Quốc tế

Cơ hội cuối cứu đồng euro

Ngày 8.12, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) khai mạc tại Brussels (Bỉ) trong bối cảnh đồng euro đang đến hồi hấp hối.

 

Bi quan về “Bức tường lửa”

Tuy nhiên, Đức bày tỏ ít lạc quan về khả năng hội nghị có thể cứu được đồng euro, trong khi Pháp cảnh báo nguy cơ "bùng nổ" ở khu vực đồng euro ngày càng hiện hữu. Với mục đích tìm biện pháp tăng cường kỷ luật tài chính, củng cố sự liên kết về kinh tế trong EU, hội nghị lần này được đánh giá có ý nghĩa quyết định đối với các nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng ra toàn khu vực đồng euro và khôi phục sức mạnh của đồng tiền này. Tuy nhiên, các quan chức Đức dự đoán, hội nghị khó đạt được sự đồng thuận.

Phát biểu tại cuộc họp của Đảng UMP cầm quyền ở Pháp, Tổng thống nước này Nikolas Sarkozy cho rằng, châu Âu chưa thoát khỏi khỏi khủng hoảng và cuộc khủng hoảng này sẽ bùng nổ trong toàn khu vực đồng euro nếu những đề xuất mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra không được thực hiện.

Trước đó, ông Sarkozy và bà Merkel đã công bố các kế hoạch cải cách toàn diện đối với khu vực đồng eurro, kêu gọi sửa đổi Hiệp ước Lisbon nhằm hoàn thiện khu vực đồng tiền chung hiện được cho là còn nhiều khiếm khuyết sau gần 10 năm ra đời. Trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy, hai nhà lãnh đạo đề nghị tăng cường việc quản trị khu vực đồng euro nhằm đảm bảo kỷ luật ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực.

Thủ tướng Áo Werner Faymann ngày 7.12 cũng cho rằng Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ không đáp ứng được mục tiêu dựng "bức tường lửa" bảo vệ khu vực đồng euro trong vòng 3 - 5 năm tới.

EU cắt giảm viện trợ 19 nước

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách phát triển của Liên minh châu Âu (EU) Andris Piebalgs cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định cắt giảm viện trợ từ năm 2014 đối với 19 nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Theo thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp bàn bạc, các nước khối đồng euro phải giữ mức thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Nước nào vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Berlin và Paris cho rằng cách duy nhất để duy trì cơ chế này là thay đổi Hiệp ước Lisbon.

Theo ông Piebalgs, quyết định trên nhằm đem đến một sự dịch chuyển trong quan hệ của EU với các nền kinh tế mới nổi và tập trung viện trợ cho các nước nghèo nhất trong giai đoạn 2014-2020. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ngân sách chi tiêu nước ngoài của EU có nhiều thay đổi lớn để phù hợp với kế hoạch ngân sách dài hạn của liên minh này nhằm thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính và đối mặt với lượng đối thủ ngày càng tăng trên thương trường toàn cầu.

EC cho biết chính sách trong tháng 10.2011 đã có những thay đổi, như EU sẽ tăng khối lượng viện trợ cho những nước cần tài chính nhất và cho những nơi mà EU có tác động thực sự, kể cả những nước bất ổn. Điều đó có nghĩa là EU sẽ giảm viện trợ cho các cường quốc mới nổi trên thế giới. Từ năm 2007-2013, EU dành khoảng 980 triệu euro cho Nam Phi, 470 triệu euro cho Ấn Độ; 170 triệu euro cho Trung Quốc và 61 triệu cho Brazil. Các nước có thu nhập trung bình như Argentina cũng bị giảm viện trợ.


Theo Dân Việt

Doanh nghiệp tiêu biểu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo