Chuyện về ngôi làng siêu giàu phát vàng, bạc miễn phí ở Trung Quốc
Nhưng không giống Huaxi (Hoa Tây), làng Changjiang (Trường Giang) cũng ở tỉnh Giang Tô tại khá kín tiếng khi ngôi làng này phân phát sự giàu có.
Hồi giữa tháng 3, làng Trường Giang, nằm cách thành phố Thượng Hải vài giờ lái xe về phía đông bắc, đã thực hiện được lời hứa đưa ra hồi năm 2009 là phát miễn phí cho mỗi người trong tổng số 2.858 cư dân cố định một thanh vàng và một thanh bạc, mỗi thanh nặng 100 g, với tổng trị giá 6.350 USD.
Món quà, được phát nhân dịp kỷ niệm 40 thành lập Tập đoàn Jiangsu Xin Chang Jiang thuộc sở hữu của ngôi làng, đã rất thu hút sự chú ý vào thời điểm khi sự chênh lệch thu nhập lớn và sự phân bổ tài sải không công bằng tại Trung Quốc ngày càng gây ra nhiều vấn đề xã hội.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy thu hẹp khoảng cách thu nhập được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần giải quyết.
Nhưng Trường Giang, ngôi làng rộng 6,5km2 nằm không xa trung tâm thành phố Giang Âm, dường như không bị ảnh hưởng bởi vấn đề trên và đang hướng tới một xã hội không tưởng nơi người dân cùng chia sẻ sự giàu có.
Bên cạnh món quà là các thanh vàng và bạc, người dân cho biết họ cũng được hưởng một loạt lợi ích khác, trong đó có việc được mua các biệt thự được trợ giá, với giá từ 11.000-31.000 USD bắt đầu kể từ năm 2000.
Cổng làng Trường Giang rất lớn và được thiết kế công phu.
Các lợi ích khác bao gồm việc thỉnh thoảng chia tiền mặt, cổ phần trong các công ty trong làng và khoản lợi tức thường niên, cũng như hạn ngạch về điện, nước, ga và phiếu thực phẩm miễn phí hàng tháng.
Nhưng không giống ngôi làng Hoa Tây đình đám, những người đứng đầu Trường Giang khá kín tiếng về ngôi làng và từ chối hầu hết các cuộc phỏng vấn để từ khi nơi này trở nên nổi tiếng sau vụ phân phát các thanh vàng và bạc nặng 100 g cho mỗi hộ gia đình hồi năm 2010 (thay vì cho mỗi cư dân như năm nay).
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, Li Huixia, một quan chức quan hệ công chúng tại Tập đoàn Xin Chang Jiang Group, cho hay vàng và bạc được phân phát cho người dân là những phưc lợi hữu hình biểu hiện cho sự giàu có của làng, và giá trị của các thanh kim loại quý có thể tăng lên mỗi năm, để họ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Do kín tiếng nên ngôi làng hầu như không có du khách tới thăm vào ngày bình thường. Làng Trường Giang là một khu vực hiện đại nơi các nhà máy công nghiệp và các khu nhà tiện nghi từ lâu đã thay thế đất nông nghiệp, không giống ý niệm thông thường về một ngôi làng tại Trung Quốc.
Ở phía nam của Trường Giang là một cổng bằng đá khổng lồ khắc chữ “Làng Trường Giang của Trung Quốc”, có thể dễ dàng nhìn thấy từ đằng xa. Một đại lộ lớn, với hai bên là 818 biệt thự nằm thẳng hàng, chia ngôi làng làm đôi.
Các công ty tiện ích và các nhà máy tái chế tàu, ống nhựa và thép nằm trong số các công ty toạ lạc ở phía bắc, khu vực viễn đông và phía tây của ngôi làng, nơi cũng được tô điểm với màu xanh của cây cối.
Khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa vào những năm 1980, Trường Giang từng là vùng đất nghèo nàn với những con đường bụi bẩn.
Sau nhiều năm lao động chăm chỉ, sự nỗ lực của ông Li và những người cùng chí hướng đã được đền đáp. Hai lò gạch nhỏ của ông đã phát triển thành một tập đoàn chuyên về đồng, thép, các sản phẩm khoá, hoá chất, ống thép, cũng như các công ty kinh doanh khách sạn, bất động sản, hậu cần, đầu tư và xuất nhập khẩu.
Vào năm 2011, Tập đoàn Xin Chang Jiang, bao gồm 17 công ty con, có doanh thu 7,6 tỷ USD, đứng thứ 195 trong tổng số 500 doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc. Đến năm 2015, tập đoàn đặt kế hoạch tạo ra 19 tỷ USD doanh thu buôn bán.
“Hãy chỉ nghỉ tới con đường dẫn đến thành công và đừng viện cớ cho sự thất bại”, ông Li nói trong một khẩu hiệu, được khắc bên một tượng đài ở công viên trung tâm của làng, cùng với các khẩu hiệu khác như “chăm lo cho các dân thường và đền ơn xã hội”.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Trường Giang đã ngày càng thịnh vượng. Người dân có thu nhập thường niên cao, được sống trong những toà nhà sang trọng, lái những chiếc xe hạng sang và được hưởng bảo hiểm và giáo dục cơ bản miễn phí.
Mỗi người dân đều sở hữu một phần nhỏ trong Tập đoàn Xin Chang Jiang nên họ đều được chia cổ tức trong những năm gần đây.
“So với Hoa Tây, các lợi tích tại Trường Giang thiết thực hơn”, Gu Weiming, một chủ nhà hàng địa phương, nói.
Ông Li Liangbao, 72 tuổi, rất được tôn kính trong làng nhưng không mấy người trên thế giới biết đến. Tài liệu giới thiệu cho các quan chức địa phương cung cấp miêu tả ông Li là một người tham công tiếc việc trong vài thập niên qua.
“Để giữ lời hứa, ông thường dậy vào khoảng 4-5 giờ sáng. Ông để lại dấu ấn ở mọi ngõ ngách của ngôi làng khi tới kiểm tra các nhà máy và công trình xây dựng để đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đầu ông ấy giống như một máy tính, và bộ não có chức năng như một kho dữ liệu”, tài liệu viết.
An toàn và lành mạnh
Theo đồn cảnh sát địa phương, trong nửa cuối tháng 3, tại Trường Giang chỉ xảy ra 6 vụ cướp và không có các tội ác khác.
Liu Li, một quan chức cảnh sát tại đồn cảnh sát địa phương, cho hay Trường Giang an toàn hơn tất cả các nơi khác tại tỉnh Giang Tô. “Các nhân viên an ninh đi tuần tại làng 3 lần mỗi lần và người dân cảm thấy an toàn tại đây”, bà Liu nói.
Tuy nhiên, sống tại Trường Giang, người dân cũng phải chấp nhận hi sinh những lựa chọn và sở thích cá nhân.
Các gia đình cho biết họ không thể nói không khi ngôi làng đề xuất lắp các cánh cổng bằng đồng giống hệt nhau tại mỗi hộ gia đình. Người dân cũng không được phép bán các thỏi vàng và bạc vì chúng là các món đồ kỷ niệm.
Về vấn đề chính trị, cuộc bầu cử các quan chức trong làng được tổ chức thường xuyên, nhưng chỉ những người có đóng góp nổi bật hoặc có uy tín mới được đề cử vào các chức vụ quan trọng.
Những mô hình tương tự
Các chuyên gia nghiên cứu về khu vực nông thôn cho hay việc phân phát các thanh vàng và bạc tại Trường Giang chỉ là một dạng khác của việc chi trả cổ tức.
Họ nói thêm rằng những câu chuyện thành công của các ngôi làng giàu có ở phía đông Trung Quốc khá giống nhau. Những ngôi làng này đã nắm các cơ hội phát triển vàng, có một nhà lãnh đạo giỏi và một đội ngũ quản lý với kiểu kinh doanh gia đình.
“Cần chú ý hơn tới việc làm thế nào để thúc đẩy sự phân bổ tài sản và để người dân hiểu rõ rằng một cổ phần mà họ sở hữu trong các tài sản tập thể có vai trò lớn như thế nào, do đó họ có thể thấy trước được sự phân bổ như vậy”, Du Zhixiong, một giáo sư về phát triển nông thôn tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói.
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo