Xã hội

Chuyên gia lý giải những bất thường của xổ số Vietlott

Chỉ trong thời gian ngắn đã có tới 5 người trúng giải Jackpot của xổ số điện toán Vietlott với trị giá hàng chục tỷ đồng. Điều này dấy lên mối nghi ngại về tính gian lận, minh bạch của loại hình xổ số mới "du nhập" vào Việt Nam này.

Mặc dù chỉ mới du nhập vào Việt Nam mới chỉ 4 tháng, nhưng cái tên "Mega 6/45" đã trở nên rất "hót" khi gần đây người trúng độc đắc của loại hình xổ số mới này liên tiếp xuất hiện.

Chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi đã có 5 người trúng giải Jackpot với giá trị tiền thưởng lên tới hàng chục tỷ đồng. Người trúng giải đầu tiên vào ngày 16/10 là gia đình ông Thái ở Trà Vinh, với tiền thưởng 92 tỷ đồng. Người trúng thưởng thứ hai vào ngày 2/11 là một người ở Đồng Nai với số tiền thưởng trên 65 tỷ đồng. 

Ngày 13/11, Vietlott công bố kết quả mở thưởng lần thứ 51, xác định có người trúng thưởng giải đặc biệt lần thứ ba với hơn 71 tỷ đồng đến từ Quảng Ngãi. Và lần trúng gần nhất là kỳ quay thưởng số 54 với hơn 56 tỷ đồng ngày 20/11. Và mới nhất là ngày hôm qua 27/11 lại có người trúng Jackpot với trị giá tiền tưởng lên tới gần 55 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Chính việc liên tiếp xuất hiện người trúng độc đắc đã dấy lên mối nghi ngại về tính gian lận của loại hình xổ số mới "du nhập" vào Việt Nam này. Nói về sự bất thường này trên báo NĐT, GS. Hà Tôn Vinh, chuyên gia người Việt quốc tịch Mỹ có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực trò chơi có thưởng cho biết, xổ số điện toán là một loại hình xổ số thông dụng trên thế giới, đã có mặt vài chục năm ở Mỹ, chỉ trừ một số bang vì lý do tôn giáo mà không được phép lưu hành.

Sau đó, nó có lan rộng ra các nước khác, bây giờ có cả Việt Nam. Điều này nói lên, loại hình này đã có sự kiểm nghiệm, có đầy đủ những yếu tố để hình thành nên sự thành công khi bắt đầu ở một môi trường mới như công nghệ, giải thưởng, kinh nghiệm, xác xuất trúng, sự may mắn của người chơi…

Theo tính toán, xác xuất trúng thưởng của loại này là 1/8 triệu. Tuy nhiên, thực tế trong vòng hơn 1 tháng vừa qua có tới 4 người trúng thưởng. Điều này, thứ nhất phải nói đến là sự may mắn của người chơi. Có thể 6 tháng sau, 1 năm sau không có ai trúng thưởng thì sao? Càng lâu không có người trúng thì số tiền lũy kế giải đặc biệt sẽ càng nhiều, lúc đó thì lại càng có nhiều người chơi. Thậm chí có lúc sẽ có nhiều người trúng, lúc này thì số tiền trúng jackpot sẽ càng bị chia nhỏ ra.

"Hiện nay, theo báo cáo của Vietlott, số vé bán ra đã đạt 4 triệu, nghĩa là xác xuất trúng thưởng sẽ là 50%, giải cao nhất cho 1 lần quay thưởng là 12 tỷ đồng. Số tiền này lấy ở đâu ra? Bình thường bán nhiều vé thì đã có 50% của 12 tỷ, nhưng nếu bán ít mà đã trúng thì đó là vận may của người chơi. Ở đây, tôi chưa nói đến chuyện gian lận, chỉ nói về xác xuất", ông nói.

Nói về khả năng gian lận của loại hình xổ số này, ông Vinh nói: "tôi không khẳng định có hay không chuyện Vietlott gian lận, nhưng tôi thấy điều đó rất khó. Vì hiện nay công nghệ, giám sát đã rất hiện đại rồi".

 

Ông lấy dẫn chứng, như ngày trước, ở một số nơi, có hiện tượng gian lận bằng việc gắn một mảnh sắt mỏng vào trong quả cầu xổ số, bên ngoài lồng quay thì có gắn nam châm, như vậy thì những số mà người gian lận hi vọng trúng bị hút ra ngoài sẽ có xác xuất cao hơn. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa rồi, bây giờ công nghệ hay hơn rất nhiều. Hoặc như chuyện ngày trước chúng ta làm xổ số cào, công nghệ in không tốt, đưa ra ánh sáng là thấy, số trúng thì giữ lại mà số không trúng thì bán ra.

Trước vấn đề cho rằng việc mỗi ngày bỏ ra vài trăm nghìn để mua vé có ảnh hưởng gì đến kinh tế xã hội hay không, ông Vinh cho rằng không có vấn đề gì. "Nếu Vietlott không bán xổ số, Bộ Tài chính và Nhà nước có 25% thuế không", ông nói.

Ông Vinh cũng cho rằng, đâu phải người mua là mua nhiều tiền, mỗi người chỉ vài vé, vài trăm nghìn, trong khả năng của mình, họ chịu được, vì họ muốn có cơ hội đổi đời chứ không phải mỗi người mỗi ngày bỏ ra cả tỷ đồng để mua xổ số. Cho nên hiệu ứng xã hội, thiệt hại là rất nhỏ.

Còn nói về vấn đề đóng góp, loại hình xổ số nào cũng là đóng góp cho ngân sách cả. Chỉ khác là xổ số truyền thống thì đóng góp trực tiếp cho ngân sách địa phương còn xổ số điện toán thì đóng góp vào ngân sách, về Bộ Tài chính. Bộ Tài chính hoàn toàn có quyền dùng tiền đó để phân bổ về các địa phương để thực hiện mục tiêu kiến thiết.

"Về cạnh tranh, cô và tôi cùng mở nhà hàng, nhưng ai nấu ăn ngon hơn thì đương nhiên khách hàng sẽ tìm đến nhiều hơn. Câu chuyện về xổ số cũng vậy thôi. Đều là hình thức giải trí, cái nào hấp dẫn hơn thì người ta chuộng hơn", ông nói.

 

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo