VECOM: Nhức nhối nạn rao bán động vật hoang dã trên Facebook, Lazada, Sendo, Tiki
DNVN - Theo Tổ chức TRAFFIC, vẫn tồn tại nhiều tin, bài quảng cáo, rao bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử nổi tiếng tại Việt Nam như Facebook, Lazada, Sendo, Tiki hay Zalo.
Bảo mật dữ liệu: Yếu tố "sống còn" trong kinh tế số / Doanh nghiệp vật liệu xây dựng, hóa chất chuyển đổi số
Rao bán tràn lan
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), sự phát triển liên tục và ngày càng mở rộng của thương mại điện tử (TMĐT) đã thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT như Sendo, Tiki, Shopee và mạng xã hội nhiều tương tác như Facebook, Zalo và TikTok.
Hàng hóa trong đó bao gồm cả động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) thuộc danh mục đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm hoặc hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Các sản phẩm của chúng như sừng tê giác, ngà voi, cao hổ cốt, vẩy tê tê... hiện đang được quảng cáo và rao bán công khai trên mạng internet.
Rao bán nhẫn ngà trên sàn Sendo.Nguồn:TRAFFIC Việt Nam - năm 2022.
Theo Báo cáo có tiêu đề “Da và Xương: Phân tích tình hình buôn bán hổ trái phép từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2022” do Tổ chức TRAFFIC – Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã biên soạn và công bố vào tháng 11/2022, 75% trong số 675 tài khoản mạng xã hội rao bán các sản phẩm từ hổ tại 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á đến từ Việt Nam.
Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và dễ dàng che dấu danh tính, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ và rất nhiều sản phẩm ĐVHD trên mạng Internet.
Thậm chí, để qua mắt quá trình kiểm tra (nếu có) của các sàn TMĐT hay các trang mạng xã hội và/hoặc cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã sử dụng các từ viết tắt, viết sai chính tả, từ lóng hoặc từ ám chỉ để rao bán các sản phẩm này.
Các báo cáo khảo sát thị trường trực tuyến do Tổ chức TRAFFIC Việt Nam thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy, có tới hàng nghìn tin, bài (post) quảng cáo, rao bán các sản phẩm có nguồn gốc từ tê giác, tê tê, voi, hổ rùa và các loài mèo lớn.
Số liệu cho thấy có sự gia tăng về số lượng tin, bài quảng cáo, rao theo thời gian từ năm 2021 đến năm 2022. Facebook và Zalo là hai nền tảng dẫn đầu về số lượng tin, bài quảng cáo, rao bán các sản phẩm này. Khảo sát cũng phát hiện vẫn còn tồn tại nhiều tin, bài quảng cáo, rao bán các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái phép trên các sàn TMĐT nổi tiếng tại Việt Nam như Tiki, Shopee, Sendo và Lazada.
Rủi ro với doanh nghiệp
Nhận thức được những rủi ro của hoạt động này đối với cộng đồng TMĐT, từ năm 2015, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam và Hiệp hội VECOM đã ký Thỏa thuận Hợp tác nhằm định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng TMĐT trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên.
Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 3000 doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT tiếp cận đến các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đấu tranh phòng chống các hoạt động buôn bán và sử dụng ĐTVHD trái phép trên mạng xã hội. Hơn 200 doanh nghiệp TMĐT đã ký cam kết không tham gia, tạo điều kiện và nói không với các hoạt động quảng cáo, rao bán ĐTVHD trái phép trong hoạt động kinh doanh của mình.
Rao bán sừng tê giác, vẩy tê tê trên Facebook. Nguồn:TRAFFIC Việt Nam - năm 2021 - 2022.
Theo VECOM, rủi ro pháp lý đang gia tăng đối với các đối tượng buôn bán ĐVHD trên Internet và các doanh nghiệp hoạt động trên mạng Internet nếu vô tình liên quan đến hoạt động này.
Trong giai đoạn tới, một trong những ưu tiên hàng đầu của VECOM là chủ động thực hiện các hoạt động có trách nhiệm với môi trường để giảm thiểu những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp mà TMĐT có thể gây ra đối với môi trường sống và cộng đồng xã hội góp phần tạo ra sự phát triển bền vững cho TMĐT Việt Nam.
VECOM và Tổ chức TRAFFIC sẽ tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông thay đổi hành vi để khuyến khích doanh nghiệp và doanh nhân trong cộng đồng TMĐT thực hiện quyết liệt hơn các hoạt động trách nhiệm xã hội đối với vấn đề này. Triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo quản lý rủi ro giúp doanh nghiệp TMĐT hiểu và biết cách phòng trách các rủi ro có liên quan đến buôn bán ĐTVHD trái phép thông qua các hoạt động hội thảo và khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về bảo vệ ĐTVHD.
Ngoài ra, Tổ chức TRAFFIC và VECOM cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Lazada hay Shopee sẽ cùng chung tay xóa bỏ các vi phạm về ĐVHD trên nền tảng thương mại của mình. Điều này góp phần hướng đến một môi trường kinh doanh “ảo” nhưng luôn hợp pháp, bền vững và an toàn cho tất cả các đối tượng tham gia. Và quan trọng hơn, giúp duy trì sự đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới truyền nhiễm từ động vật sang người và bảo vệ sự an toàn và phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo