Viettel, VNPT, FPT, Vingroup lao vào cuộc chơi sản xuất chip và thiết bị 5G
Tại buổi Tọa đàm “Định hướng và giải pháp phát triển chip và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 30/10/2019, các Tập đoàn công nghệ của Việt Nam gồm Viettel, Vingroup, FPT cho biết đã đầu tư để phát triển các thiết bị phần cứng, phần mềm cho 5G.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Bộ TT&TT giao Vụ CNTT nhiệm vụ hình thành Cộng đồng chipset Việt Nam, kết nối các công ty chip Việt Nam với các công ty chip nước ngoài. Bộ TT&TT sẵn sàng nhận vai trò kết nối, thúc đẩy hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch, nghiên cứu, sản xuất chip và thiết bị mạng 5G.
Hiện nay, Chính phủ và Bộ TT&TT xác định việc làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ sản xuất đối với các sản phẩm vi mạch và thiết bị mạng, nhất là thiết bị mạng 5G là một định hướng lớn, mang tính cấp thiết. Nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, Vingroup…
Đại diện Viettel cho biết, toàn bộ sản phẩm 5G về phần cứng và phần mềm đều được Viettel nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam. Viettel cũng đã đầu tư 500 tỷ đồng cho phát triển Microcell 5G. Dự kiến tháng 6/2020 sẽ thử nghiệm dịch vụ Microcell 5G và tháng 6/2021 sẽ thử nghiệm dịch vụ Macrocell 5G trên mạng lưới.
Đại diện Vinsmart cho biết hiện tại công ty không phát triển chipset 5G mà tập trung nguồn lực phát triển các trạm BTS 5G và sản xuất điện thoại smartphone 5G. Hiện nay, Vinsmart đang có kế hoạch với các đối tác lớn về phát triển 5G như Qualcomm, Cisco, Intel, Microsoft. Đến tháng 2/2020 Vinsmart cũng sẽ hoàn thành Lab 5G trị giá 200 tỷ đồng.
Trong khi đó, chiến lược thiết kế và phát triển chip của FPT lại đi theo một con đường khác. Trong 5 năm đầu tiên (2014-2018), FPT thành lập Nhóm các kỹ sư thiết kế chip chuyên đi gia công (outsourcing) để tích lũy kinh nghiệm. Trong giai đoạn 2 (2019-2023), sẽ vẫn theo hướng outsourcing nhưng sẽ là cung cấp cả gói giải pháp theo kiểu chìa khóa trao tay.
Các doanh nghiệp cũng chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong tiến trình phát triển chip và thiết bị 5G, đại diện Vinsmart mong muốn Bộ TT&TT tạo điều kiện cấp phép tần số để thử nghiệm thiết bị 5G vì Vinsmart chỉ là nhà sản xuất thiết bị, không phải nhà mạng viễn thông. Còn Viettel chia sẻ, phát triển chipset 5G khó khăn nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Viettel mong muốn Bộ TT&TT đóng vai trò là cầu nối, thiết lập mạng lưới kết nối các kỹ sư của Viettel với các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài để cùng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi. Đồng thời, Bộ TT&TT giúp Viettel quảng bá các sản phẩm chipset 5G đến các đối tác trong và ngoài nước.
Cùng quan điểm với Viettel, đại diện FPT lo ngại làm chip rồi đầu ra sản phẩm sẽ như thế nào vì ở Việt Nam chưa có hệ sinh thái cho phát triển vi mạch. Số lượng công ty Việt Nam làm chip rất ít, chỉ khoảng 20 công ty.
Chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia đến từ Global Foundries nhận định, thiết kế chipset là một việc khó, đòi hỏi đầu tư lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, muốn phát triển ngành này, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng. Chính phủ cần phải tạo ra nhu cầu, tạo ra thị trường cho các sản phẩm chip do các doanh nghiệp Việt Nam thiết kế. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có chất lượng tốt thì sẽ có uy tín, có danh tiếng và không những bán được ở Việt Nam mà có thể xuất khẩu ra các thị trường khác trong khu vực.
Một điểm quan trọng khác mà các chuyên gia Global Foundries lưu ý là phát triển chipset rất tốn kém, cần khoản đầu tư lớn. Vì vậy các công ty không nên độc lập phát triển mà nên cùng hợp tác với nhau. Khi đó các khoản đầu tư sẽ được tối ưu hóa, không bị đầu tư trùng lặp, các nguồn lực được chia sẻ giữa các công ty. Đây cũng là bí quyết sống sót của các doanh nghiệp cỡ vừa tại Trung Quốc.
Đại diện Bộ TT&TT cam kết sẽ hết sức tạo điều kiện về cấp tần số để thử nghiệm thiết bị 5G, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các chuyên gia và tổ chức quốc tế để các doanh nghiệp có thể thực hiện lộ trình phát triển chip và thiết bị 5G theo đúng kế hoạch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo