng đôi khi phải mất thời gian từ 1 tuần đến cả tháng trời.
Trong khi đó, dịch Covid-19 lại hạn chế tiếp xúc giữa người với người buộc các doanh nghiệp phải kịp thời thay đổi phương thức tiếp cận. Thay vì “face to face” với khách hàng, giờ đây những phần mềm công nghệ được đưa vào áp dụng để tăng sự trải nghiệm qua màn hình. Khó khăn lớn nhất là làm sao để khách hàng có thể xem sản phẩm ở nhiều ngóc ngách khác nhau mà vẫn đảm bảo được tính thực tế.
Để làm điều này, một số doanh nghiệp thực hiện livestream trực tiếp ở công trình dự án, hoặc sử dụng các phần mềm như Fastkey, Reality Scanning với hình ảnh 3D… Đối với các ông lớn như Hưng Thịnh, Trần Anh Group, Thắng Lợi Group, Tập đoàn Sunshine, Tập đoàn An Gia, Novaland… đều vận dụng các ứng dụng công nghệ vào vận hành để tương tác với khách hàng.
Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực đẩy mạnh số hóa công tác bán hàng.
Chẳng hạn như ở Thắng Lợi Group, đơn vị đã cơ cấu lại bộ máy vận hành bằng cách tăng cường các giao dịch online, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, cải cách quy trình vận hành thông qua hệ thống quản lý doanh nghiệp toàn diện T-core..., cùng với đó là nghiêm túc thực hiện quy tắc 5K trong quá trình làm việc.
Ông Nguyễn Thanh Quyền nhìn nhận, tác động của đại dịch đã giúp doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, nhìn nhận lại xu hướng, tư duy chọn lựa sản phẩm đầu tư của khách hàng, từ đó tập trung nguồn lực đón đầu xu hướng mới, tạo ra những sản phẩm nhà ở chất lượng, tích hợp đa tiện ích, phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Tương tự, bên cạnh tăng cường giao dịch online, Trần Anh Group cũng đẩy mạnh phát triển các ứng dụng bán hàng, đặc biệt là các ứng dụng thực tế ảo nhằm mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Với công nghệ này, khách hàng sẽ không cần trực tiếp đến dự án mà vẫn cảm nhận được rõ nét căn hộ tương lai mình sẽ sở hữu.
“Covid-19 là lời cảnh tỉnh cao nhất đối với doanh nghiệp, không thể mải mê với chiến thắng mà luôn đặt mình ở tâm thế sẵn sàng ứng phó. Bản thân chúng tôi cũng vậy, ngay ở lần bùng phát dịch thứ 2, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên công ty và khách hàng. Do vậy, việc đẩy mạnh kinh doanh qua kênh online luôn được chúng tôi trú trọng”, ông Hà Văn Thiện - Phó Tổng giám đốc Trần Anh Group chia sẻ.
Tập đoàn Sunshine đang áp dụng công nghệ bán hàng qua Sunshine App. Theo đó, tất cả thông tin dự án, chính sách bán hàng… đều được đưa vào các ứng dụng và từ đây, nhân viên bán hàng có thể tư vấn trực tiếp 1-1, hoặc 1-2 cho khách hàng, chứ không cần phải tới buổi bán hàng tập trung.
Chủ tịch Sunshine Group - Đỗ Tuấn Anh cho hay, dự án xây dựng ứng dụng bán hàng đã được doanh nghiệp ấp ủ từ lâu nhằm giải quyết những điều mà thị trường Việt Nam còn thiếu trong thời gian qua. Đồng thời, đây là bước ứng dụng công nghệ để giảm chi phí nhân công, chi phí vận hành, từ đó giảm giá thành sản phẩm, đem giá trị thật tới tay từng khách hàng và từng mắt xích trong bộ máy.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc chuyển đổi số trong bất động sản có thể diễn ra nhanh hơn thông qua đại dịch Covid-19. Nhiều công ty nhận ra rằng việc hướng dẫn nhân viên, môi giới làm quen với phương pháp làm việc online là điều cần thiết ở mọi thời điểm.
Có thể thấy, dịch Covid-19 tuy không hề có trong kịch bản của các doanh nghiệp bất động sản nhưng nhờ khả năng chịu đau tốt, thích ứng tốt cùng sự nhanh nhạy đã giúp các doanh nghiệp trải qua nhiều chặng đường dù phải đối mặt không ít khó khăn. Vượt qua khó khăn lần này, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn và hướng đến giá trị bền vững, đồng thời tìm lại được niềm tin của khách hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo