Bộ Công Thương thông tin việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lốp ô tô Việt Nam
DNVN - Theo tin từ Bộ Công Thương, Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Mỹ áp thuế chống bán phá giá lốp xe ô tô Việt Nam ở mức 22,3%.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản và đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất tại Bắc Giang / Doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng chào bán tour đi Mỹ tiêm vắc xin
Bộ Công Thương cho biết, ngày 24/5/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Đối với nội dung chống bán phá giá lốp xe ô tô Việt Nam, DOC giữ nguyên quyết định đã công bố tại quyết định sơ bộ. Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Hoa Kỳ) vẫn được xác định không bán phá giá (không bị áp thuế chống bán phá giá). Các doanh nghiệp còn lại bị áp mức thuế là 22,30%. Đối với nội dung trợ cấp, mức thuế trợ cấp được xác định cho các doanh nghiệp Việt Nam từ 6,23% đến 7,89% (giảm so với mức 6,23% đến 10,08% trong kết luận sơ bộ).
Ảnh minh họa.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, tổng mức thuế chống bán phá giá và trợ cấp mà các doanh nghiệp chiếm 95,5% kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Việt Nam phải chịu là từ 6,23% đến 7,89%, thấp nhất trong số các nước, vùng lãnh thổ bị điều tra trong vụ việc này. Đây là một kết quả tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất đối với ngành sản xuất lốp xe. Thêm vào đó, kết luận này cũng bảo vệ lợi ích của ngành cao su của Việt Nam khi khoảng 80% cao su tự nhiên khai thác tại Việt Nam được sử dụng để sản xuất lốp xe.
Trong quá trình ứng phó với vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, UBND các tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, Hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan hợp tác, trao đổi với DOC để đảm bảo kết quả khách quan, tích cực, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần trao đổi với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ thông qua các kênh đối thoại khác nhau để chứng minh Việt Nam không bán phá giá, không trợ cấp cho sản phẩm lốp xe cũng như không định giá thấp đồng tiền nhằm tạo lợi thế xuất khẩu. Đối với kết luận của Hoa Kỳ về định giá thấp tiền tệ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục trao đổi với Hoa Kỳ.
Trước đó, vào cuối năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ, đối với nội dung phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam và một số nền kinh tế khác. Theo đó, dữ liệu từ các doanh nghiệp xuất khẩu, DOC cho rằng các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ô tô vào Mỹ. Trong khi đó, các đối tác bị điều tra khác đều bị cho là đã bán phá giá với biên độ phá giá từ 14,24% - 38,07% đối với Hàn Quốc; 52,42% - 98,44% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và từ 13,25% - 22,21% đối với Thái Lan. Vào thởi điểm đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam như Sailun, Kenda, Bridgestone, Kumho và Yokohama đều được coi là không bán phá giá, trong khi các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế suất toàn quốc là 22,3%.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Cột tin quảng cáo