Thị trường

Có cần quy định riêng thủ tục phá sản đối với ngân hàng?

Quy định thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng được tách thành một chương riêng trong dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết tại phiên họp hôm 15/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

pha san, phá sản, luat pha san sua doi, luật phá sản sửa đổi, thu tuc pha san, thủ tục phá sản, nguyen van giau, nguyễn văn giàu, to chuc tin dung, tổ chức tín dụng

Thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng là một trong bảy vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau qua của dự án Luật Phá sản, qua thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua.

Tại đây, có ý kiến cho rằng cần quy định riêng thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng vì việc phá sản đối với tổ chức tín dụng có tính đặc thù, liên quan đến người gửi tiền, có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân.

Chủ nhiệm Giàu cho hay, tại dự thảo luật mới nhất, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung một số nội dung theo hướng quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; hoàn trả khoản vay đặc biệt; xử lý tài sản ủy thác; các giao dịch trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt liên quan đến phá sản tổ chức tín dụng và tách thành một chương riêng.

Cụ thể, dự luật nêu rõ, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.

Trong trường hợp này mà tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.

Tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng.

Cũng theo dự thảo luật, tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng vẫn không phục hồi được mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản theo quy định tại Luật Phá sản (sửa đổi).

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, người có tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với chấp hành viên để nhận lại tài sản của mình. Trong trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại kỳ họp thứ 7 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Phá sản (sửa đổi).

Theo Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo