Có cơ sở để GDP năm 2017 đạt 6,7%
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội đã làm việc tại tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016; quyết toán NSNN năm 2015, câu chuyện nóng nhất là mục tiêu đạt GDP 2017 là 6,7%.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội ngày 22/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây chủ yếu là do khu vực công nghiệp – xây dựng giảm so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn.
Theo ông Thanh, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%. Một số ý kiến đề nghị phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững.
Nói về việc này tại buổi thảo luận tổ chiều 25/5, đại biểu Trần Hoàng Ngân ( TP. HCM) cho rằng, mặc dù GDP quý 1/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 4 năm qua nhưng có cơ sở để phấn đấu đạt mục tiêu 6,7%. Bởi tiềm năng cho sự phát triển kinh tế những tháng cuối năm là có và có khả năng khai thác được.
Tiềm năng mà đại biểu kể đến là kinh tế tư nhân với 3 động lực có thể hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, đó là Nghị quyết Trung ương 5 khóa (XII), Nghị quyết 35 của Chính phủ và tới đây là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị quyết Trung ương 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế, Nghị quyết 35 của Chính phủ sau một năm thực hiện đã thúc đẩy tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, vươn lên đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
“Những trụ cột quan trọng này sẽ tạo động lực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Khi động lực kinh tế tư nhân được đầu tư phát triển đúng mức, được sự hỗ trợ sẽ có điều kiện đóng góp vào tăng trưởng GDP”, đại biểu nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Quang cho rằng, Chính phủ cần chú ý đến việc tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. Thời gian tới, cần nhanh chóng triển khai thực hiện tốt 3 Nghị quyết được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nhìn nhận, điều quan trọng nhất là khâu tổ chức quản lý điều hành. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%, 3 quý còn lại phải đạt trên 7%. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải kiên quyết điều hành, tăng cường kiểm tra, tăng cường đánh giá và đặc biệt là phải rõ được trách nhiệm của người đứng đầu.
Trong khi đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ chặt chẽ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, sớm phân bổ vốn đầu tư năm 2017; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước; có giải pháp giải quyết dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài; chấn chỉnh tuyển dụng cán bộ công chức không đúng quy định…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng