Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử Tmall Global
DNVN - Trong bối cảnh đầu ra cho nông sản, thực phẩm đang gặp khó khăn do tác động từ dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Tmall Global của Trung Quốc nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm kênh xuất khẩu nông sản.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện về tiêu thụ nông sản Việt Nam / Cắt giảm gần 1.500 dự án để ưu tiên đầu tư các dự án cấp thiết hơn, hiệu quả hơn
Nông sản Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng
Tại “Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc 2021”, diễn ra chiều 26/5, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM ), Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch 4 tháng đầu năm đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng 47,8%. Điều này phần nào thể hiện sức chống chịu và thích nghi của doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã tăng lên trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.
Ông Lê Hoàng Tài - Cục phó Cục XTTM (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị.
"Trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, nông sản, thực phẩm đã và đang được nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ chất lượng và khả năng cung ứng ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, rau quả, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản… luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Lê Hoàng Tài chia sẻ.
Nhấn mạnh về tiềm năng của thị trường tỉnh Chiết Giang với nông sản Việt, ông Vũ Tiến Hùng - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu cho biết, Chiết Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Dương Tử, là khu vực kinh tế phát triển bậc nhất của Trung Quốc. Các tỉnh, thành thuộc khu vực này đều là những địa phương có nền kinh tế rất phát triển như Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang. Khu vực này là trung tâm tài chính, du lịch và kinh tế kỹ thuật cao của Trung Quốc. Hàng năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của các địa phương đồng bằng sông Dương Tử từ Việt Nam khoảng 20 tỷ USD. Trong đó Thượng Hải khoảng 9,5 tỷ USD, Giang Tô và Chiết Giang mỗi địa phương khoảng 5 tỷ USD.
Ông Vũ Tiến Hùng - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu.
Theo ông Vũ Tiến Hùng, các địa phương khu vực đồng bằng sông Dương Tử có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông nghiệp từ Việt Nam như thanh long, mít, sầu riêng, măng cụt, bưởi; thực phẩm chế biến như bánh kẹo, bánh ngọt, bánh trứng Tipo, sữa đậu nành, sữa tươi; cà phê hòa tan, hạt điều; thủy hải sản như hải sản chế biến, thủy sản đông lạnh, cá tra, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm; cao su tự nhiên và cao su công nghiệp. Chỉ riêng mặt hàng trái cây, tại chợ đầu mối hoa quả Gia Hưng, Chiết Giang mỗi năm nhập khẩu khoảng 12 ngàn tấn mít, 15-17 ngàn tấn thanh long và khoảng 20 ngàn tấn xoài. Các sản phẩm nhập khẩu ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, còn phân phối cho mạng lưới thị trường khu vực miền Đông và các tỉnh thành lân cận.
Mở thêm kênh tiêu thụ nông sản Việt Nam
Theo ông Lê Hoàng Tài, công tác xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, cụ thể cho nhóm hàng nông sản, thực phẩm luôn được hết sức chú trọng. Nhiều sáng kiến và hoạt động kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến đã được triển khai liên tiếp, góp phần tích cực vào sự phát triển quan hệ thương mại hữu hảo, tốt đẹp giữa hai nước.
"Trong xu thế hiện nay, với sự lên ngôi của phương thức thương mại trực tuyến, Cục XTTM hết sức quan tâm và sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Trung Quốc, trong đó có Tmall Global", Cục phó Cục XTTM nhấn mạnh.
Để thúc đẩy xuất khẩu, theo ông Lê Hoàng Tài, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp kiểm nghiệm - kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu… phù hợp với các quy định và nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, là khuyến khích xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
“Hội nghị giao thương ngày hôm nay với sự tham gia của nền tảng TMĐT Tmall Global sẽ giúp doanh nghiệp Việt có thêm một kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Lê Hoàng Tài nói.
Chia sẻ về nền tảng và cơ hội kinh doanh qua Tmall Global, ông Francis Chow - Trưởng phòng Phát triển kinh doanh của Tmall Global cho biết, đại dịch Covid-19 là một động lực lớn thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) của Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt. Riêng với nền tảng TMĐT Tmall Global cho phép doanh nghiệp và các thương hiệu trên khắp thế giới kinh doanh.
Tmall Global có cả 2 hình thức kinh doanh B2C, B2B, tuỳ vào nhu cầu mà thương hiệu, doanh nghiệp lựa chọn hình thức phù hợp. Hơn nữa, doanh nghiệp kinh doanh trên sàn cũng có nhiều lựa chọn hơn khi có thể phân phối độc quyền một thương hiệu hoặc đăng ký cửa hàng nhượng quyền để kinh doanh sản phẩm của nhiều thương hiệu khác nhau. Thời gian đăng ký gian hàng B2C trên sàn là từ 7-12 tuần, trong thời gian này đội tư vấn của Tmall Global tại Hàng Châu sẽ tư vấn trực tiếp và theo dõi quá trình đăng ký của doanh nghiệp gồm trang trí cửa hàng, logictics, thanh toán, hậu mãi”, ông Francis Chow thông tin.
Bằng việc hợp tác với Tmall Global, doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thêm kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Hùng cũng khuyến cáo, sản phẩm của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nhà cung cấp từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời những yêu cầu về truy suất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nói chung ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt.
"Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có nguyện vọng phát triển ở thị trường Trung Quốc nói chung, khu vực Chiết Giang nói riêng nên đầu tư tìm hiểu kỹ thị trường, nghiên cứu phương thức kinh doanh của đối tác, thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt là các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói và hình thức hợp tác với đối tác để gia tăng cơ hội khai thác thị trường", ông Hùng khuyến nghị.
Ông Lê Hoàng Tài nhận định, hội nghị này là sự kiện thiết thực, hữu ích cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm Việt Nam giao dịch trực tuyến với các nhà nhập khẩu Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, gây cản trở đáng kể hoạt động giao thương trực tiếp của các doanh nghiệp. Qua đó, ông Tài bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội thiết thực trao đổi về đa dạng các sản phẩm, cụ thể là cà phê, thực phẩm ăn liền, thực phẩm khô, yến sào, sản phẩm từ thảo dược, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, sữa và sản phẩm sữa, thủy hải sản... Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nghị đã có kinh nghiệm xuất khẩu, kinh nghiệm làm việc với nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới nên sẽ có đủ khả năng và tiềm năng đáp ứng các nhu cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các yêu cầu của Tập đoàn Tmall Global.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo