Pháp luật

Có đưa tội lợi ích nhóm vào Bộ luật hình sự?

Phó chủ tịch Quốc hội, thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề như vậy khi thảo luận về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) sáng nay 7-4.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn

 

Theo phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, đây là dự án luật đồ sộ, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách hình sự, để không bỏ lọt tội phạm.

 

Ông Sơn hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường là có đặt vấn đề đưa các tội như suy thoái, tự chuyển biến, lợi ích nhóm vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) không?

 

Đáp lời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết trong dự thảo bộ luật không có riêng các điều khoản quy định về các tội trên, nhưng với những hành vi tội phạm cụ thể thì đã được điều chỉnh trong các điều luật quy định về từng tội danh cụ thể.

 

“Nói về lợi ích nhóm, ví dụ như vì lợi ích nhóm mà hối lộ, chạy này chạy khác, thì chúng tôi đã quy định vào các điều luật cụ thể, như nhóm tội về tham nhũng. Và chúng tôi cũng đã quy định truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân (tổ chức, doanh nghiệp…) vào đây” - ông Cường giải thích.

 

Chỉ có 8 điều được giữ nguyên trong tổng số 441 điều của dự thảo bộ luật, ông Cường cho biết “các tội xâm phạm an ninh quốc gia giữ nguyên, còn lại hầu hết các tội khác đều có vấn đề phát sinh mới”.

 

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết ông quan tâm đến 7/22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành đang được đề xuất bỏ.

 

Đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người và tội phạm chiến tranh.

 

“Cần giữ lại hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống lại loài người và tội phạm chiến tranh” - ông Sơn bày tỏ.

 

Lý do, theo ông Sơn: “Chúng ta thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh, vì vậy cần những quy định mang tính răn đe. Tôi nghĩ không có gì phải lấn cấn ở chỗ này”.

 

Đồng thời, tướng Sơn cũng đề nghị giữ lại hình phạt tử hình với hai tội là chống mệnh lệnh và đầu hàng địch.

 

“Các tội này quy định chủ yếu cho quân nhân. Đã là quân nhân mà chống mệnh lệnh thì không còn ý thức, kỷ luật gì nữa. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Từ chỗ không chấp hành mệnh lệnh sẽ đi đến đầu hàng địch. Đầu hàng địch là phản bội Tổ quốc” - ông nói.

 

Vẫn đề cập đến hình phạt, ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị trong dự thảo luật này phải thống nhất quan điểm và đưa ra các quy định đảm bảo người có chức vụ, quyền hạn càng cao mà phạm tội thì phải chịu hình phạt cao hơn.

 

Cuối cùng ông đề nghị đây là dự án bộ luật đặc biệt quan trọng, cần phải làm kỹ, lấy ý kiến nhân dân, tránh tình trạng luật chưa có hiệu lực đã đề nghị sửa đổi như một số đạo luật gầy đây.

Theo Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo