Xã hội

Có cần phải xây công trình ngàn tỷ rồi... cho thuê đám cưới?

"Chúng ta có cần sân bay không? Cần, nhưng chúng ta xây sân bay vào lúc nào?... Chúng ta có cần những công trình văn hóa 3.200 tỷ mà bây giờ để cho thuê đám cưới không?"

 Đại biểu Nguyễn Văn Hiến phát biểu chiều 1/11. (Ảnh ND)

ĐBQH Nguyễn Văn Hiến nêu khi thảo luận tại hội trường chiều 1/11 về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng.
 
Đề cập đến vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và lĩnh vực ngân hàng, Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng, 3 chủ trương này đã đạt được kết quả quan trọng: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiềm chế và duy trì được tăng trưởng.
 
Tuy nhiên đại biểu cũng còn băn khoăn trước những bất cập đầu tư công. Chúng ta quy hoạch 52 và đã xây dựng 30 được cảng, tuy nhiên hiện nay hệ thống tàu bè lưu thông cũng còn nhiều khó. Có nhiều nguyên nhân, song theo đại biểu Hiến, trong đó có việc chưa tạo ra được hệ thống hạ tầng kết nối các cảng. Ông đề nghị Quốc hội phải quan tâm đến việc này.
 
Vấn đề thứ 2, theo đại biểu Hiến là phải chống được tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công. Theo đại biểu, lĩnh vực này đang rất nghiêm trọng. Ông đặt ra hàng loạt câu hỏi:
 
“Nhân dân hỏi chúng ta có cần cầu không? Chúng ta rất cần cầu. Nhưng bây giờ chúng ta có cần cầu dây văng lung linh như thế không? Chúng ta có cần sân bay không? Cần, nhưng chúng ta xây sân bay vào lúc nào? Quy mô của nó bao nhiêu? Chúng ta có cần những công trình văn hóa 3.200 tỷ mà bây giờ để cho thuê đám cưới không? Chúng ta có cần những Làng văn hóa 3.200 tỷ, nhưng bây giờ lại biến thành phim trường không? Nhân dân không chấp nhận được chuyện đó!”.
 
Theo đại biểu Hiến, tâm lý bây giờ rất phổ biến là có cấp bách, chính đáng, mang lại lợi ích cho dân thì câu hỏi đầu tiên vẫn phải là xem xét động cơ của chúng ta làm công trình này. Ông Hiến khẳng định “Vấn đề chống lãng phí lĩnh vực đầu tư công vô cùng quan trọng”.
 
Vấn đề thứ 3, theo đại biểu Hiến là chúng ta phải rà soát tiêu chuẩn định mức trong đầu tư công. “Tại sao có những con đường đắt nhất thế giới? Tại sao Bộ trưởng vừa mới về cắt tỉa một ít đã tiết kiệm được hơn 3500 tỷ?”.
 
“Trước khi đi họp Quốc hội có một DN nói với tôi thế này: Các ông đặt vấn đề tái cơ cấu DN nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông?”.
 
Ông Hiến nêu và nhìn nhận, chiều qua các ý kiến phát biểu của các đại biểu, có thể hiểu là rất nhiều cử tri rất quan tâm đến tái cơ cấu tổ chức bộ máy. Chúng ta cần phải thực hiện điều này để thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp là nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.
 
“Chúng ta cứ nói có nhiều thứ trưởng quá, rồi đem ra chất vấn Thủ tướng, Bộ trưởng. Tôi cho rằng Thủ tướng cũng chỉ ký sau khi có ý kiến chấp thuận, sau khi có thông báo của các cấp có thẩm quyền. Vấn đề bây giờ là làm sao tất cả các hệ thống của chúng ta phải thực hiện đúng theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật”.
 
Cũng theo ông Hiến, tái cơ cấu trách nhiệm là để phục vụ dân tốt hơn, phục vụ DN tốt hơn, và để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta cứ nói vì DN nhưng thực ra DN có được đối xử tốt không? DN rất phổ biến là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng. DN mà phải dùng tới 872 giờ để nộp thuế thì đó là một sự hành hạ DN.
 
“Đất nước ta không thiếu người tâm huyết tài năng, nhưng họ không có điều kiện may mắn và không có vị trí xứng đáng để có thể giúp dân, giúp nước, nên phải bằng cơ chế tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển bổ nhiệm công khai, minh bạch thì họ mới có cơ hội giúp dân giúp nước được” – đại biểu Hiến đề nghị.  
 
Trước đó, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, không nên đặt ra yêu cầu quá cao đối với nhiệm vụ tái cơ cấu, điều quan trọng là phải đánh giá xem ta đã đi đúng hướng chưa, và 2 – 3 năm tới thì phải thực hiện như thế nào.
 
Trên cơ sở đó, đại biểu Hùng đề xuất 3 vấn đề: Tái cơ cấu đầu tư phải xây dựng với cơ chế đầu tư phù hợp. Nói ngắn gọn là phải quan tâm đến 3 chữ “cơ”: Cơ cấu, cơ chế và cơ hội.
 
Theo ông, cơ cấu ở đây phải xác định rõ hơn yêu cầu tái cơ cấu đầu tư, đảm bảo được nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm, giảm đầu tư của nhà nước, và tăng tỷ lệ đầu tư ngoài nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư nói chung, của nhà nước nói riêng.
 
Về cơ chế, theo đại biểu Hùng cần giảm cơ chế cấp vốn, tăng cơ chế tín dụng lên. Đồng thời tăng cường tính công khai minh bạch trong quản lý sử dụng vốn đầu tư. Ngoài ra phải gắn liền với thẩm quyền, đi liền với trách nhiệm.
 
Đối với cơ hội cho nhà đầu tư, ông Hùng đề xuất lĩnh vực có lợi nhuận thì tạo điều kiện cho thành phần kinh tế ngoài nhà nước, nếu ở những vùng khó khăn thì phải khuyến khích mạnh mẽ vào các vùng miền này. Ngoài ra cũng cần tiếp tục cải cách hành chính.  Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng hơn nữa để giảm chi phí vô lí trái pháp luật cho DN, giảm nhũng nhiễu phiền hà cho nhà đầu tư.
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo