Xã hội

Chuyện về những người nhặt bóng ở sân golf

Họ là những cô gái được cha mẹ đặt cho cái tên đẹp, nhưng khi đi làm người ta gọi: “53 ơi”, “77 ơi”… cũng thấy thân thương lạ. Khi hết giờ làm việc, vô tình nghe họ gọi những con số quen thuộc cũng giật mình quay lại vì tưởng họ đang gọi mình”.“Có tên tuổi đầy đủ nhưng khi lên sân golf, chúng tôi đều được mặc định gọi bằng số ghi đằng sau áo của mình”, Kim Anh, một nữ caddie chia sẻ.

Giật mình khi nghe ai đó gọi con số gắn với tên mình 

Caddie (Két đi hay Két) là một cụm từ chỉ những người làm công việc phục vụ, bảo quản gậy đánh golf cho người chơi golf. Bởi golf là môn thể thao được du nhập từ nước ngoài về nên hầu hết ngôn ngữ liên quan đến golf đều được giữ nguyên bằng tiếng Anh. Người ta thường không gọi họ là “Những nhân viên kéo bao gậy” hay “nhân viên phục vụ sân golf” mà gọi họ bằng một cái tên rất “Tây”: caddie. Thế nhưng gắn với cái tên Tây ấy là những nỗi nhọc nhằn không tên.

Một nữ caddie đang kéo bao gậy trên sân golf

Ở Việt Nam, phần lớn caddie là nữ giới. Công việc của họ thường xuyên phải làm ngoài trời, trực tiếp chịu những tác động của của thời tiết nên họ được trang bị đồng phục gồm quần áo, mũ, khăn, khẩu trang, giày… để gần như phải bịt kín từ đầu đến chân, chỉ trừ đôi mắt. Khi lên sân golf, họ không còn tên nữa. Tên của họ được đồng bộ bằng số. Người quản lý gọi họ bằng số, người chơi golf gọi họ bằng số và đồng nghiệp họ cũng gọi nhau như vậy.

Kim Anh, một caddie tại sân golf Đồng Mô ngậm ngùi: “Ban đầu khi mình mới đi làm, bị gọi bằng số cũng cảm giác hơi khó chịu vì thấy không được tôn trọng. Nhưng rồi cũng phải chấp nhận với cách gọi này. Lâu rồi cảm thấy đây là cách gọi cũng rất bình thường. Mọi người ở đây đều gọi nhau như vậy. Nhiều lúc nghe gọi: “53 ơi”, “77 ơi”… cũng thấy thân thương lạ. Khi hết giờ làm việc, vô tình nghe họ gọi những con số quen thuộc cũng giật mình quay lại vì tưởng họ đang gọi mình”.

Tên các caddie được gọi bằng số sau chiếc áo đồng phục

…và những nhọc nhằn không tên

Công việc của caddie gắn liền với sự ra đời và phát triển của môn thể thao quý tộc. Thế nhưng những người làm việc trong môi trường của môn thể thao quý tộc này lại không hề bóng bẩy, hào nhoáng như người ta vẫn nghĩ.

Tưởng chừng caddie là công việc mà bất cứ ai cũng có thể làm được nhưng không phải vậy. Tiêu chí tuyển chọn caddie cũng khắt khe không kém gì một cuộc thi tuyển vào làm một ngành nghề hot khác. Yêu cầu ban đầu của vòng sơ tuyển đối với caddie là phải có một sức khỏe tốt, tiếng Anh cơ bản. Bởi họ luôn phải trong trạng thái sẵn sàng làm việc dù thời tiết mưa hay nắng, có thể phải vác bao gậy đi bộ khoảng vài chục km và công việc phải thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài.

Qua được khâu sơ tuyển, họ lại tiếp tục đối mặt với một khóa huấn luyện về những luật golf rắc rối, những thuật ngữ bằng tiếng Anh thường xuyên được sử dụng khi lên sân… Có thể những caddie sẽ không đánh golf giỏi như những người chơi golf nhưng họ phải hiểu biết tất cả những vấn đề liên quan đến golf để có thể giải thích, tư vấn cho người chơi những giải pháp tốt nhất cho từng đường bóng.

Chuẩn bị xe cho một hành trình vất vả trên sân golf và lau nhanh những giọt mồ hôi trên khuôn mặt

Chị Kim Anh kể lại câu chuyện về lần đầu tiên lên sân golf của mình: Sau khi trải qua các đợt huấn luyện kỹ thuật chơi golf, luật chơi golf và nhiều những thuật ngữ trong môn thể thao này; tôi hào hứng khi nhận lên sân golf làm việc lần đầu. Dù đã xác định phải đi bộ rất nhiều nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ công việc này lại cực nhọc đến thế. Đeo cả túi gậy với cả thảy 14 gậy các loại đi bộ gần 10 km, công việc không hề đơn giản như tôi nghĩ ban đầu.

Hơn thế, đó lại là lần đầu tiên tôi lên sân nên còn lóng ngóng chưa quen việc giao tiếp và hướng dẫn khách chơi golf, vì thế mà làm khách không hài lòng. Đi cả chặng đường dài vất vả, nhọc nhằn, phải chịu vô số những lời cằn nhằn của người chơi golf như vậy mà chỉ thu về vỏn vẹn 70.000 đồng từ sân golf mà không có bất kỳ khoản tip nào. Khi lên sân, cái tên được bố mẹ tôi đặt cho mình không còn được nhắc đến nữa.

Họ gọi tôi bằng những con số trên chiếc đồng phục tôi mang trên người. Tôi đã muốn từ bỏ ngay từ lần đầu tiên vào nghề. Thế nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai mình, tôi không thể từ bỏ. Để được đứng trong đội ngũ caddie của sân, tôi đã phải trải qua quá nhiều thử thách. Khi mà ruộng đất không còn, nghề nghiệp, kiến thức không có; với tôi, làm caddie là con đường duy nhất phải đi.

Giờ đây, tôi và một số bạn caddie khác cũng đã quen dần với công việc rồi dần cảm thấy đỡ nhọc nhằn hơn. Biết là công việc quá nhiều khó khăn và vất vả nhưng khi còn trẻ, tôi vẫn phải cố gắng. Vì tôi biết, đến khi có tuổi, mình sẽ không thể còn gắn bó được với công việc này nữa. Nếu sân golf không đuổi thì tôi chắc cũng không còn đủ sức khỏe cùng với sự dẻo dai để làm caddie. Nhiều chị làm caddie đã có gia đình nhưng họ vẫn tiếp tục làm việc này. Bởi dù công việc có vất vả nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập cho chúng tôi.

Bắt đầu phục vụ chuyến đi chơi golf cùng các đại gia

Vất vả nhưng thu nhập không ổn định

Hiện nay, hầu hết các sân golf đều trang bị xe chuyên dụng đưa người chơi golf và caddie khi lên sân. Tuy nhiên, cũng không ít những người chơi chọn phương án đi bộ khi chơi golf. Một vòng sân golf (1 fee – 1 phi) 18 lỗ tương đương khoảng gần chục km, nếu khách muốn đánh cả 36 lỗ golf thì quãng đường phải đi bộ phải nhân lên gấp đôi. Tuy vậy, đi mỗi fee , họ chỉ được nhận số tiền khoảng từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng tùy vào từng sân và xếp hạng của caddie.

Ngoài khoản phí được sân golf trả, caddie còn được nhận thêm một khoản tiền tip từ người chơi golf. Khi đó, thu nhập của họ cho mỗi lần lên sân cũng dao động từ khoảng 200.000 đến 300.000 đồng. Vì vậy, thu nhập của họ cũng tùy thuộc những lần lên sân. Có tháng đông khách, thu nhập của họ cũng đạt khoảng từ 7 đến 8 triệu hoặc nhiều hơn, nhưng cũng có những tháng thu nhập cũng chẳng đủ để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày.

Có những giây phút caddie trở thành bạn, cũng có thể là người thầy với người chơi golf

Vì cuộc sống, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhiều người đã chấp nhận vào làm nghề caddie như thế. Nhưng cũng có nhiều caddie sau thời gian làm việc, họ vẫn luôn yêu đời, thấy hạnh phúc với công việc của mình. Với họ, được lên sân golf là có thu nhập, đó là một niềm vui lớn.

Kiều Luyến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo