Xã hội

Chuyện nông dân làm giàu từ vốn vay ở Ninh Thuận

Trong khi hàng loạt các sản phẩm nông sản trong cả nước như thanh long, dưa hấu, vải thiều… điêu đứng trước sự sụt giảm mạnh giá bán, hoặc bán “không trôi” do thị trường Trung Quốc không “ăn hàng”… khiến nhiều nông dân trồng các loại cây này như ngồi trên đống lửa vì trót đầu tư tiền của, công sức. Song, cây nho ở Ninh Thuận lại đứng vững trước “bão” thị trường.

 Sống được nhờ thị trường nội

Thời gian qua, cây nho Ninh Thuận đã vững vàng trước “bão gió” thị trường, mặc dù tiêu thụ chủ yếu trong nước nhưng giá mặt hàng nông sản này khá ổn định, giúp nhiều nông dân vùng đất ít mưa nhất cả nước ăn nên làm ra, nhiều hộ dân đã giàu lên nhờ cây nho. Trong đó, có sự hỗ trợ rất lớn từ đồng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Ninh Thuận.
 
Ở tỉnh Ninh Thuận, cây nho được nhiều người ví như cây trồng “nữ hoàng”, giúp người dân địa phương thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Thực tế cho thấy nho Ninh Thuận chỉ tiêu thụ trong nước nhưng vẫn… “ngon ăn”. Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, nho an toàn Ba Mọi được bán với giá trên 20.000 đồng/kg và thương hiệu nho Ninh Thuận đã có chỗ đứng vững chắc.
 
Khi chúng tôi đến thăm trang trại nho Ba Mọi ở xã Ninh Hiệp, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), mọi người đang hối hả đóng gói để chuyển tới các cửa hàng, siêu thị ở nhiều địa phương trong cả nước. Nho Ba Mọi đang được bán trong hệ thống siêu thị Co.op Mart ở TP. Hồ Chí Minh và chuỗi cửa hàng Bác Tôm ở Hà Nội.
 
Để có được nguồn hàng ổn định cung cấp cho các đối tác, ông Mọi còn liên kết với nhiều hộ trồng nho an toàn. Tổng diện tích nho mà ông Mọi đã liên kết vào khoảng 50 ha. Tất cả diện tích này đều đang được sản xuất theo hướng VietGAP hay đã có chứng nhận VietGAP.
 
Nho tươi của trang trại Ba Mọi
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện thương lái thu mua 3-5 tấn nho mỗi ngày để chuyển vào phía Nam và một ít ra phía Bắc tiêu thụ. Nho Ninh Thuận được cấp chỉ dẫn địa lý và đạt tiêu chuẩn VietGAP là điều kiện thuận lợi khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Việc còn lại là cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý, kiểm soát chất lượng để thương hiệu nho Ninh Thuận phát triển bền vững…
 
Nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, tỉnh Ninh Thuận có khí hậu nắng nóng quanh năm, lượng mưa hàng năm rất ít. Và đó là môi trường “đặc sản” quý giá của vùng nắng nóng để mang đến những trái nho ngọt lịm, giúp người nông dân làm giàu.
 
Giàu lên nhờ vốn ngân hàng
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 727 ha diện tích trồng nho, được trồng nhiều tại các địa phương Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam và TP. Phan Rang – Tháp Chàm, năng suất đạt gần 25 tấn/ha. Người dân Ninh Thuận không những trồng nho mà còn biết vận dụng kỹ thuật truyền thống chế biến quả nho thành các sản phẩm nước uống, đồ ăn khô có chất lượng cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
 
Chị Lý Ngọc Huyền, đại diện cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi, TP. Phan Rang – Tháp Chàm cho biết, cơ sở bắt đầu thành lập từ những năm 1997, các sản phẩm chế biến chủ yếu sử dụng từ quả nho đỏ. Cơ sở chế biến các sản phẩm rượu vang nho, mật nho, mứt nho, ô mai nho, táo tẩm nước cốt nho sấy khô. Để có được nước uống nho có chất lượng, người chế biến phải chọn được quả nho chín vừa phải, không bị dập nát, hư hỏng và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chế biến, thời gian càng để lâu rượu càng ngon.
 
Sản phẩm nho được chế biến từ cơ sở Viết Nghi
 
Trước đây, mỗi năm cơ sở Viết Nghi chỉ bán được khoảng 1.000 lít mật nho, riêng năm 2013 đã bán trên 1.200 lít mật nho, trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 20.000 tấn nho tươi của các nông dân, tạo công ăn việc làm cho 10 công nhân có thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
 
Nói về bí quyết kinh doanh thành công chị Huyền cho hay, phải hội tụ đầy đủ tất cả các yếu tố niềm đam mê sản xuất, không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, luôn quan tâm đến người tiêu dùng, đặt tiêu chí sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu, tăng cường quảng bá tiếp thị đưa sản phẩm đến với các vùng miền trong nước.
 
Cơ sở đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận sản phẩm rượu vang nho và táo tẩm nước cốt nho năm 2012, Huy chương vàng thực phẩm an toàn chất lượng vì sức khỏe cộng đồng do Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y Tế) – Hội khoa học công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam bảo trợ, bằng chứng nhận cúp vàng sản phẩm nông nghiệp Agroviet 2010.
 
Chị Huyền khẳng định, để có được thành công đó cũng chính nhờ đồng vốn của ngân hàng. Ngân hàng đã đồng hành cùng cơ sở từ những ngày đầu thành lập, đến nay cơ sở đã hoàn trả hết phần vốn vay và trở thành khách hàng có tiền gửi và sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng.
 
Đến cuối tháng 6/2014, theo Nghị định 41/2010/NĐ–CP, Agribank Ninh Thuận đã cho vay với doanh số 3.776 tỷ đồng, với 36.900 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ 2.992,7 tỷ đồng, dư nợ 781 tỷ đồng, chiếm 42,2% trong tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, với số khách hàng còn dư nợ là 19.924.
Còn với nông dân Nguyễn Văn Mọi, Chủ thương hiệu Nho Ba Mọi, một nông dân có kinh nghiệm trồng nho trên 30 năm cho biết, khi vừa mới lập nghiệp, vợ chồng tôi bắt tay vào trồng nho luôn gặp nhiều khó khăn về thời tiết, đất sản xuất, nguồn vốn. Với quyết tâm làm ăn thoát nghèo, ông Mọi đã liên hệ với Agribank Ninh Thuận vay vốn và tìm các giống nho có chất lượng cao mang về trồng.
 
Ông Mọi kể, ngày ấy gia đình không dám vay nhiều, vì sợ sau này không có tiền để trả nợ, chỉ vay từ 5 - 10 triệu đồng mua giống, phân bón. Nhờ thời tiết thuận lợi nhiều năm liên tiếp ông làm ăn có lãi, trả được nợ ngân hàng và mở rộng diện tích trồng. Đến nay, đã trồng được cả loại nho tươi và nho làm rượu vang với giống nho chất lượng cao NH0148, NH01152, Red cardinar, Syrah, Balk Qeen, Sauvignon blanc, Cabernet Sauvignon…
 
Có được nguồn vốn sau nhiều năm tích góp, ông Mọi đã mạnh dạn trồng nho theo chương trình VietGap, đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng đội ngũ nhân viên đông đảo, các công đoạn thực hiện khép kín từ trồng nho, sơ chế, vận chuyển tận tay đến người tiêu dùng mà không qua bất kỳ một khâu trung gian nào.
 
Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Mọi vay vốn tại Agribank Ninh Thuận hàng trăm triệu đồng để phát triển sản xuất nho và sử dụng nguồn vốn vay phục vụ sản xuất rất hiệu quả. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động, thu nhập từ 80.000 - 120.000 đồng/người/ngày.
 
Ông Mọi nhận định, cây nho có thu nhập cao 1,5 lần so với cây táo, cao hơn nhiều lần so với cây khác. Mỗi năm, nho đỏ cho ra 3 đợt trái, nho xanh cho ra 2 đợt trái, mỗi sào (1.000m2) người nông dân có lãi khoảng 20 triệu đồng/năm đối với nho đỏ, 30 - 40 triệu đồng/năm với nho xanh. Mỗi năm cơ sở sản xuất của ông Mọi bán ra thị trường 1.000 chai rượu nho và cung cấp từ 30 – 50 tấn nho tươi…
 
Có thể nói, phát huy thế mạnh về mạng lưới và giữ thị phần chi phối đối với thị trường nông thôn, Agribank Ninh Thuận xác định rõ mục tiêu, vai trò chủ lực trong cung ứng vốn phát triển khu vực tam nông. Những năm qua, Agribank Ninh Thuận đẩy mạnh đầu tư tín dụng, nhất là tín dụng phục vụ phát triển tam nông để đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu vay vốn của các hộ sản xuất, kinh doanh và DN.
 
Nhờ có sự quan tâm đầu tư nguồn vốn của Agribank đã góp phần tạo sự chuyển động, khởi sắc trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế hộ, vươn lên làm giàu, góp phần thay đổi đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân Ninh Thuận.
 
Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo