Kinh tế số

Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh không bình đẳng và câu chuyện “bảo hộ ngược” chưa có hồi kết

DNVN - Bất chấp dịch bệnh Covid-19 và sự đe dọa đến từ các nền tảng truyền hình Internet xuyên biên giới, thống kê doanh thu năm 2020 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.700 tỉ đồng, tăng 1,1% so với con số 8.600 tỉ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên số lượng thuê bao bị giảm 33.000 thuê bao.

CEO Clip TV: Cần tạo cơ chế để OTT TV nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp trong nước / “OTT xuyên biên giới đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm luật pháp Việt Nam”

Số lượng thuê bao giảm, doanh thu tăng nhẹ

Theo số liệu thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, năm 2020 Việt Nam hiện có 87 kênh phát thanh trong nước, 199 kênh truyền hình trong nước và 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng. Thống kê doanh thu năm 2020 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.700 tỉ đồng, tăng 1,1% so với con số 8.600 tỉ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm 2019, bất chấp dịch Covid-19 vẫn chưa bị đẩy lùi.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, mọi người đều nghĩ truyền hình trả tiền sẽ lên ngôi vì nhà nhà phải tuân thủ giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, ở nhà cách ly,.. theo yêu của Chính phủ, khi đó nhu cầu xem truyền hình và các dịch vụ giải trí sẽ tăng.

Các nền tảng OTT xuyên biên giới dần phổ biến với khách hàng từ thành thị đến nông thôn.

Nhưng thực tế một năm qua thì ngược lại, theo đại diện của một "ông lớn" trong ngành truyền hình trả tiền là truyền hình K+, Covid-19 đã khiến nhiều giải đấu thể thao lớn như Ngoại hạng Anh, EURO 2020 phải dừng hoãn, nên 6 tháng đầu năm, nhu cầu xem truyền hình giảm khá rõ. Khách hàng chỉ chủ yếu xem thời sự diễn biến Covid-19 và vài kênh miễn phí. Sự rời bỏ thuê bao, một phần là do suy giảm thu nhập nên khách hàng ngừng gia hạn để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, theo đại diện của K+, nguyên nhân chủ yếu còn là sự xuất hiện của nhiều kênh giải trí, app truyền hình, VOD xuyên biên giới như Netflix, iFlix,.. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay là sự gia nhập thị trường của iQIYI, WeTV, Disney+, Amazon..

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện cả nước có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao phát sinh cước phí hàng tháng. Việt Nam hiện có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền là: Truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet. Trong đó, có tổng cộng 10 triệu thuê bao truyền hình cáp (bao gồm tương tự, IPTV, số), 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động. Như vậy số lượng thuê bao truyền hình trả tiền năm 2020 đã tụt giảm 33.000 thuê bao so với năm 2019 và giảm gần 1,5 triệu thuê bao so với năm 2018, truyền hình trả tiền truyền thống đang đứng trước nguy cơ chưa từng có.

Thống kê số lượng khách hàng truyền hình trả tiền giai đoạn 2017 - 2020.

Thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho thấy, trong số 36 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình Internet. Đây là dịch vụ giúp đáp ứng xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động và xu hướng cá nhân hóa nội dung của người dùng.

Tính đến tháng 8/2020, đã có tổng cộng 30 triệu lượt tải và đăng ký ứng dụng xem truyền hình của các doanh nghiệp trong nước. Doanh thu của dịch vụ truyền hình OTT trong nước đã tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 2017-2020. Tuy vậy, về tỷ trọng doanh thu giữa truyền hình OTT khoảng 150 tỉ và truyền hình truyền thống gần 8.700 tỉ vẫn còn một khoảng cách. Con số này tuy chưa phải quá lớn so với cơ cấu doanh thu toàn thị trường, nhưng đã phản ánh một sự thay đổi lớn, khiến các nhà cung cấp khác phải tính toán lại con đường phát triển của mình.

Cạnh tranh không bình đẳng và câu chuyện “bảo hộ ngược” chưa có hồi kết

Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của 5 nền tảng xuyên biên giới hiện nay như Netflix, Apple TV, Amazon TV, WeTV (Trung Quốc),… đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính lên tới 800 tỉ đồng. Sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, các dịch vụ truyền hình trả tiền qua Internet (OTT) của các nền tảng xuyên biên giới này vẫn không chịu sự quản lý về nội dung, không thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí. Một cuộc đua không mấy sòng phẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền ngoại và nội diễn ra suốt 5 năm qua.

Netflix - Dịch vụ xem video trực tuyến đến từ nước Mỹ trong quý 1 năm 2020 đã tăng 60% lượng thuê bao tại Việt Nam so với cùng kỳ năm ngoái, nằm trong Top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến phổ biến tại Việt Nam chỉ đứng sau FPT Play. Trong khi đó, gần 1,5 triệu thuê bao truyền hình truyền thống bị giảm sau 2 năm 2018-2020. Những "kẻ lạ" đến sau nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần bất tuân mọi quy định tại đất nước sở tại.

Ông Lê Trọng Đức, Giám đốc sản phẩm FPT Play chia sẻ: “Các dịch vụ OTT xuyên biên giới không phải trả nghĩa vụ thuế, giúp cho họ có thể sử dụng nguồn ngân sách này cho việc đầu tư vào marketing cũng như sản xuất các nội dung gốc thu hút người dùng mà không chịu kiểm duyệt, cho phép họ có thể linh động hơn trong việc sản xuất nội dung. Nếu Nhà nước không hành động sớm hơn, quyết liệt hơn, thì sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp nội thua ngay trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Đại diện của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho biết: “Các doanh nghiệp nước ngoài thông qua ứng dụng truyền hình OTT xuyên biên giới có năng lực về mặt tài chính, có năng lực về làm nội dung khi vào thị trường Việt Nam cần phải hòa nhập và trao đổi hợp tác với các doanh nghiệp làm truyền hình trong nước để tuân thủ luật pháp và các chế tài của Việt Nam”

Thậm chí có quá nhiều mối nguy từ những nội dung không được biên tập, kiểm duyệt của các kênh xuyên quốc gia này, có thể kể đến loạt phim về chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, tuyên truyền nội dung kích động bạo lực, ma túy, khiêu dâm cho giới trẻ được chiếu trên Netflix như: Madam Secretary, After Porn End, 365 Days,... Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ những nội dung này. Tuy vậy, việc hậu kiểm chỉ là bước đi sau của cơ quan chức năng, khi sự đã rồi.

Thêm vào đó, có một sự thật là khi cơ quan quản lý Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ một nội dung nào đó, ứng dụng OTT ngoại này hiếm khi tỏ thái độ hợp tác nhiệt tình, mà thường chần chừ, kéo dài thời gian mới thực hiện gỡ bỏ theo yêu cầu. Và đáng nói là Netflix chỉ "đối phó" khi gỡ bỏ không cho video đó hiển thị ở thị trường Việt Nam, còn lại vẫn hiển thị ở các thị trường khác trên toàn cầu.

Các ứng dụng OTT xuyên biên giới còn chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Đại diện của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, các hoạt động kiểm tra đối các dịch vụ truyền hình nền tảng xuyên biên giới đã được Cục làm thường xuyên trong thời gian qua. Nhưng thời gian tới Cục sẽ tăng cường hơn nữa để có một cái giải pháp hữu hiệu hơn, dù là nền tảng nội dung xuyên biên giới khi vi phạm thì vẫn phải bị xử lý và phải tuân thủ luật pháp quốc gia.

Tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn cho rằng, việc các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, cũng như tuân thủ các quy định khác của luật pháp, trong khi đó một số nền tảng xuyên biên giới không thuế, không luật pháp, dẫn đến việc cạnh tranh không cân bằng. Khiến dư luận bức xúc gọi là câu chuyện “bảo hộ ngược”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc phải sớm sửa đổi Nghị định 06/2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet để quản lý nền tảng xuyên biên giới. Hiện Bộ TT&TT đã soạn thảo xong nghị định và đang trình Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó Bộ TT&TT cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung ban hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới.

Rõ ràng cuộc chiến giành thị phần của truyền hình trả tiền hiện nay cần có sự thay đổi về chính sách quản lý để tránh “bảo hộ ngược”, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thông qua các giải pháp đấu tranh pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật, hy vọng thời gian tới sẽ sớm lấy lại sự cân bằng, đảm bảo vị thế của các doanh nghiệp trong nước. Và quan trọng hơn hết là ngăn chặn hiệu quả nội dung truyền hình vi phạm pháp luật cung cấp đến người sử dụng tại Việt Nam.

Trung Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo