Kinh tế số

Việt Nam có chậm chân trong cuộc đua 5G?

DNVN - Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đã trả lời phỏng vấn riêng Doanh nghiệp Việt Nam về triển khai và khai thác tiềm năng của công nghệ 5G thông qua băng tần sóng milimet (mmWave), đồng thời chia sẻ quan điểm các nhà mạng Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện gì để có thể nhanh chóng thương mại hóa 5G.

"Thai nghén" Make in Vietnam và thương mại hóa 5G diện rộng / Viettel khai trương mạng 5G tại tỉnh Bình Phước

Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia .

Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia.

Thưa ông, mới đây Viettel đã công bố kết quả thử nghiệm mạng 5G đạt tốc độ 4,7 Gb/giây, đây có thể nói là tốc độ kỷ lục không chỉ ở Việt Nam mà còn là kỷ lục ở châu Á. Tốc độ 4,7 Gb/giây cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp hơn 2 lần tốc độ 5G hiện có. Ông có thể cho biết các sáng kiến của Qualcomm trong việc hỗ trợ các nhà mạng trong nước như Viettel để đẩy mạnh tiến độ triển khai mạng 5G tại Việt Nam?

Ông Thiều Phương Nam: Giữa Qualcomm và Viettel có các dự án hợp tác từ nhiều năm để phát triển dịch vụ di động. Qualcomm đã cung cấp chip 3G, 4G nay là 5G cho Viettel. Viettel là đối tác quan trọng của Qualcomm ở Việt Nam, năm 2018 hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chia sẻ bản quyền công nghệ trong đó có 5G.

Hợp tác phát triển 5G vừa qua nằm trong thỏa thuận chung của Qualcomm triển khai về 5G giữa hai bên, bao gồm việc triển khai 5G trên băng tần sóng cực ngắn (mmWave). Kết quả thử nghiệm 5G mmWare đạt tốc độ kỷ lục ở trên môi trường thật ở một số khu vực nhất định của Việt Nam với tốc độ 4,7 Gb/giây không chỉ là kỷ lục chỉ ở Việt Nam mà còn là kỷ lục của châu Á.

Trong dự án này, Qualcomm cung cấp thiết bị đầu cuối sử dụng bộ vi xử lý Snapdragon® X60, cho cả smartphone và trên các thiết bị kết nối Internet cho gia đình, laptop 5G. Hạ tầng thiết bị vô tuyến sử dụng của Ericsson, dịch vụ được triển khai trên hạ tầng mạng của Viettel.

 

Nhóm nghiên cứu của Viettel, Ericsson và Qualcomm Technologies đã sử dụng công nghệ kết nối kép vô tuyến E-UTRA New Radio Dual Connectivity (EN-DC) tiên tiến nhất thế giới trên 800Mhz băng tần sóng cực ngắn (mmWave) giúp tăng tốc độ và mở rộng phạm vi phủ sóng 5G.

Kết quả thử nghiệm này là cột mốc kỷ lục quan trọng mở ra cơ hội kinh doanh mới cho 5G mmWare tại Việt Nam. Ví dụ, nhà mạng có thể cung cấp Internet băng rộng cao, siêu cao mà không cần chạy dây. Ở Việt Nam hiện nay số lượng gia đình kết nối Internet cáp quang chưa nhiều, vào khoảng 40%, còn lại dùng công nghệ kết nối cũ như cáp đồng trục tivi, cáp đồng ADSL nên tốc độ Internet không cao. Trong đại dịch COVID-19 thì nhu cầu sử dụng Internet tại nhà của người dân tăng rất mạnh, khi con cái ở nhà học trực tuyến, bố mẹ làm việc trực tuyến, nên cần có đường truyền Internet tốc độ cao để đảm bảo nhu cầu sử dụng. Với tốc độ 5G 4,7 Gb/giây có thể cung cấp cho các gia đình, các doanh nghiệp đường truyền Internet tốc độ cao mà không cần chạy cáp quang.

Có thể nói đây là mảng kinh doanh rất tiềm năng ở Việt Nam. Bởi ở Việt Nam không chỉ các vùng sâu, vùng xa, mà kể cả TP lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có nhiều nơi, nhiều con hẻm nhỏ nhà mạng không đưa cáp quang vào được, mở ra cơ hội mới cho dịch vụ 5G.

5G mmWare còn mở ra các mảng kinh doanh khác ngoài smartphone. Mạng 5G với tốc độ siêu cao là nền tảng xây dựng nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh… 5G có thể đi vào các khu công nghiệp, triển khai trong nhà máy thông minh, nơi mà các nhà máy sản xuất công nghệ cao tiên tiến dùng robot độ trễ thấp phải dùng 5G. Hoặc ứng dụng trong các sự kiện thể thao lớn như các trận bóng đá. Viettel có thể cung cấp dịch vụ video 360 độ, người xem trong sân có thể xem được 8 góc quay khác nhau đặt trong sân vận động, theo thời gian thực có độ phân giải 4K cùng lúc. 5G rất phù hợp cung cấp hạ tầng cho các sự kiện thể thao lớn nhưng bóng đá, ca nhạc mà sân vận động có chục ngàn hay trăm ngàn người.

Đây là các ví dụ về các dịch vụ mới mà công nghệ 5G mmWare mang lại cho nhà mạng, sự kiện vừa rồi là dấu mốc rất quan trọng. 5G cung cấp trên sóng mmWave thúc đẩy các khách hàng sử dụng mới và cải thiện trải nghiệm người dùng.

 

Viettel đã thử nghiệm thành công 5G với tốc độ 4,7 Gb/giây, đạt kỷ lục châu Á.

Viettel đã thử nghiệm thành công 5G với tốc độ 4,7 Gb/giây, đạt kỷ lục châu Á.

Nếu ngay khi dịch COVID-19 làm đảo lộn đời sống xã hội mà 5G đi vào được các hộ gia đình, các khu công nghiệp sẽ phát huy hiệu quả của công nghệ. Song hiện nay, Việt Nam mới chỉ thử nghiệm 5G trên diện hẹp ở một số tỉnh. Vậy theo quan điểm của ông, các nhà mạng Việt Nam còn thiếu những điều kiện gì để có thể thương mại hóa 5G đến cho người dân?

Ông Thiều Phương Nam: Trước hết tôi xin cập nhật sự phát triển 5G trên thế giới. Dịch COVID-19 cho thấy hạ tầng kết nối là điều kiện rất quan trọng để thế giới phát triển bền vững,nhờ kết nối mới giúp thế giới có thể vượt qua đại dịch, kết nối giúp cho con người có thể làm việc từ xa, học tập từ xa. COVID-19 cho thấy hạ tầng kết nối là điều kiện then chốt để phát triển bền vững, với Việt Nam hạ tầng kết nối còn giúp thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Có thể khẳng định 5G là hạ tầng cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi số.

 

Trong hai năm qua 5G phát triển vượt bậc so với dự báo trước đó, COVID-19 thúc đẩy 5G phát triển nhanh hơn dự kiến. Tính đến nay có 165 nhà mạng viễn thông triển khai 5G thương mại trên 65 nước, số lượng người sử dụng 5G cũng tăng trưởng vượt dự báo.

Qualcomm cung cấp chipset không đủ cho mảng phát triển 5G. Năm nay được dự báo có gần 1 tỷ kết nối 5G, năm 2022 là 3 tỷ kết nối và năm 2025 là 6 tỷ kết nối. Với tốc độ này 5G tăng nhanh hơn gấp đôi so với tốc độ phát triển 4G. Lý do là các quốc gia đều nhận thấy xây dựng hạ tầng kết nối và 5G rất quan trọng cho các quốc gia chuyển đổi số, ứng dụng kết nối cho hoạt động online, đặc biệt trong đại dịch COVID-19.

Việt Nam là 1 trong những nước triển khai 5G khá sớm trong khu vực và trên thế giới.Việt Nam trong đó có Viettel bước vào chuẩn bị và thử nghiệm 5G từ cuối 2019 - hồi đó là khá sớm, đến năm 2020 triển khai trên diện hẹp, và hiện đang chuẩn bị mở rộng mạng 5G.

Việt Nam triển khai 5G khá sớm, song còn nhiều việc phải làm để đưa 5G đến người dân và doanh nghiệp nhiều hơn, cần phải mở rộng nhiều hơn nữa độ phủ của mạng lưới. Theo tôi, Việt Nam cần phải lưu ý các việc phải làm để có thể thương mại hóa 5G nhanh hơn.

Thứ nhất, tài nguyên băng tần, 4G chỉ dùng băng tần trung, 5G có thể dùng cả băng tần trung - thấp - cao. Băng tần phải đủ các nhà mạng mới cung cấp được 5G với chất lượng như kỳ vọng, 5G phải nhanh gấp 5-10-20 lần 4G. 5G không nhanh hơn 4G thì không có ý nghĩa, muốn thế thì băng tần phải đủ.

 

Thứ hai, về mặt công nghệ, bây giờ so với 2019 đã chín muồi rồi, công nghệ đã được chứng minh, nhiều nhà mạng trên thế giới đã cung cấp 5G thành công rồi, do đó công nghệ không phải là vấn đề lớn, vậy các nhà mạng cần phải có bài toán kinh doanh thế nào. 5G là dịch vụ đầu tư mới, kỳ vọng 5G cung cấp không chỉ có người dùng smartphone, mà phải mở rộng ra các lĩnh vực mới, như trong nhà máy thông minh, thành phố thông minh, trong các sự kiện thể thao. Do đó nhà mạng phải chuẩn bị được các giải pháp, 5G phải đi chung với giải pháp IoT, AI. Nhà mạng xây dựng mạng lưới là bài toán, đầu tư là bài toán song phải có các dịch vụ mới thì việc triển khai 5G mới thành công.

Điều kiện thứ ba, khá giống với 4G, thiết bị đầu cuối 5G phải nhiều và rẻ, nhà mạng phủ sóng 5G người dân phải có thiết bị nhiều và rẻ để sử dụng. Qualcomm đã đưa các giải pháp chipset tầm trung, như chipset Snapdragon®480 thì nhà cung cấp điện thoại có thể sản xuất ra smartphone 5G có giá chỉ 200 USD. Sự sẵn sàng của thiết bị đầu cuối là yếu tố quan trọng để triển khai 5G. Thiết bị đầu cuối không chỉ là điện thoại thông minh, mà còn cần có các thiết bị khác kết nối 5G tại nhà, laptop 5G. Ứng dụng trong môi trường 5G, nhà máy thông minh phải có robot 5G, có camera AI 5G, các thiết bị phải sẵn sàng. Khi đó nhà mạng triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ, các ứng dụng mới nhiều, nhanh và thành công.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, kể cả các tỉnh miền núi đã đề nghị cho phép triển khai thử nghiệm 5G, theo quan điểm của ông, với điều kiện ở Việt Nam nên có lộ trình cung cấp dịch vụ 5G như thế nào? Nên tập trung vào những phân khúc thị trường nào?

Ông Thiều Phương Nam: Theo tôi 4G và 5G sẽ cùng tồn tại trong thời gian dài ở Việt Nam. 4G tiếp tục là hạ tầng di động diện rộng, cung cấp dịch vụ cho đại đa số người dân. 5G cung cấp ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhu cầu kết nối sử dụng dữ liệu cao hơn, hoặc các nơi cần xây dựng giải pháp sử dụng 5G. Ví dụ các thành phố công nghiệp cần 5G trong những ngành công nghệ cao, kết nối tại các nhà máy thông minh cần 5G.

4G và 5G sẽ cùng tồn tại, 4G cung cấp cho đại đa số người dân. 5G cung cấp cho các dịch vụ ở lớp cao hơn, nhà máy thông minh, ô tô thông minh.

 

Ở các nước đã triển khai 5G rồi thì nhà mạng có chính sách giá cước cho người dùng như thế nào?

Ông Thiều Phương Nam: Về giá cước cho người dùng 5G được tính theo gigabyte, giá cước 5G cần phải đi xuống. Đa số các nhà mạng ở thế giới khi đưa ra gói cước thì họ không phân biệt giữa 5G hay 4G, mà họ bán gói cước 10Gb hay 20Gb, 50Gb, 100Gb, họ không nói tôi bán các gói 5G hay 4G.

Thực tế 5G giúp hạ giá dịch vụ data, giá thành 1Gb chạy trên mạng 5G sẽ rẻ hơn 4G, nhà mạng có thể giữ nguyên mức giá cước hàng tháng nhưng người dùng được sử dụng data được nhiều hơn. Ví dụ, thông thường tôi trả X đồng để có 10Gb, thì với 5G tôi có thể mua X đồng được 20Gb. 5G giúp cho giá của data đi xuống, không phải đi lên.

Ông có thể cho biết đầu tư cho hạ tầng 5G giá đầu tư có quá cao hay không? Khi Việt Nam triển khai 5G có thể tận dụng được hạ tầng 4G hiện tại như thế nào?

Ông Thiều Phương Nam: 5G đã được triển khai trên diện rộng ở nhiều nước, giá đầu tư hạ tầng mạng phụ thuộc vào việc triển khai trên thế giới. Với số lượng trạm trên thế giới số lượng cao, giá thành của trạm sẽ đi xuống. Ở thời điểm này, 5G trên thế giới rất nhiều rồi, chi phí đầu tư 5G là chín muồi rồi.

 

Nhà mạng có thể tận dụng hạ tầng có sẵn của 4G, khi làm 5G có thể tận dụng các hạ tầng có sẵn như các trạm, mặt bằng có sẵn chỉ cần mang thiết bị 5G tới cài không cần xây dựng mới, hạ tầng truyền dẫn cũng có thể tận dụng dùng chung được. 5G nhu cầu truyền dẫn cao cần nâng cấp, nhưng có thể tận dụng một phần của truyền dẫn 4G.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm