Chuyện về người tù đấu trí với CIA trong xà lim địch suốt 4 năm
Trong xà lim hình vuông, mỗi cạnh 2m, CIA cho xây bức tường đều sơn trắng toát, trần gắn 5 ngọn đèn thắp sáng choang 24/24h làm người tù mất khái niệm thời gian. Biết người tù chịu lạnh kém, CIA thiết kế hệ thống máy lạnh, mở công suất cao. Tường và cửa đều cách âm, không nghe tiếng động bên ngoài.
CIA còn thay đổi giờ giấc thẩm vấn một cách lộn xộn, cắt ngang một cuốn phim rồi cho nhảy lộn xộn cảnh này sang cảnh khác, đột ngột thay đổi đề tài nhưng tất cả đều không khuất phục được đồng chí Nguyễn Tài - một gương mặt điển hình của lực lượng An ninh T4 trong kháng chiến chống Mỹ - Thiệu.
Khéo léo “dựng kịch” chống CIA
Đồng chí Nguyễn Tài tên thật là Nguyễn Tài Đông, bí danh Tư Trọng, Tư Duy, Ba Sáng, sinh ngày 11/12/1926, quê làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Đồng chí sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng (cha là nhà văn Nguyễn Công Hoan, đảng viên; chú là Nguyễn Công Miều (tức Lê Văn Lương), ủy viên Bộ Chính trị; chú nữa là Nguyễn Công Bông bị đày lên Sơn La; anh ruột là Nguyễn Tài Khoái hy sinh năm 1947...).
Năm 1964, trước tình hình Mỹ bắn phá miền Nam ác liệt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị Bộ Công an Nguyễn Tài xung phong vào Nam chiến đấu. Thời điểm đó, ông là cán bộ miền Bắc có chức vụ cao nhất trong lực lượng công an đi vào chiến trường miền Nam, trở thành Trưởng ban an ninh T4 (tiền thân của Công an TP.HCM ngày nay), hoạt động với bí danh Tư Trọng.
Sau ngày ông đi, Bác Hồ đã gửi một bức điện vào chiến trường miền Nam với nội dung: “Chú Nguyễn Tài là tài sản quý của Đảng, mọi người phải bảo vệ chú ấy”.
Nhưng cuối năm 1970, trên đường đi dự một cuộc họp của Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, ông bị bắt trong địa phận tỉnh Bến Tre. Địch hỏi: Theo giấy căn cước, ông tên Nguyễn Văn Lắm, sinh ở Định Thủy, Mỏ Cày, Bến Tre, tại sao nói giọng Bắc?
Ông giải thích: Cha người Bắc, mẹ người Nam, sinh ở quê mẹ nhưng lớn lên ở quê cha, năm 1954 di cư vào Nam, sống ở Bến Tre. Địch phát hiện giấy căn cước giả nên đưa ông đi thẩm vấn nhiều nơi: Ban quân báo của Tỉnh đoàn Bảo an Bến Tre, Cảnh sát vùng IV chiến thuật (ở Cần Thơ), Ban Quân báo của Quân đoàn IV (ở Cần Thơ), Ban Quân báo của Sư đoàn 7 (căn cứ Bình Đức, Mỹ Tho).
Về sau, để không ảnh hưởng tới tổ chức và nhân sự của Thành ủy (mà ông là ủy viên thường vụ) và Ban An ninh T4 (mà ông là trưởng ban), ông tạo ra một lý lịch giả, tự nhận là Nguyễn Văn Hợp, đại úy tình báo miền Bắc, mới vào Nam tháng 11/1970 (một tháng trước khi bị bắt), bị bắt trên đường đi Hồng Ngự để được Cục tình báo giao nhiệm vụ cụ thể. Ngay khi phát hiện ra ông chính là Tư Trọng, địch đã dùng mọi thủ đoạn để khuất phục ông.
Có thời điểm, chúng đã dùng 20 triệu USD cùng một cuộc sống vương giả ở nước ngoài để dụ dỗ nếu như ông chịu khai báo các bí mật mà ông nắm giữ. Nhưng mọi sự tra tấn của địch đều không khuất phục được ông quay lưng lại với dân tộc mình. Suốt 4 năm bị giam giữ, chưa một lần xác nhận thân phận của mình, nhưng Mỹ - Ngụy vẫn coi ông là “một tên tù Cộng sản đặc biệt quan trọng và quý giá”.
Kể cả sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ - Ngụy vẫn từ chối đưa Nguyễn Tài vào danh sách trao trả tù binh.
Hơn 4 năm chỉ biết có xà lim trắng
Trong thời gian bị bắt giam, kể cả sát những ngày đất nước giải phóng, ông chỉ biết đến có xà lim trắng.
CIA (tên viết tắt của Central Intelligence Agency, tên tiếng Việt là Cơ quan Tình báo trung ương Hoa Kỳ, là tổ chức tình báo của Mỹ hoạt động khắp nơi trên thế giới ) cho xây một xà lim đặc biệt ngay trong khuôn viên Trung tâm thẩm vấn quốc gia của Thiệu.
Xà lim hình vuông, mỗi cạnh 2m. Các bức tường đều sơn trắng toát, trần gắn 5 ngọn đèn thắp sáng choang 24/24h làm người tù mất khái niệm thời gian. Biết ông Tài chịu lạnh kém, CIA thiết kế hệ thống máy lạnh, mở công suất cao. Tường và cửa đều cách âm, không nghe tiếng động bên ngoài.
Trên trần có gắn máy thu âm, thu hình để các cai ngục có thể bí mật theo dõi mọi hành động và cử chỉ của người tù. Tuy nhiên, ông tự thích nghi với “thế giới của riêng mình”, có thể biết được giờ giấc nhờ hệ hóa học trong thân thể. CIA thay đổi giờ giấc thẩm vấn một cách lộn xộn, cắt ngang một cuốn phim rồi cho nhảy lộn xộn cảnh này sang cảnh khác, đột ngột thay đổi đề tài… nhằm làm sai lạc đồng hồ nội tâm của ông. Nhưng, mọi thủ đoạn đều thất bại với tù binh này.
Những thông tin Nguyễn Tài khai chỉ là thông tin bị làm sai lạc một cách có tính toán. Trong ba năm, các thẩm vấn viên của CIA vật lộn, đấu trí với Nguyễn Tài nhưng không thu được hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng đòi ông cung cấp thêm chi tiết về tiểu sử và quá trình hoạt động của ông. Ông từ chối và chúng tiếp tục tra tấn. Ngoài các biện pháp nhục hình cũ, chúng dùng nhiều thủ đoạn mới độc hại hơn nhằm làm ông kiệt sức, lả người, rơi vào trạng thái mê sảng. Lợi dụng lúc ông không còn làm chủ suy nghĩ, chúng bắt đầu hỏi cung, hy vọng ông có thể lỡ lời tiết lộ bí mật có hại cho tổ chức và đồng đội của ông.
Tuy nhiên, bất chấp tra tấn, ông Tài vẫn im lặng. Về sau, ông nghĩ ra cách đối phó: trả lời tất cả các câu hỏi cung bằng một câu duy nhất: “Quên rồi”.
Trong cuốn hồi ký của điệp viên CIA Frank Snepp – người từng hỏi cung ông Nguyễn Tài, có đoạn viết: “Ngay trước khi xe tăng Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn, một quan chức cao cấp của CIA đã gợi ý với nhà chức trách Sài Gòn tiện nhất là để Nguyễn Tài biến mất.
Bởi vì Tài là một tay khủng bố có kinh nghiệm, nên khó có thể mong đợi y là một kẻ chiến thắng rộng lượng. Người Nam Việt Nam dự định đưa ông ta lên một chiếc trực thăng ném xuống biển Đông. Đến lúc đó Tài chưa khi nào xác nhận một cách đầy đủ mình là ai cả”.
Nhưng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong cảnh nháo nhác như bầy ong vỡ tổ mạnh ai nấy chạy, Ngụy quyền Sài Gòn đã không kịp thực hiện kế hoạch này.
Trưa ngày 30/4/1975, một tiểu đoàn thuộc Quân đoàn IV tiến vào Sài Gòn chiếm Phủ đặc ủy trung ương tình báo. Ông Tài được giải thoát khỏi xà lim trắng toát sau 4 năm 4 tháng 10 ngày bị biệt giam ngay giữa lòng Sài Gòn. Đại tá Tư Trọng tìm được đường về nhà vợ chồng ông Ba Trương – một cơ sở cách mạng của ông trước khi bị bắt.
Cả gia đình ông bà Ba Trương đều xúc động đến lặng người khi thấy ông còn sống. Đêm hôm đó trời mưa to, tất cả đã nhường cho ông chỗ duy nhất khô ráo trong căn nhà dột nát. Vợ chồng ông Ba Trương còn cầm súng canh gác cho ông ngủ.
Nhưng vì quá cảm động, đêm đó Nguyễn Tài không ngủ. Ông thức đêm, cùng trò chuyện với gia đình Ba Trương, cùng chia sẻ với họ khoảng nền chật hẹp khô ráo duy nhất trong ngôi nhà nghèo nhưng ấm áp tình nghĩa.
Ngày hôm sau, cấp dưới nghe tin ông còn sống, nô nức kéo nhau đến thăm. Gặp lại thủ trưởng, không ai cầm được nước mắt. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từ miền Bắc bay vào, việc đầu tiên là đến gặp ông, chỉ vì muốn tận mắt thấy Nguyễn Tài còn sống.
Ngay sau đó, ông Tài gặp Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, được công nhận Đảng tịch liên tục, được phân công ủy viên thường vụ Thành ủy, phụ trách Trưởng Ban An ninh của thành phố Sài Gòn – Gia Định mới giải phóng. Đầu năm sau, ông được đề bạt chức Thứ trưởng Bộ Công an.
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo