Tài xế Grab đồng loạt tắt app, phản đối việc tăng giá cước, giảm thu nhập
Covid-19: Grab ra mắt dịch vụ GrabAssistant giúp người dân "Cách ly xã hội" đi chợ online / Ứng dụng gọi xe của người Việt đã sẵn sàng cạnh tranh với Grab, GoViet
Một tài xế phản ánh, họ đang kêu gọi đồng nghiệp tập trung để đòi hỏi quyền lợi của mình, do Grab cắt mức phí quá cao. Anh cho biết mỗi ngày, các tài xế phải chạy liên tục 15-16 giờ mới kiếm được khoảng 350.000 – 400.000 đồng. Giờ theo chính sách mới của Grab bị trừ 10% thuế VAT nữa thì thâm hụt thu nhập nặng nề.
Một khách hàng của Grab ở Hà Nội cũng cho hay, từ ngày 6/12 chị này rất bất ngờ khi đặt gọi Grab Giao hàng giá cước bỗng tăng vọt lên tới 60%. Cụ thể, 1 cuốc giao hàng từ Khương Đình về 115 Trần Duy Hưng, Thanh Xuân trước đây phí chỉ từ 18.000 - 20.000 đồng, thì nay tăng vọt lên 33.000 đồng. Tuy nhiên, để trấn an người dùng, mấy hôm nay Grab tung ra khá nhiều ưu đãi cho dịch vụ Grab Giao hàng với mã giảm từ 20-35%.
Nhiều tài xế Grab tắt ứng dụng để phản đối chính sách thuế mới của Grab. (Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc)
Trước đó, Grab vừa công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế, đồng thời tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc.
Theo thông báo của Grab Việt Nam cho biết, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi. Theo đó, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%), mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%. Chính sách này được áp dụng từ 11 giờ sáng ngày 5/12. Kể từ thời điểm đó, thuế VAT 10% và thuế TNCN 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe.
Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy đối tác.
Grab cũng đồng thời tăng giá các dịch vụ GrabCar từ trưa 5/12. Cụ thể, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2 km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tại TP.HCM, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Grab lý giải việc tăng giá là nhằm đảm bảo thu nhập cho đối tác GrabCar sau khi Nghị định 126 có hiệu lực. Các dịch vụ xe hai bánh của Grab gồm GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood cũng đã được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 12. Mức giá cho 2 km đầu giữ nguyên 12.000 đồng, nhưng giá tính trên mỗi km tiếp theo tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng ở các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Mức tăng tại một số tỉnh thành như TP.HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng và từ 300 đồng/phút (sau 2km đầu) lên 350 đồng/phút sau 2km đầu. Giá cước của dịch vụ GrabFood tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/3km đầu và giữ nguyên mức giá 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Mức giá trên chưa bao gồm phí sử dụng ứng dụng và phí đơn hàng nhỏ mà Grab quy định thu.
Đại diện Grab cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá cước một số dịch vụ lần này nhằm đảm bảo thu nhập cho tài xế. Trong trường hợp không tăng giá cước cơ bản, thu nhập đối tác tài xế sẽ giảm khoảng 7% một năm. "Mức tăng cước này đã được tính toán rất kỹ nhằm đảm bảo thu nhập đối tác tài xế không bị ảnh hưởng nhiều. Sau khi điều chỉnh cước, thu nhập của tài xế sẽ chỉ giảm khoảng 1% mỗi năm. Đồng thời, cước phí mới vẫn đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường", đại diện Grab nói.
Bên cạnh đó, Grab cho biết tăng giá cước cũng để tái đầu tư vào sáng kiến mới, giúp nghiên cứu mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, duy trì tính cạnh tranh của dịch vụ.
Tuy nhiên, một tài xế Grab tại Hà Nội chia sẻ rằng việc tăng giá cước có thể khiến nhiều khách hàng chuyển sang sử dụng ứng dụng gọi xe khác, từ đó khiến số lượng cuốc xe trong ngày giảm. "Thuế tăng đã khiến thu nhập của tài xế giảm rồi, giờ vắng khách nữa chắc tôi phải chạy xuyên đêm", anh này nói.
Trong khi đó, Gojek cho biết sẽ điều chỉnh nhưng đang phân tích tình hình thực tế. "Chúng tôi sẽ thông báo tới các đối tác tài xế và khách hàng sau khi có thông tin chi tiết hơn. Gojek cam kết luôn tuân thủ đúng và đầy đủ mọi quy định pháp luật tại bất kỳ thị trường nào mà Gojek có hoạt động", đại diện Gojek nói.
Theo ý kiến của một chuyên gia, thuế VAT 10% áp trên tổng doanh thu nhận từ khách hàng là hợp lý, sòng phẳng và công bằng với các ngành khác và đơn vị cùng ngành. Các hãng xe công nghệ sẽ có hai sự lựa chọn trong tình thế hiện nay. Một là tăng giá để bù khoản 7% thuế tăng thêm, hoặc không tăng giá để giữ khách. Với trường hợp thứ hai, hai bên bị ảnh hưởng sẽ là công ty vận hành app (Grab/Go-Jek...) và chủ xe, thiệt hại như thế nào và bao nhiêu tùy thuộc vào điều khoản cụ thể trong hợp đồng. "Nếu chủ xe thấy bất lợi, họ có quyền lấy xe ra và chuyển hãng khác hay hợp tác chạy taxi. Các hãng công nghệ muốn giữ thì phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này hơi khó xảy ra do mối quan hệ giữa chủ xe, lái xe và người tiêu dùng với Grab là không bình đẳng", vị chuyên gia nói.
Được biết, các tài xế tập trung biểu tình có ý định livestream và lên các nhóm mạng xã hội kêu gọi những tài xế Grab khác tham gia đấu tranh đòi quyền lợi. Lực lượng công an cũng được huy động để đảm bảo trật tự. Đại diện truyền thông Grab cho hay đã nắm được thông tin tài xế tập trung phản đối chính sách tăng thuế ở Hà Nội và sẽ cử người để giải thích thắc mắc cho tài xế.
Theo Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek... sẽ thay đổi. Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng gọi xe sẽ phải tính VAT 10% tương tự như dịch vụ taxi truyền thống. Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp (Grab, Gojek...) sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.
Grab thông báo điều chỉnh tăng chiết khấu với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc. Kể từ thời điểm 11 giờ ngày 5/12, thuế VAT 10% và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng trên mỗi chuyến xe. Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên với tùy từng đối tác. Theo đó, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km. Tương tự, giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút. Cùng với quyết định tăng giá cước, Grab cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike. Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%. Giả sử một cuốc xe có doanh thu 110.000 đồng, tài xế sẽ nhận về 80.000 đồng, số tiền bị khấu trừ là 30.000 đồng.
Với một cuốc xe có giá cước 110.000 đồng, 100.000 đồng trong đó được xem là doanh thu hợp tác và 10.000 đồng còn lại là thuế suất 10% của doanh thu hợp tác. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế VAT (10.000 đồng), doanh thu chia sẻ sẽ còn 100.000 đồng, với 80.000 đồng được chia cho tài xế và 20.000 đồng cho Grab. Không chỉ GrabBike, mức chiết khấu của Grab đối với tài xế GrabCar trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%. Grab cho biết tiến hành khấu trừ thuế VAT 10%, thuế thu nhập cá nhân 1,5% và phí sử dụng ứng dụng (20% hoặc 25%, không thay đổi) trên mỗi chuyến xe GrabCar. Nếu trước đây một cuốc xe có giá cước 100.000 đồng, tài xế GrabCar chịu phí sử dụng ứng dụng 20% và nhận về 76.400 đồng thì nay chỉ còn 71.636 đồng, thu nhập giảm khoảng 6,4%. Đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, thu nhập từ cuốc xe 100.000 đồng giảm từ 71.625 đồng xuống còn 67.159 đồng, cũng giảm khoảng 6,4%. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo