Kinh tế số

Vải thiều, dưa hấu, hành tím, mít Thái tiêu thụ mạnh trên sàn thương mại điện tử

DNVN - Vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình, hành tím Sóc Trăng, mít Thái ở Đồng bằng sông Cửu Long… đang được tiêu thụ khá mạnh trên các sàn thương mại điện tử của Vietnam Post và Viettel Post.

Bình Phước: 50 start up Việt - Úc giao lưu trực tuyến để săn cơ hội đưa hàng nông sản Việt vào Úc / Sơn La: Nhiều hộ kinh doanh muốn bán nông sản trên sàn thương mại điện tử

Nhiều đặc sản vùng miền có mặt trên sàn thương mại điện tử

Tiếp nối chương trình hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ số, làm quen với phương thức kinh doanh mới - bán hàng qua sàn thương mại điện tử tại Hải Dương, từ 10/5, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã khởi động chiến dịch hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản có tính mùa vụ.

v

Thống kê của Vietnam Post cho thấy, trong khoảng thời gian từ khi dịch bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, lượng đơn hàng trên Postmart đạt trung bình 1.000 đơn/ngày, gấp 2,5 lần so với giai đoạn trước. (Ảnh: Internet)

Vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình và mít Thái ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là ba loại nông sản được Vietnam Post chọn đưa lên tiêu thụ qua sàn Postmart. Đây là giải pháp vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ nông dân đưa nông sản có tính mùa vụ lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ. Đặc thù của nông sản mùa vụ thường là hàng tươi sống, thời gian thu hoạch và sử dụng không dài. Do đó, nếu người dân tạo thói quen ứng dụng công nghệ để bán và vận chuyển sẽ giúp sản phẩm đến tay người dùng một cách nhanh nhất.

Tương tự, Viettel Post đang hỗ trợ bà con nông dân Sóc Trăng tiêu thụ sản phẩm hành tím qua sàn Vỏ Sò. Tính đến nay, sản lượng hành tím Sóc Trăng được tiêu thụ qua Vỏ Sò đã đạt gần 30 tấn, với hơn 12.000 đơn hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân: sản phẩm ứ đọng, bị thương lái ép giá, được mùa mất giá…

Nông dân làm quen với bán hàng online

Dịch Covid-19 gây khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu nhưng cũng được nhận định là cú huých cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số khi người dân gia tăng tần suất dùng thương mại điện tử, thanh toán số. Do đó, nông dân không thể đứng ngoài cuộc, cần thúc đẩy mạnh mẽ để các hộ dân nhanh chóng làm quen với phương thức kinh doanh qua sàn thương mại điện tử.

 

Thống kê của Vietnam Post cho thấy, trong khoảng thời gian từ khi dịch bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, lượng đơn hàng trên Postmart đạt trung bình 1.000 đơn/ngày, gấp 2,5 lần so với giai đoạn trước. Các mặt hàng được người tiêu dùng đặt hàng nhiều hơn cả là đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP (sản phẩm có tính truyền thống, lợi thế của các địa phương). Với Viettel Post, lượng đơn hàng trên Vỏ Sò tăng gần 2 lần trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc sản.

Từ kinh nghiệm có được từ đợt hỗ trợ nông dân Hải Dương hồi tháng 3/2020, cả Vietnam Post và Viettel Post đều cho rằng, để nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số cho nông dân cần hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”: cử nhân viên xuống tận trang trại, nhà vườn, hợp tác xã… để trực tiếp hướng dẫn bà con cách tạo tài khoản, livestream, viết nội dung giới thiệu sản phẩm và vận hành gian hàng.

Bên cạnh việc khó khăn trong tiếp cận bà con do vẫn nặng tư duy, cách làm cũ, các sàn TMĐT của doanh nghiệp bưu chính còn nhận thấy nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa được sản xuất, nuôi trồng theo quy chuẩn kiểm soát chất lượng.

Bộ TT&TT dự kiến sẽ làm việc với Bộ NN&PTNT để mở rộng việc đưa sản phẩm nông nghiệp sạch lên các sàn Postmart, Vỏ Sò.

 Vỏ Sò đang cung cấp công cụ đặt đơn trước, mua chung, flash sales, giúp người bán gom trước một số lượng lớn đơn hàng để vận chuyển theo lô, từ đó giảm chi phí trên một đơn hàng

Vỏ Sò đang cung cấp công cụ đặt đơn trước, mua chung, flash sales, giúp người bán gom trước một số lượng lớn đơn hàng để vận chuyển theo lô, từ đó giảm chi phí trên một đơn hàng

 

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng đề nghị các sàn cần xây dựng thêm tính năng để gắn giá trị sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng gia đình nông dân. Việc này góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm bà con cung cấp tới người tiêu dùng, thông qua các sàn TMĐT. Đồng thời, người tiêu dùng có thể biết rõ nguồn gốc và an tâm về chất lượng khi lựa chọn sản phẩm.

Theo đại diện Vietnam Post, Postmart đã khởi động xây dựng tính năng “Bảo trợ thương hiệu” (Postmart Mall), sẽ triển khai thử nghiệm trước khi cung cấp chính thức vào khoảng cuối năm 2021. Ngoài ra, Postmart dự kiến thực hiện các chương trình hỗ trợ người nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm của cá nhân và hộ kinh doanh cá thể. Cụ thể, Postmart hướng dẫn, trang bị cho nông dân kiến thức cơ bản về nhận diện thương hiệu (nhận diện hình ảnh, bộ logo, màu sắc cho bao bì sản phẩm); hỗ trợ tạo landing page bán hàng cá nhân cho hộ nông dân.

Hiện tại, sàn Vỏ Sò đang cung cấp công cụ đặt đơn trước, mua chung, flash sales, giúp người bán gom trước một số lượng lớn đơn hàng để vận chuyển theo lô, từ đó giảm chi phí trên một đơn hàng. Bên cạnh việc được khai thác tối đa lợi thế mạng lưới logistics thông minh của Viettel Post để trữ hàng theo nhu cầu, tần suất tại địa phương, sàn Vỏ Sò cũng đã có kế hoạch đầu tư thêm kho lạnh, xe lạnh để đảm bảo giữ được độ tươi ngon cho nông sản.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm