Chuyện valy tiền lại quả ở Vinalines: Người nói 'có' kẻ nói 'không'
Chiều 13.12, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm đã kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đã đề nghị các mức án nghiêm khắc theo hành vi phạm tội của từng bị cáo.
Đề nghị xem xét cả trách nhiệm cả HĐQT
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, qua gần 2 ngày xét hỏi tại tòa, các bị cáo có phần đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho nhau, nhưng trước những chứng cứ thu thập được đủ căn cứ khẳng định hành vi phạm tội của từng bị cáo. Hai bị cáo được cho là chủ mưu và là người đứng đầu gây ra sai phạm lớn nên đã bị đề nghị mức án rất nghiêm khắc. Cụ thể Dương Chí Dũng – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT )Vinalines và Mai Văn Phúc – nguyên Tổng Giám đốc Vinalines cùng bị đề nghị án tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Trong phần tranh luận, LS Ngô Ngọc Thủy – người bào chữa cho Dương Chí Dũng nêu quan điểm là không đủ căn cứ để buộc bị cáo Dũng tội tham ô. Lý do LS Thủy đưa ra là bị cáo Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines không trực tiếp quản lý tài sản. Toàn bộ tài sản là do Tổng Giám đốc và các phòng, ban của Vinalines quản lý. LS Thủy cho rằng sai phạm trong dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu và mua ụ nổi là nóng vội khi chưa được sự cho phép của Chính phủ. “Ở Việt Nam có nhiều trường hợp mua đồ cũ về để làm ăn vẫn phát huy được hiệu quả, còn trường hợp ở Vinalines “ngã ngựa” do khủng hoảng kinh tế nên các nhóm lãnh đạo phải ra trước vành móng ngựa” - LS Thủy biện luận.
LS Thủy đề nghị HĐQT của Vinalines lúc có 5, lúc có 7 người, đây là tập thể làm ra các nghị quyết để tạo chủ trương cho việc xây dựng dự án phải có trách nhiệm chứ không chỉ có bị cáo Dũng và Mai Văn Phúc phải chịu tội. “Nếu truy cứu bị cáo Dũng và Phúc thì cũng phải truy cứu trách nhiệm của các thành viên HĐQT, nếu miễn trách nhiệm cho họ thì phải nêu rõ lý do”– LS Thủy tranh luận.
LS Trần Đình Triển - bào chữa cho bị cáo Dũng khi tranh luận đã cho rằng: Trong vụ án này có liên quan đến yếu tố nước ngoài nhưng việc tương trợ tư pháp chưa được tiến hành, việc phối hợp với cơ quan công tố Liên bang Nga và Singapore để thu thập tài liệu chứng cứ là phải có. Thế nhưng vụ án đưa ra xét xử, buộc tội bị cáo Dũng với mức án cao nhất khi chưa có kết quả tương trợ tư pháp theo LS Triển là không phù hợp. LS Nguyễn Huy Thiệp – bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc, sau phần bào chữa kéo dài 30 phút đã chốt lại: Đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Làm rõ hành vi tham ô
Trong vụ này có 4 bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản phải đối diện với mức án cao nhất nên hành vi tham ô đã được Hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung làm rõ. Trong buổi thẩm vấn chiều 12.12, bị cáo Dũng đã phủ nhận việc nhận 10 tỷ đồng tiền “lại quả” từ bị cáo Sơn. Bị cáo Dũng nói rằng sở dĩ Sơn đổ tội cho mình là để được giảm nhẹ hình phạt tội khác. Đến sáng 13.12, khi bị tòa thẩm vấn bị cáo Mai Văn Phúc cũng chối bỏ việc nhận 10 tỷ đồng do bị cáo Sơn đưa làm 3 lần.
Trả lời trước HĐXX, Trần Hải Sơn khẳng định lại lời khai về việc chia số tiền hơn 28 tỷ đồng tiền “lại quả” từ phía Công ty AP (Singapore). Bị cáo Sơn còn khai rõ, mặc dù Dương Chí Dũng không nói về việc “chia chác” cho Trần Hữu Chiều, nhưng bị cáo vẫn chuyển cho Chiều 340 triệu đồng do thấy Chiều là người giúp đỡ rất nhiều trong công việc của dự án.
Chính bị cáo Chiều cũng thừa nhận có vay 340 triệu của Sơn. “Sau này tôi mang tiền trả lại thì Sơn không nhận và bảo là biếu tôi. Lúc đó, tôi cũng không biết đây là tiền do việc mua ụ nổi mà có” - bị cáo Chiều thanh minh.
Như vậy trong số 4 người có 2 người thừa nhận tham ô. HĐXX tiếp tục hỏi những người liên quan để làm rõ có việc chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam và việc Trần Hải Sơn đưa valy tiền “lại quả” cho bị cáo Dũng và Phúc.
Trả lời trước tòa, chị Trần Thị Hải Hà (em bị cáo Sơn) khẳng định có cho anh trai mượn tài khoản Công ty Phú Hà nhận hơn 1,66 triệu USD từ Công ty AP- Singapore. “Sau đó, anh trai tôi có nói, “bác Dũng tổng sắp vào miền Nam công tác, chuẩn bị 5 tỷ cho anh để đưa cho bác ấy”. Anh Sơn còn bảo tôi đổi ra tiền chẵn, loại 500.000 đồng. Tôi không chứng kiến việc đưa tiền cho anh Dũng nhưng trước khi đi, anh tôi có nói là đem tiền đến khách sạn Victory” – bà Hà cho hay. Còn bà Trần Thị Hải Huyền (em gái Sơn) và chồng là Đặng Quang Hưng đều xác nhận việc bị cáo Sơn chuẩn bị khoản tiền lớn, nói rằng đi đưa cho Mai Văn Phúc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo