Kinh tế số

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

DNVN - Ngày 9/10 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Thương mại điện tử Xuyên biên giới 2024. Sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling phối hợp tổ chức với chủ đề “Tăng tốc. Vươn tầm. Bứt phá thành công”.

Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng 30% GDP vào 2030 / Ericsson giúp các nhà mạng Việt Nam chuyển đổi liền mạch từ 4G sang 5G

Sự kiện diễn ra tại Hà Nội.

Chuyển đổi số cho đến nay đã trở thành xu thế tất yếu của quá trình phát triển, trong đó thương mại điện tử là một phần của chuyển đổi số. Áp dụng thương mại điện tử trong chuyển đổi số không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp có sản phẩm mà còn dành cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ngay cả khi họ không có sản phẩm để sản xuất, vận chuyển và giao hàng. Do vậy, cơ hội mà thương mại điện tử đem lại cho các doanh nghiệp là rất lớn.

Hội nghị nhấn mạnh các xu hướng phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, cập nhật các kết quả mới nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon và công bố trọng tâm chiến lược 2025 của Amazon Global Selling Việt Nam (tập trung nâng cao năng lực thương mại điện tử xuyên biên giới và cung cấp các nguồn lực cần thiết cho mục tiêu cất cánh toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam).

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, chia sẻ: “Với sự phát triển liên tục của thương mại điện tử toàn cầu cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với thương mại điện tử, bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn quốc tế".

Đồng hành cùng doanh nghiệp Việt, Amazon Global Selling Việt Nam tiếp tục cam kết hỗ trợ các nhà sản xuất, thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội để “Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu”.

Trong khuôn khổ sự kiện cũng đã diễn ra các phiên thảo luận, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cùng nhiều thông tin cập nhật về lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, tại Việt Nam, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử.

Với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay của thương mại điện tử xuyên biên giới cùng sự đồng hành của Chính phủ cũng như các đơn vị như Amazon Global Selling Việt Nam, nhiều cơ hội lớn đang mở ra cho các doanh nghiệp nước ta phát triển và bứt tốc mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số bền vững trong kỷ nguyên số.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây.


Thu Thủy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo