Chuyên gia: Áp thuế tài sản là rất bình thường
Tọa đàm về những đề xuất sửa đổi các Luật Thuế vừa được Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 9/5. Trong đó, liên quan đến Luật Thuế tài sản được Bộ Tài chính đang đề xuất để đưa vào chương trình xây dựng luật, PGS TS Bùi Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thuế tài sản đã được triển khai tại nhiều quốc gia (174 trong tổng số 193 nước) với những tên gọi khác nhau.
Do đó, đề xuất này của cơ quan quản lý không phải vấn đề bất bình thường, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong GDP so với các nước. Ví dụ, ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thuế tài sản chiếm khoảng 3-4% tổng thuế và khoảng 1% GDP. Các quốc gia ngoài OECD, sắc thuế này chiếm khoảng 2-4% tổng thuế và 0,3-0,7% so với GDP. Riêng tại Nhật Bản, thuế tài sản chiếm khoảng 7-8% tổng thuế và so với GDP cũng chiếm trên 2%.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng thuế và 0,036% GDP. Mức thu thấp khiến thuế không có ý nghĩa điều tiết việc sử dụng đất, dẫn đến khiếu kiện đền bù hoặc giá biến động bất thường, sử dụng không hiệu quả.
Song, theo ông Cường, với đơn giá xây dựng hiện nay của Bộ Xây dựng, một ngôi nhà ở miền núi cũng bằng nhà ở thành phố lớn, dẫn đến vai trò điều tiết sẽ không được phát huy. Do đó, ông cho rằng nên có công thức tính để phát huy vai trò điều tiết thu đối với những người có thu nhập trên mức trung bình. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét việc đánh thuế đối với các giao dịch để đảm bảo chống đầu cơ.
Đồng tình với quan điểm này, PGS TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cũng cho rằng, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay của Việt Nam quá thấp so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore... Ông lý giải, thuế tài sản có ưu điểm đảm bảo công bằng bởi những người mua nhà ở vị trí tốt, được nhà nước đầu tư hạ tầng tốt thì được hưởng lợi do giá cao.
Ông cũng phân tích, với phương án của Bộ Tài chính, nếu một người sở hữu nhà khoảng 4 tỷ đồng, 3 tầng trên diện tích 50 m2 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), với diện tích xây dựng là 150 m2, thuế suất 0,3% thì mỗi năm, chủ sở hữu chỉ phải nộp khoảng 963.000 đồng đối với căn nhà. Người có căn nhà như vậy theo ông Cường là tương đối khá giả, tức là mức đóng trên có thể chấp nhận được và hầu như không tác động quá lớn.
Chuyên gia này cũng cho rằng việc tính thuế tài sản nhà sẽ không ảnh hưởng đến người thu nhập thấp. Cụ thể, với một căn nhà xã hội có diện tích 70 m2, giá bán 13 triệu đồng mỗi m2 thì giá trị căn nhà vào khoảng 581 triệu đồng, chưa nằm trong ngưỡng chịu thuế là 700 triệu.
Theo ông, với phương án của Bộ Tài chính, chính sách này chỉ đánh thuế đối với người thu nhập thấp trên trung bình, đặc biệt tập trung chủ yếu vào nhóm người giàu.
Ông Trường cho rằng, mỗi khi đề xuất đối với một chính sách thuế luôn nhận phải những ý kiến trái chiều, bởi người nộp thuế bị mất đi một số khoản thu nhập. Theo ông, một lựa chọn chính sách luôn có hai mặt, nhưng cơ quan quản lý vẫn phải lựa chọn phương án có nhiều lợi ích hơn.
Bên cạnh Luật Thuế tài sản, các chuyên gia cũng đưa ra quan điểm khác nhau về việc điều chỉnh các luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT... Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, hiện nhiều chính sách thuế còn mang tính tận thu.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng việc áp dụng chính sách thuế nào phải phụ thuộc vào trình độ phát triển của đất nước, bảo đảm tính toán cẩn thận. Cho rằng một số sắc thuế mang tính tận thu, song theo ông nên xem xét để thay vào đó là những chính sách giảm chi.
"Không thể cân đối bằng ngân sách bằng việc tăng thu mãi được mà phải giảm chi. Hiện tăng trưởng kinh tế gần 7% mà tăng thu ngân sách cứ trên 10% nên tôi cảm thấy không được hợp lý, phải chăng việc sử dụng ngân sách chưa hiệu quả", vị này nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam
2 ngày tung một sản phẩm mới, Vinamilk tiên phong đưa chuẩn thế giới về Việt Nam
Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài 1: Cán đích hơn mong đợi
Ngành nông nghiệp cần tăng tốc