Kinh tế số

Việt Nam có thể giải “cơn khát” chip bán dẫn trên toàn cầu?

DNVN - Khan hiếm chip đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu, sản xuất xe hơi bị đình trệ và tác động xấu tới các hãng điện tử tiêu dùng. Dự đoán tình trạng này còn kéo dài đến năm 2022. Việt Nam sẽ làm gì để đối phó với khủng hoảng và tìm cơ hội phát triển mới?

Viettel, VNPT, FPT, Vingroup lao vào cuộc chơi sản xuất chip và thiết bị 5G / Viettel hợp tác với ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu và sản xuất chip 5G

Nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề

Sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành động lực chính của công nghiệp điện tử; chất bán dẫn trở thành nguyên liệu không thể thiếu cho nhiều thiết bị điện tử cũng như hạ tầng xã hội và hỗ trợ tích cực cho cuộc sống. Chất bán dẫn là thành phần cơ bản trong các thiết bị kỹ thuật số, cấu thành nên những con chip nhỏ và siêu nhỏ trong các linh kiện điện tử có mặt trong điện thoại thông minh, ô tô tự lái, thậm chí cả công nghệ trí tuệ nhân tạo hay trung tâm dữ liệu…

Chính vì vậy, ngành công nghiệp bán dẫn hay còn gọi là vi mạch điện tử được đánh giá là một trong những ngành quan trọng nhất với doanh thu hàng trăm tỷ USD và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều nước. Các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều dành chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này nhằm xây dựng năng lực tự chủ quốc gia.

Ngành công nghiệp bán dẫn được tạo nên từ hàng trăm loại chip khác nhau, có loại lên tới hơn 1.000 USD/đơn vị. Giờ đây, sự sụp đổ của hàng loạt linh kiện dường như kém quan trọng, chẳng hạn chip quản lý năng lượng, đang phá hủy nền kinh tế toàn cầu. Những hãng xe như Ford Motor, Nissan Motor, Volkswagen đều phải thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn tới tổn thất ước tính 60 tỷ USD trong năm nay. Samsung Electronics cảnh báo “mất cân bằng nghiêm trọng” trong ngành, còn TSMC thừa nhận không thể theo kịp nhu cầu dù chạy hơn 100% công suất.

Trước dịch Covid-19, ngành bán dẫn dự đoán tăng trưởng 5% hàng năm trong 5 năm, song hiện nay dự đoán tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi.

Trước dịch Covid-19, ngành bán dẫn dự đoán tăng trưởng 5% hàng năm trong 5 năm, song hiện nay dự đoán tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi. (Ảnh minh họa: Internet)

Khủng hoảng chip phát sinh từ tính toán sai lầm đầu mùa dịch. Khi Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc lan ra toàn cầu, nhiều công ty dự đoán người dân sẽ cắt giảm chi tiêu. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Nhiều người mắc kẹt ở nhà liên tục mua sắm sản phẩm công nghệ. Làm việc từ xa, học trực tuyến, nhu cầu giải trí trong thời gian giãn cách… tất cả đều khiến nhu cầu về chip bán dẫn tăng vọt. Các hãng xe hơi mắc sai lầm khi thông báo nhà cung ứng ngừng vận chuyển linh kiện, bao gồm cả những con chip ngày càng cần thiết với ô tô.

TSMC của Đài Loan là cái tên nổi danh nhất với 54% thị phần chip bán dẫn toàn cầu vừa công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm để tăng công suất. Intel, công ty sản xuất và thiết kế chip riêng, tuyên bố gia công chip cho khách hàng bên ngoài, họ sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào các nhà máy tại Mỹ. Intel nổi tiếng với công nghệ hiện đại, sản xuất các con chip có bóng dẫn nhỏ nhất với mật độ dày đặc, dành cho vi xử lý máy tính hay smartphone.

Phần lớn tiền đầu tư của các hãng gia công chip để phát triển con chip hiện đại nhất, nhanh nhất. Tất cả đã thay đổi từ năm 2020 khi dịch bệnh hoành hành, dẫn đến doanh số thiết bị điện tử như laptop, màn hình, máy chơi game tăng mạnh. Các sản phẩm này cần nhiều chip bổ sung, không chỉ vi xử lý, khởi nguồn cho tình trạng khan chip, nhấn mạnh nhu cầu tăng công suất chip “giàu tính năng”. Smartphone và máy tính cũng cần thêm nhiều chip khác để kết nối 5G. Trước dịch Covid-19, ngành bán dẫn dự đoán tăng trưởng 5% hàng năm trong 5 năm, song hiện nay dự đoán tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi.

Các chuyên gia cho rằng, dưới tác động của dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại thì việc phát triển nhanh tiến trình công nghệ tiên tiến 7nm và 5nm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của điện thoại thông minh 5G, máy trò chơi và bộ xử lý đồ họa (GPU) trong các máy chủ đám mây sẽ kéo theo sự tăng trưởng của ngành đúc bán dẫn trên toàn cầu.

 

Cơ hội cho Việt Nam

Sản xuất chất bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Hiện nay, với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, thị trường bán dẫn ở các quốc gia đang phát triển liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam được biết đến là một thị trường mới nổi ở châu Á, được các chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao.

Từ nhu cầu liên tục gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực bán dẫn ngày càng trở nên “nước sôi lửa bỏng”. Khi các ngành sản xuất đang có xu hướng phát triển chậm lại do khan hiếm nguồn cung vi mạch thì cơ hội mới cho Việt Nam đã mở ra.

Ảnh minh họa: Internet

(Ảnh minh họa: Internet)

 

Thời gian qua, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia. Tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này vào năm 2020 lên tới 95,8 tỷ USD, bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính cả năm 2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 51,18 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 12,34 tỷ USD, tăng mạnh 48,8%; sang EU (28 nước) đạt 10,06 tỷ USD, giảm 18,6%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 8,79 tỷ USD, giảm 1,2%; sang Hàn Quốc đạt 4,58 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước. Với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trị giá xuất khẩu đạt 44,58 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2019. Cụ thể, thị trường Trung Quốc chiếm 11,09 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019; thị trường Mỹ đạt 10,39 tỷ USD, tăng mạnh 71,7%; thị trường EU (28 nước) đạt 6,51 tỷ USD, tăng 28,7%; thị trường Hồng Kông đạt 4,19 tỷ USD, tăng 38,2%.

Theo dự báo của Research And Markets, thị trường IoT trong công nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ đạt 263,4 tỷ USD vào năm 2027, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 16,7% trong giai đoạn 2019-2027. Với khoảng 7 tỷ thiết bị kết nối qua Internet trong 2 năm tới, con số này có thể tăng gấp nhiều lần vào năm 2025. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng tốc. Trong bối cảnh khủng hoảng chip toàn cầu như hiện nay, hàng loạt nhà máy bán dẫn đang tìm đường “tẩu thoát” khỏi Trung Quốc thì Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng.

Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn được coi là nền tảng hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, là ngành kinh tế được Chính phủ xác định có sản phẩm nằm trong 9 sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, và là phương thức quan trọng để chuyến hóa các thành tựu khoa học công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao. Sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

 

Việt Nam hiện có 3 khu công nghệ cao quốc gia là Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với hoạt động thu hút đầu tư ngày càng chuyển biến tích cực, tạo nền tảng để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Nhiều công ty vi mạch bán dẫn nổi tiếng thế giới đã đặt nền móng và đầu tư mạnh vào lĩnh vực này như Intel, Sonion, Applied Micro…, đặc biệt phải kể đến sự góp mặt của “đại gia” Samsung. Trong đó, khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được xem là hình mẫu thu hút đầu tư và phát triển ngành vi mạch bán dẫn của cả nước, đặc biệt có những dự án đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy lắp ráp. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng là trung tâm đứng đầu cả nước về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực, có thể kể đến như: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu và triển khai - Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là địa phương có điều kiện cho phát triển vi mạch bởi có nguồn nhân lực trình độ cao mạnh nhất cả nước. Đáng kể phải nhắc đến sự góp sức của Khu công nghệ cao Hòa Lạc với các dự án đầu tư đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, làm tiền đề cho phát triển công nghiệp bán dẫn. Một số nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn như Công ty VNPT Technology, Tập đoàn Viễn thông Viettel, Công ty TNHH FC Hòa Lạc, Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam…và nhiều sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất như công nghệ 5G, điện tử… kéo theo nhu cầu tăng mạnh các sản phẩm bán dẫn.

Gần đây nhất, Công ty Intel Products Việt Nam (IPV, thuộc Tập đoàn Intel, Mỹ) đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án với vốn đầu tư tăng thêm 475 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh; nâng tổng số vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam đến thời điểm hiện tại lên tới 1,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) vừa được chấp nhận chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của Samsung, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán dẫn, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.

Dự án của Công ty SNST&Finger Vina (Hàn Quốc) có mục tiêu hoạt động thiết kế vi mạch điện tử tích hợp, với tổng vốn đầu tư gần 1 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay trong quý 1/2021. Nhờ đó, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam ngày càng có nhiều lực đà phát triển mạnh, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số quốc gia và trên thế giới.

Khó khăn từ nguồn nhân lực

 

Mặc dù nắm giữ vai trò chủ chốt trong phát triển công nghiệp 4.0, nhưng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam vẫn còn non trẻ, hoạt động nghiên cứu phát triển chưa đồng bộ. Công nghiệp vi mạch bán dẫn tuy chiếm tỷ lệ trên 70% của ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Song thách thức lớn chính là chất lượng nguồn nhân lực.

Đại diện Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Hàn Quốc - Việt Nam thuộc SHTP nhận định, tình trạng thiếu hụt nhân lực gia tăng trên khắp thế giới. Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt các kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn để đáp ứng nhu cầu cho các công ty. Sự thiếu hụt nhân tài bắt đầu từ những sinh viên tốt nghiệp đại học và các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Về lâu dài nó có thể cản trở tốc độ phát triển của toàn ngành bán dẫn và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả nước Việt Nam.

Trước những bất cập về nguồn nhân lực, giải pháp cấp thiết là đầu tư cho khâu đào tạo. Phải có những phòng thí nghiệm về thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp những gói đào tạo kiến thức cho kỹ sư mới ra trường và cộng đồng khoa học - công nghệ, nhất là các công ty khởi nghiệp để có thể tiếp cận, sử dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại. Việt Nam cần đưa ra những quyết sách kịp thời và phù hợp để không bỏ lỡ cơ hội phát triển cùng hàng triệu việc làm tiềm năng trong sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất vi mạch bán dẫn.


Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo