Pháp luật

Chuyện lạ xảy ra ở Sacombank: Chính ngân hàng làm “thủ thuật” đáo nợ cho khách vay tiền

Hoạt động đầu tư, kinh doanh trong kinh tế thị trường luôn gắn với chuyện vay tiền và nợ nần. Chuyện chậm thanh toán, chậm trả nợ theo hợp đồng có thể là “chuyện cơm bữa” trên thương trường. Song, chắc ít có trường hợp vay, trả - trả vay nào lại xảy ra một cách lạ lùng, như ở Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank)…mà chúng tôi nêu ra sau đây.

Năm 1999 - 2000, vợ chồng ông Hoàng Hữu Hiệp, ngụ tại 130 Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM đã làm thủ tục vay Ngân hàng TMCP Phương Nam – Chi nhánh Minh Phụng (sau đây gọi tắt là NH Phương Nam MP) 3 hợp đồng tín dụng (HĐ), đều có thời hạn vay là 6 tháng, với tổng số tiền vay 750 triệu đồng, theo thể thức vay có tài sản đảm bảo bằng giấy chứng nhận sở hữu ngôi nhà số 130 Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM. Cùng năm 2000, NH Phương Nam MP còn ký HĐ số 187/04/00 HĐ cho vợ chồng ông Hiệp vay 500 triệu đồng, thời hạn 6 tháng bằng tài sản thế chấp quyền sử dụng 11.200m2 đất tại xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai. Năm 2001, cơ sở Dũng Tiến, nơi vợ chồng ông Hiệp  hùn vốn kinh doanh bị kẻ xấu đập phá hủy hoại toàn bộ tài sản phải ngừng kinh doanh, khiến nguồn thu nhập duy nhất của vợ chồng ông Hiệp bị mất. Biết người vay không còn khả năng trả nợ, Trưởng phòng Tín dụng NH Phương Nam MP Phan Huy Khang đã đề xuất với lãnh đạo NH này cho vợ chồng ông Hiệp vay tiếp 150 triệu đồng với thời hạn 6 tháng để trả lãi cho những HĐ trên. Năm 2003, NH Phương Nam MP lại tiếp tục cho vợ chồng ông Hiệp vay 250 triệu đồng theo HĐ số 037/01/03, thời hạn 12 tháng để đóng lãi cho NH.

Năm 2005, Giám đốc NH Phương Nam MP Mạch Thiệu Đức yêu cầu vợ chồng ông Hiệp muốn vay nữa thì phải tất toán toàn bộ các HĐ trên. Để đáp ứng yêu cầu trên, vợ chồng ông Hiệp đã phải đi vay tín dụng đen để tất toán. Từ năm 2006 đến năm 2010, NH Phương Nam- Chi nhánh Sài Gòn (gọi tắt NH Phương Nam SG) liên tục cho vợ chồng ông Hiệp vay thông qua nhiều HĐ khác nhau. Tổng cộng từ năm 1999 đến năm 2011, 2 chi nhánh của NH Phương Nam đã cho vợ chồng ông Hiệp vay 19 HĐTD. Vợ chồng ông Hiệp đã thanh toán cho 2 chi nhánh của NH tất cả khoảng 5 tỷ đồng (trong đó có 2 tỷ đồng tiền gốc và khoảng 3 tỷ đồng tiền lãi).                           

Chuyện “hóa phép” của ngân hàng

Giám đốc NH Phương Nam SG Trịnh Văn Tỷ đề nghị vợ chồng ông Hiệp để NH gộp 2 HĐTD có 2 tài sản thế chấp khác nhau (nhà và đất) thành 1 HĐTD. Theo đó, ngày 28/6/2011, họ đã đưa cho ông Hiệp ký HĐTD số 05/06/11, với số tiền vay 5,05 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng – mà vợ chồng ông Hiệp không nhận được một đồng nào từ HĐTD này. Đó chỉ là danh nghĩa mà NH tự ý tính gốc và lãi ở các HĐTD trước đó mà vợ chồng ông còn thiếu.

Biết mình bị gài bẫy, ngày 11/7/2011, vợ chồng ông Hiệp có đơn xin giảm lãi và đề nghị cho bán căn nhà đang thế chấp để trả nợ cho NH. Nhưng mãi đến 13/6/2012 (ngày mà HĐ số 05/06/11 tới hạn), Giám đốc NH Phương Nam SG Trần Trọng Tín mới có thông báo số 62, với nội dung: “Đề nghị quý khách hàng tất toán hợp đồng vay trên đúng hạn…”. Khi đó, vợ chồng ông Hiệp đã làm đơn yêu cầu NH thẩm định lại 2 tài sản đã thế chấp. Cùng ngày 27/7/2012, NH đã ra thông báo kết quả định giá nhà và đất bằng đúng giá trị theo HĐTD số 05/06/11.

Không chấp nhận với kết quả định giá “quá bèo bọt” trên, ngày 9/7/2014 và ngày 5/1/2015, vợ chồng ông Hiệp tiếp tục làm đơn đề nghị NH tạo điều kiện để gia đình ông được bán căn nhà đang thế chấp để trả nợ cho NH, số nợ còn thiếu được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất đang thế chấp, nhưng NH vẫn không đồng ý. Trước hoàn cảnh đó, vợ chồng ông Hiệp đành phải viết thư ngỏ gửi tới các lãnh đạo của NH Phương Nam, đề nghị cho gặp để trình bày phương án trả nợ cho NH, nhưng không được tiếp…                     

             Còn nhiều chuyện lạ khác 

Thứ nhất, ngày 12/3/2015, vợ chồng ông Hiệp làm đơn khởi kiện NH phương Nam tại TAND quận I. Ngày 26/3/2015, TAND quận I ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Cùng ngày 26/3/2015, NH Phương Nam có đơn khởi kiện vợ chồng ông Hiệp ra TAND quận Phú Nhuận. Thế là, ngày 8/6/2015, TAND quận I đành phải ra quyết định chuyển đơn khởi kiện của NH Phương Nam cho TAND quận Phú Nhuận giải quyết. Rồi sau đó, ngày 28/9/1015, TAND quận I ra  quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo đơn khởi kiện của vợ chồng ông Hiệp với lý do chờ kết quả giải quyết của TAND quận Phú Nhuận. Song đến nay, không hiểu vì lý do gì mà vụ án dân sự này vẫn bị “ngâm tôm”, mặc dù cả người đi vay lẫn NH cho vay đều nhất trí đề nghị đưa vụ án ra xét xử sớm?

Thứ hai, mặc dù NH Phương Nam biết rõ hoàn cảnh, năm 2001, cơ sở Dũng Tiến – nơi mà vợ chồng ông Hiệp hùn vốn kinh doanh ngừng hoạt động, nguồn thu nhập duy nhất của gia đình không còn. Song, NH vẫn không muốn cùng vợ chồng ông Hiệp thương thảo nhằm tất toán các khoản vay (cả gốc và lãi) để bảo toàn tài sản, mà lại tìm mọi cách “bơm” tiền cho vợ chồng ông thông qua các HĐ “giả cách”, sử dụng đồng tiền vay không đúng mục đích. Trong HĐ lúc thì ghi vay mua nhà, lúc thì ghi vay tiêu dùng…, thời hạn vạy đều là 1 năm. Song, trên thực tế số tiền vay mới đều bị NH Phương Nam khấu trừ để trả gốc và lãi cho NH. 

Thứ ba, trong khi vụ án đang chờ sự phán quyết của TAND quận Phú Nhuận, thì ngày 19/12/2015 Sacombank đã ra Thông báo số 87/TB-CN về việc bán khoản nợ của khách hàng, gửi vợ chồng ông Hiệp. Thông báo này nêu rõ: “ Ngày 10/12/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thực hiện bán khoản nợ của quý khách hàng tại Sacombank (bao gồm toàn bộ giá trị nợ gốc, nợ lãi kể cả lãi phạt và các chi phí liên quan đến khoản nợ nêu trên cho bên mua nợ: Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)”. 

Thứ tư, những khoản nợ của vợ chồng ông Hiệp vay đã bị Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) xếp vào nhóm 5 (Dư nợ có khả năng mất vốn), trong khi Thống đốc Ngân hàng đã ban hành nhiều văn bản dưới dạng chỉ thị, nghị quyết, thông tư hướng dẫn việc xử lý nợ xấu nhằm mục đích thu hồi nhanh đồng vốn của các tổ chức tín dụng, nhưng NH Phương Nam, sau này là Sacombank cứ lờ đi mọi đề nghị xử lý của khách hàng. Họ từ chối mọi đề nghị của khác hàng về xử lý các khoản nợ vay. 

Việc ngân hàng làm “thủ thuật” đáo nợ cho khách vay tiền, mà thực chất là dồn khách hàng vào “chỗ chết”, rõ ràng là hành vi cố ý làm trái qui định của Ngân hàng Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của khách hàng đang thế chấp tại ngân hàng. Mặt khác, việc để “ngâm tôm” hoạt động tố tụng của Tòa án từ khi vợ chồng ông Hiệp làm đơn khởi kiện ngày 12/3/2015 kéo dài đến nay, có phải có sự “can thiệp bằng biện pháp nghiệp vụ” của NH phương Nam hay không là điều cần được cơ quan điều tra vào cuộc, xử lý. Mong rằng, các cơ quan, tổ chức hữu quan sớm làm rõ, để vụ việc được ánh sáng pháp luật soi rọi, ngõ hầu giải cứu cho doanh nhân Hoàng Hữu Hiệp thoát ách bị chiếm đoạt bằng “thủ thuật” tinh vi như “chuyện lạ” kể trên đây không !



   

Doanh nghiệp hội nhập
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo