Kinh tế số

Thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững

DNVN - Mặc dù thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, bao gồm dịch vụ hoàn tất đơn hàng, ghi nhận sự phát triển vượt bậc thời gian qua, tuy nhiên đã bộc lộ một số điểm chưa thực sự bền vững. Trong khi đó, các văn bản pháp luật về TMĐT lại thiếu khái niệm "xanh", bền vững, bảo vệ môi trường...

VECOM: Nhức nhối nạn rao bán động vật hoang dã trên Facebook, Lazada, Sendo, Tiki / Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội ra mắt sàn kinhdoanhdientu.vn

Phát triển nhanh

Theo giới chuyên gia, TMĐT trên thế giới cũng như ở Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với môi trường, đặc biệt là loại hình bán lẻ trực tuyến.

Tại diễn đàn hoàn tất đơn hàng 2023 với chủ đề "Hướng tới thương mại điện tử xanh" ngày 21/7, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, doanh thu TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa dịch vụ trên cả nước.

Một số nghiên cứu quốc tế đánh giá, TMĐT có thể gây tác động xấu tới môi trường cao hơn thương mại truyền thống. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, TMĐT, bao gồm dịch vụ hoàn tất đơn hàng, tác động ngày càng mạnh mẽ và tiêu cực tới môi trường. Chẳng hạn, các hình thức bán lẻ trực tuyến, gọi xe công nghệ, gọi đồ ăn công nghệ sử dụng một lượng đáng kể bao bì, đồ chứa từ nhựa và phát thải khí carbon.


TMĐT phát triển nhanh nhưng chưa bền vững.

"Tuy phát triển nhanh nhưng TMĐT Việt Nam đã bộc lộ một số điểm chưa thực sự bền vững, đặc biệt là tác động xấu đến môi trường. Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường. Khâu giao hàng, liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon. Còn khâu đóng gói như hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần đã tác động không nhỏ đến môi trường", bà Oanh nêu.

Trong bối cảnh TMĐT phát triển, vấn đề đặt ra là thân thiện môi trường hay bền vững được coi là công cụ quan trọng, hữu hiệu để giúp phát triển nền kinh tế xanh. Và các bên liên quan gồm cơ quan quản lý, DN, các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động phù hợp.

Thiếu quy định “xanh”

Ông Nguyễn Thanh Hưng, đại diện Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đánh giá, nhiều doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp quan tâm đến xu hướng xanh và đã có những hành động, việc làm cụ thể đôi khi còn nhanh hơn cả cơ quan nghiên cứu và quản lý. Trên thực tế, các văn bản pháp luật về TMĐT dường như chỉ chú trọng đến phát triển nhanh, mà "quên" khái niệm "xanh", bền vững, hay môi trường.

Trong khi đó, dẫn Luật Thương mại điện tử năm 2018 của Trung Quốc, ông Hưng cho biết, Trung Quốc đã có những điều khoản quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp TMĐT phải tuân thủ các yêu cầu môi trường, sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện. Luật này cũng ràng buộc trách nhiệm của Chính phủ và cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ phát triển hoạt động vận tải, kho bãi và đóng gói thân thiện với môi trường.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước ông Lã Hoàng Trung - Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng có góc nhìn tương tự. Theo ông Trung, chiến lược phát triển ngành bưu chính đến năm 2025 đặt ra 5 mục tiêu và 8 giải pháp. Dù vậy, khái niệm “xanh hóa”, “bảo vệ môi trường” cũng chưa hiện diện trong chiến lược này.

Do đó, Vụ trưởng Vụ Bưu chính kiến nghị, bổ sung các nội dung về bưu chính xanh, bưu chính bền vững trong các chính sách, khung pháp lý về bưu chính. Xây dựng các tiêu chí và hệ thống đo lường để đánh giá mức độ xanh. Hợp tác để thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn chung để bảo đảm tuân thủ và thúc đẩy phát triển bưu chính bền vững. Cùng với đó, cần đào tạo và nâng cao nhận thức về kiến thức, kỹ năng và quy trình xanh.

Ngoài ra, ông Trung khuyến nghị, trong ngắn hạn, để đạt hiệu quả ngay, cần phải đưa yếu tố tuân thủ bảo vệ môi trường vào quy định cấp phép cho doanh nghiệp TMĐT. Doanh nghiệp nên nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh hoá để giúp tối ưu hoá quản trị, vận hành, đào tạo về dịch vụ logistics xanh.

Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhằm hậu thuẫn cho việc ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế số và TMĐT bền vững, thân thiện môi trường cho những năm tới.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi về chiến lược phát triển TMĐT bền vững, kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn và hàm ý cho TMĐT cũng như bàn thảo về chính sách, giải pháp để dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng xanh hơn trong giai đoạn tới.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm