Xã hội số

CEO Clip TV: Cần tạo cơ chế để OTT TV nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp trong nước

DNVN - Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, để quản lý thị trường OTT TV thì chính sách phải vừa tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài có thể hoạt động tại Việt Nam, vừa tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp tác, chuyển giao và học tập từ các đơn vị nước ngoài để cùng khai thác thị trường.

Hiệp hội Truyền hình cầu cứu Thủ tướng ngăn chặn sự "bành trướng" của dịch vụ OTT xuyên biên giới / Dịch vụ OTT xuyên biên giới thu 1.000 tỷ ở Việt Nam, nhưng chưa chịu nộp thuế

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề “bảo hộ ngược” trong lĩnh vực nội dung số và truyền hình trả tiền đã làm nóng nghị trường. Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận một số nền tảng xuyên biên giới đang khai thác thị trường ở Việt Nam nhưng không chấp hành các quy định của Việt Nam như: Không thuế, không luật pháp, cạnh tranh không cân bằng, cụ thể về truyền hình trả tiền.

Trước đó, vào tháng 7/2020, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã công văn kêu cứu gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nhà nước xem xét và có chủ trương, biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của các nhà cung cấp OTT trực tuyến xuyên biên giới đã và đang xâm nhập thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, một nhà cung cấp dịch vụ OTT TV (dịch vụ truyền hình qua Internet) của Việt Nam về vấn đề quản lý dịch vụ OTT xuyên biên giới như thế nào cho hiệu quả.

Thưa ông, việc các ứng dụng OTT TV nước ngoài ngày càng bành trướng hơn khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta nhưng không tuân thủ pháp luật Việt Nam đã được nói đến từ nhiều năm nay. Theo quan điểm của ông, có phải các doanh nghiệp xuyên biên giới đang xâm phạm chủ quyền không gian mạng của nước ta hay không?

Ông Phan Thanh Giản: Khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm như phát thanh truyền hình, thì đòi hỏi các doanh nghiệp xuyên biên giới phải tuân thủ luật của Việt Nam bao gồm các quy định về thuế, nội dung và giấy phép giống như các doanh nghiệp Việt Nam khác đang thực hiện.

Các OTT nước ngoài đang cung cấp nhiều nội dung chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thu tiền của người dùng Việt Nam nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế và cung cấp dịch vụ khi chưa có giấy phép. Theo tôi, các doanh nghiệp xuyên biên giới này cần phải tuân thủ các quy định về pháp lý trước khi cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ Việt Nam.

Hành vi xâm phạm chủ quyền không gian mạng đã làm thiệt hại cho các doanh nghiệp OTT trong nước như thế nào?

Trước hết là việc các doanh nghiệp trong nước phải đóng thuế và phí doanh thu từ khách hàng. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài chưa đóng. Với thế mạnh về tài chính, công nghệ và nội dung và lại được tự do hơn sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp trong nước vốn đã rất yếu. Nguy cơ thua trên sân nhà là hiện hữu.

Ông Phan Thanh Giản - CEO Clip TV.

Ông Phan Thanh Giản - CEO Clip TV.

Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục ra khuyến cáo người dân không sử dụng các dịch vụ OTT nước ngoài, nhưng thực tế các ứng dụng này vẫn cung cấp dịch vụ vào Việt Nam với lượng người xem và doanh thu ngày càng tăng. Theo số liệu chưa chính thức, thuê bao OTT TV nước ngoài hiện lên tới con số 1 triệu, doanh thu từ thị trường Việt Nam lên tới 1.000 tỷ đồng. Vậy theo ông, phải dùng những biện pháp cứng rắn như thế nào để có thể yêu cầu các OTT ngoại tuân thủ pháp luật Việt Nam thay vì nhà nước chỉ ra khuyến cáo?

Trước hết hành lang pháp lý phải đủ sức mạnh răn đe, tuy nhiên Việt Nam đang hội nhập quốc tế rất sâu rộng, nên việc hợp tác để cung cấp dịch vụ OTT TV phải vừa phù hợp pháp luật, vừa đảm bảo lợi ích của khách hàng. Nên cần có cơ chế để đảm bảo các doanh nghiệp xuyên biên giới hợp tác được với các doanh nghiệp nội địa để cung cấp được một dịch vụ hoàn chỉnh nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến chuyện “bảo hộ ngược” cho các doanh nghiệp xuyên biên giới nói chung. Vậy theo ông, nếu để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng thì cần phải có những chính sách quản lý cụ thể như thế nào?

Các doanh nghiệp nước ngoài khi khai thác tại thị trường Việt Nam cũng phải thực hiện các nhiệm vụ như các doanh nghiệp trong nước từ thuế/giấy phép và nội dung. Và để Việt Nam phát triển được được tốt, các doanh nghiệp nước ngoài với thế mạnh và kinh nghiệm của mình có thể cùng doanh nghiệp trong nước, dưới sự điều hành của chính sách, có thể vừa tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài có thể hoạt động tại Việt Nam, vừa tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp tác, chuyển giao và học tập từ các đơn vị này để cùng khai thác thị trường. Đối với khách hàng thì có thêm nhiều nội dung phong phú, đối với Chính phủ có thể quản lý và tránh được thất thu thuế.

Ông có thể nêu ra những khó khăn của OTT trong nước và các kiến nghị về chính sách với nhà nước?

OTT TV trong nước hiện đang gặp nhiều khó khăn từ việc thu hút người dùng bằng công nghệ, nội dung và đặc biệt là giá cả. Trong lĩnh vực sản xuất nội dung mang văn hóa Việt thì cần nhà nước hỗ trợ, ủng hộ khuyến khích bằng các chính sách cụ thể để phát triển mạnh nội dung thuần Việt thay vì phải đi mua và nhập khẩu nội dung với giá rất cao và rất khó kiểm soát nội dung.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo