Thương mại điện tử Đông Nam Á có thể đạt 234 tỷ USD vào năm 2025
Xuất khẩu trực tuyến ngành F&B tăng vọt trong đại dịch / Phát triển “chợ online”, Vissan Mart bắt tay hãng giao hàng nhanh Borzo
Trong quý III/2021, iPrice Group đã thực hiện báo cáo nghiên cứu ba thị trường TMĐT tương đồng lần lượt ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia để tìm ra sự khác biệt trong xu hướng mua sắm online.
Shopee được truy cập nhiều nhất ở cả ba nước
Theo số liệu Quý III/2021 từ iPrice và SimilarWeb, Shopee, nền tảng thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghệ Sea có trụ sở tại Singapore, là nền tảng TMĐT đa ngành có thị phần về lượt truy cập cao nhất ở cả ba nước Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Tại Malaysia, lượt truy cập website Shopee chiếm đến 71% trong tổng số lượt truy cập trên tất cả các sàn TMĐT đa ngành có mặt trong bản đồ TMĐT Malaysia. Theo sau đó Lazada Malaysia với 18% và PG Mall là 9%.
Trong khi đó, theo bản đồ TMĐT Thái Lan thị phần về lượt truy cập tại nước này cho thấy sự phân chia giữa Shopee Thái Lan và Lazada Thái Lan. Cụ thể, hai nền tảng lần lượt chiếm là 57% và 35% trong tổng lượt truy cập. Theo sau đó là nền tảng Central Online chỉ với 2%.
Ở Việt Nam, sau nhiều quý liên tiếp dẫn đầu, số liệu Quý III/2021 cho thấy Shopee vẫn là đối thủ khó vượt mặt khi chiếm 57% trong tổng số lượt truy cập trên tất cả các sàn TMĐT đa ngành. Lazada Việt Nam và Tiki lần lượt chiếm 16% và 13%. Các nền tảng khác chia đều 14% còn lại trong bảng xếp hạng.
Một xu hướng thú vị được thấy ở cả ba quốc gia là các trang TMĐT nội địa lọt top 3 trang TMĐT đa ngành hàng đầu của mỗi nước. Tiki (Việt Nam), PGMall (Malaysia) và Central Online (Thái Lan) đã làm khá tốt trong việc tạo dựng thương hiệu tại các thị trường tương ứng.
Người Mã và người Việt tương tác thường xuyên Fanpage
iPrice nghiên cứu sự tham gia của người dùng vào các hoạt động truyền thông xã hội trên top ba trang Facebook thương mại điện tử đa ngành ở mỗi quốc gia từ Buzzsumo. Kết quả cho thấy người Việt tương tác thường xuyên cao hơn người Thái nhưng ít hơn người Mã.
Cụ thể, Việt Nam chiếm 36% người dùng tương tác trên trang Facebook thương mại điện tử. Dữ liệu cho thấy người dùng có xu hướng thả “like”, “love” và “haha” khi tương tác.
Malaysia có tỷ lệ tương tác cao nhất là 44% và thấp nhất là Thái Lan với chỉ 20%. Người Thái khi tương tác trên trang Facebook thương mại điện tử thường có xu hướng “like”, “share” và “love”. Điều này khá tương đồng với hành vi tương tác của người Mã với xu hướng lần lượt là “like”, “share” và “comment”.
Một báo cáo của Napoleon Cat cho biết 81% toàn bộ dân số Việt Nam là người dùng Facebook (tính đến tháng 10 năm 2021). Điều này cho thấy Facebook nắm giữ vai trò thiết yếu trong việc giúp các doanh nghiệp quảng bá hiệu quả tại Việt Nam.
Việt Nam kỳ vọng trở thành thị trường TMĐT lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á vào năm 2025
Theo dữ liệu từ iPrice Group, tổng lượt truy cập trung bình top 10 trang TMĐT Việt Nam đã gấp 2 lần Thái Lan và gần 3 lần Malaysia trong Quý 3 2021.
Báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Temasek (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore), Google và công ty tư vấn quản lý Bain & Company công bố cho thấy thị trường TMĐT Việt Nam đạt 13 tỷ USD trong năm 2021. Thị trường ước tính tiếp tục tăng trưởng 32%, ước tính đạt 39 tỷ USD trong năm 2025 và được kỳ vọng trở thành thị trường TMĐT lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Trong khi đó, Malaysia được dự báo mức tăng 8% và đạt 19 tỷ USD. Thái Lan đạt 35 tỷ USD với mức tăng 14% từ 21 tỷ USD vào năm 2025.
Như vậy, Việt Nam đã và đang trở thành một trong những “ngôi sao” trong thị trường TMĐT khu vực Đông Nam Á. Bước vào kỷ nguyên hậu COVID-19, khi mà tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một nếp sống mới và các nhà bán hàng kỹ thuật số ngày càng nhiều, thì quy mô thị trường TMĐT nước nhà cũng phần nào được tác động tích cực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo