Thị trường

Cơ giới hóa đồng bộ, 5 đột phá mới trong sản xuất lúa

Quy hoạch vùng sản xuất, sử dụng giống đảm bảo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đồng bộ cơ giới hoá và liên kết với doanh nghiệp là 5 đột phá mới trong sản xuất lúa giúp người dân tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.

Những năm gần đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tích cực áp dụng cơ giới hóa đồng bộ (CGHĐB) trong sản xuất lúa, nhờ đó năng suất, chất lượng lúa gạo của TP tăng lên rõ rệt.

Vụ Xuân 2017 là vụ đầu tiên gia đình ông Vũ Xuân Thân, ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất tham gia mô hình hỗ trợ ứng dụng CGHĐB trong sản xuất lúa. Ông Thân chia sẻ: "Nếu như trước đây canh tác một mẫu lúa tôi phải bỏ ra 6 triệu đồng thì vụ này tổng chi phí từ làm đất đến thu hoạch chỉ hết 4 triệu đồng. Mừng nhất là các thành viên trong gia đình bớt đi vất vả vì không phải lo làm ngày làm đêm cho kịp thời vụ mỗi khi ngày mùa tới".

Cơ giới hóa đồng bộ, 5 đột phá mới trong sản xuất lúa. Ảnh: Internet

Còn với ông Hoàng Văn Nhân, ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai thì vụ lúa này là vụ thắng lợi nhất của gia đình ông khi 5 sào lúa cho sản lượng tới 1,5 tấn. Ông Nhân cho hay, nhờ có máy móc thay thế sức người mà năng suất, chất lượng lúa đã tăng lên rõ rệt. Đơn cử như khâu cấy do cấy mạ non, nông và thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, nhờ đó bông lúa to, dài, tỷ lệ hạt chắc cao và hạn chế được sâu bệnh, báo KTĐT đưa tin.

Không chỉ tại Hà Nội, các cánh đồng mẫu lớn ở số tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang... cũng được ứng dụng mô hình CGHĐB để có thể nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Ông Nguyễn Văn Sâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tượng Lĩnh cho biết: Khi ứng dụng mô hình CGHĐB, ruộng cấy máy có mật độ cấy 30 khóm/m2, còn thửa ruộng cấy tay có mật độ 40 khóm/m2. Tuy nhiên số bông hữu hiệu/khóm ở công thức cấy máy đạt cao hơn (bình quân 318 bông/m2, cá biệt có điểm đo được 386 bông/m2); còn cấy tay đo được 291 bông/m2.

Khi áp dụng công nghệ, chỉ tiêu về số hạt chắc trên bông của ruộng cấy máy đạt được 132 hạt chắc/bông cao hơn so với ruộng cấy bằng tay nên năng suất lý thuyết và dự kiến năng suất thu được của ruộng cấy bằng máy đạt 73,9 tạ/ha (tương ứng 266kg/sào), cao hơn so với cấy bằng tay (13,6%).

Chia sẻ với báo Nông nghiệp, ông Sâm cho biết: Có thể khẳng định,việc cấy bằng máy làm cho cây lúa thẳng hàng, khả năng sử dụng ánh sáng và lưu thông trong ruộng tốt hơn trong cùng điều kiện sử dụng phân bón NPK chuyên dùng cho bón lót và bón thúc đã giúp cho ruộng phát triển cân đối, lá đứng thẳng không bị đổ do mưa giông trên địa bàn trong những ngày qua.

 

Qua đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa là yếu tố cần thiết phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thời gian qua, TP rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có cơ chế hỗ trợ nông dân, HTX 50% chi phí mua máy, thiết bị (nhưng không quá 75 triệu đồng/máy). 

Tuy nhiên, với mức hỗ trợ nêu trên không ít HTX vẫn phải loay hoay với việc hạch toán kinh tế khi đầu tư vào dịch vụ CGH bởi giá trị mua máy cao mà khấu hao máy lớn. Do đó, để nông dân, HTX mạnh dạn áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa, Sở kiến nghị TP sớm xem xét việc tăng mức hỗ trợ kinh phí mua máy móc và bổ sung mức hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành sản xuất.

Nên đọc
Trung Hùng (Tổng hợp theo báo Nông nghiệp, KTĐT)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo